Đường bộ

Mở lại vận tải khách liên tỉnh, địa phương đang thận trọng quá mức?

13/10/2021, 11:33

Nhiều ý kiến cho rằng một số địa phương đang thận trọng quá mức trong việc mở lại vận tải khách liên tỉnh, gây cản trở lưu thông.

Cả doanh nghiệp, người dân gặp khó

Bắt đầu tư hôm nay (13/10), các tỉnh, thành phố thí điểm mở lại vận tải hành khách liên tỉnh trong vòng 1 tuần theo hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT.

Tuy nhiên, đến thời điểm này theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ VN, mới chỉ có 6 tỉnh, thành phố đồng ý khôi phục lại vận tải hành khách liên tỉnh. Trong số này, không có thành phố Hà Nội - nơi được coi là trung tâm kết nối vận tải liên tỉnh khu vực phía Bắc.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng - đơn vị chuyên khai thác tuyến Hà Nội - Hải Phòng thông tin: Cả hai thành phố đầu và cuối tuyến Hà Nội và Hải Phòng chưa đồng ý với đề xuất của sở GTVT địa phương nên chưa thể mở lại vận tải khách liên tỉnh.

img

Đến sáng nay, vận tải khách liên tỉnh đi và đến Hà Nội chưa thể thực hiện - Ảnh minh họa

Mặc dù doanh nghiệp đã chuẩn bị khá kỹ về nhân lực và phương tiện để bắt đầu hoạt động từ hôm nay nhưng đến thời điểm này vẫn phải án binh bất động. TP.HCM cũng là thành phố lớn nhưng họ lại mở cửa vận tải còn Hà Nội lại không. Doanh nghiệp không còn cách nào khác là chờ đợi.

Hà Nội muốn an toàn trước dịch bệnh nhưng việc vẫn đóng cửa vận vải là trái với chỉ đạo của Chính phủ. Hà Nội là trung tâm kết nối vận tải với các tỉnh và ngược lại nhưng lại đóng cửa vừa khó khăn cho doanh nghiệp, vừa gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Nghị quyết 128 về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" mới được Chính phủ ban hành đã bỏ giãn cách xã hội. Các địa phương thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết, vận tải mới hoạt động được, mỗi địa phương một kiểu, vận tải khách liên tỉnh sẽ đứt gãy”, ông Hải nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải ô tô Điện Biên cho rằng, Điện Biên có khoảng gần 300 xe giường nằm chạy tuyến Điện Biên - Hà Nội nhưng vẫn phải nằm chờ, trong khi người dân đi lại khá khó khăn và tốn kém.

"Người dân tỉnh Điện Biên và một số tỉnh Tây Bắc có nhu cầu cấp bách phải di chuyển, đi chữa bệnh đang phải sử dụng phương tiện xe hợp đồng trá hình hoạt động chui với giá vé gấp 5 - 7 lần bình thường, lên đến 2 triệu đồng/người. Là địa phương trung tâm đầu mối các tuyến vận tải, có lưu lượng xe lớn nhưng Hà Nội đang cẩn thận quá mức trong việc khôi phục lại vận tải khách liên tỉnh, gây cản trở quyền đi lại của người dân. Hà Nội không mở lại vận tải khách liên tỉnh sẽ ngăn cản vận tải khách của nhiều tỉnh, thành phố khác, việc mở lại vận tải khách liên tỉnh không có tác dụng", ông Mạnh bức xúc.

Thông tin thêm, ông Mạnh cho hay: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương không được cát cứ. Nghị quyết 128 Chính phủ mới ban hành yêu cầu cả nước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tạm thời không áp dụng các biện pháp cấp bách; tạm thời không áp dụng Chỉ thị số 15, 16, 19.

"Có thể hiểu được sự thận trọng của Hà Nội. Tuy nhiên, khi ban hành Nghị quyết trong tình hình mới, Chính phủ đã phân tích kỹ các điều kiện trong nước và kinh nghiệm quốc tế, ý kiến đóng góp của các nhà khoa học lĩnh vực phòng chống dịch. Trong đó có lĩnh vực vận tải, các địa phương chỉ việc thực hiện theo. Các địa phương đưa ra các điều kiện riêng là làm trái với chỉ đạo của Chính phủ”, ông Mạnh nói.

Hà Nội "đóng cửa", 70% số tuyến vận tải khách liên tỉnh khu vực phía Bắc “đóng băng”

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, các tuyến vận tải từ Hà Nội đi các tỉnh chiếm số lượng và tần suất chạy xe lớn. Hà Nội không khôi phục lại vận tải khách liên tỉnh đồng nghĩa với 70% số tuyến vận tải khách liên tỉnh khu vực phía Bắc “đóng băng”. Các tuyến hoạt động được đều không phải là tuyến chủ đạo lưu lượng xe thấp.

Trong sáng nay, chỉ có các tuyến nối Thái Nguyên với các tỉnh Đông Bắc Bộ, các tỉnh đồng bằng nối với Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn là hoạt động được 30% tần suất số chuyến xe của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số tỉnh Tây Bắc nối về các vùng xanh đồng bằng vẫn còn đang “ngập ngừng” chưa tổ chức được vận tải khách liên tỉnh.

Hà Nội đang có sự thận trọng quá mức. Ở khu vực phía Bắc, Hà Nội là vùng có nguy cơ cao về lây lan dịch bệnh. Trong khi đó người từ các tỉnh khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, khu vực Tây Bắc, khu vực Đông Bắc là vùng xanh về Hà Nội không có nguy cơ lây nhiễm. Các tỉnh vùng xanh họ mới lo ngại người từ Hà Nội về lây lan dịch bệnh nhưng lại sẵn sàng mở tuyến vận tải liên tỉnh. Người từ các tỉnh vùng xanh về Hà Nội có nguy cơ lây lan thấp nhưng lại không được tiếp nhận.

"Chính phủ sớm chỉ đạo Hà Nội mở lại các tuyến vận tải khách liên tỉnh. Nếu thực hiện đầy đủ các quy định phòng chóng dịch bệnh của Bộ Y tế, hướng dẫn của Bộ GTVT nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ rất thấp vì đa số các tỉnh đều là vùng xanh. Các tuyến từ miền Nam ra Hà Nội có thể lùi lại một bước", ông Quyền nói.

Nghị quyết số 128 hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" đưa ra mục tiêu là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn; các địa phương có dịch bắt đầu lộ trình thích ứng an toàn; kiên trì thực hiện mục tiêu kép, phấn đấu đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới trong năm 2021.

Đối với giao thông, Nghị quyết yêu cầu, giao thông công cộng bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải, sẽ phải dừng hoạt động hoặc hạn chế hoạt động ở vùng đỏ, vùng cam, các vùng còn lại đều được hoạt động, riêng vùng vàng giảm công suất.

Lưu thông vận chuyển nội tỉnh, liên tỉnh đều được hoạt động ở cả 4 cấp độ, nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch và thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải.

Quy định này áp dụng thống nhất trên toàn quốc, có thể áp dụng linh hoạt các biện pháp bổ sung nhưng không được trái với quy định của trung ương, không gây ách tắc hàng hóa, sản xuất kinh doanh, đi lại của người dân.

Khi áp dụng hướng dẫn này, các địa phương sẽ tạm thời không áp dụng quy định của chỉ thị 15, 16, 19. Trường hợp cần thiết áp dụng các biện pháp phòng chống dịch trên quy mô toàn tỉnh, cao hơn hướng dẫn thì phải báo cáo Bộ Y tế, Thủ tướng.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.