Chuyện dọc đường

“Mở lon Việt Nam” - cụm từ vô nghĩa, cấm là đúng

30/06/2019, 14:52

Coca-cola nên có thông điệp chính thức về việc này, thậm chí một lời xin lỗi công khai là thỏa đáng.

img
Không ai cấm Coca-Cola quảng cáo "Khui lon ăn mừng", nhưng "Mở lon Việt Nam" là cụm từ vô nghĩa, cơ quan chức năng cấm là đúng

Coca-Cola là một thương hiệu nổi tiếng trên toàn thế giới, có lẽ hơn 7 tỷ người trên thế giới ai ai cũng biết đến tên gọi này, và Coca-Cola có lẽ không cần quảng cáo chỉ để người ta biết đến tên và mua sản phẩm của họ.

Những ngày cuối tháng 6, Coca-cola mở chiến dịch quảng cáo mang tên "Mở lon Việt Nam". Dù chưa được cấp phép, một biển quảng cáo cỡ lớn có slogan này đã được treo tại Hà Nội.

Sự việc lập tức đã tạo hiệu ứng đám đông với những tranh luận trái chiều gay gắt. Ngay sau khi Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa và Du lịch) có văn bản gửi các Sở VHDL các tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của Coca-Cola, mạng xã hội Việt Nam như bùng nổ với đa số ý kiến bài xích, cười cợt quyết định của Cục này. Lướt qua những bài viết, bình luận trên mạng xã hội Facebook, hầu hết đều bênh vực việc sử dụng chữ "lon" với quan điểm đó là một từ thông dụng và nó chỉ xấu khi người ta tự suy diễn ra thành từ mà tất cả chúng ta đều biết là từ nào.

Tuy nhiên, theo Luật Quảng cáo, Điều 3, khoản 8 và Điều 1, khoản 19, chỉ riêng lý do quảng cáo không có nghĩa, không rõ ràng về sản phẩm đã có thể “thổi còi” quảng cáo này. Rõ ràng chữ “lon” đi với danh từ là tên quốc gia là hoàn toàn không có nghĩa, khó hiểu và phản cảm.

Bất kỳ một thương hiệu quốc tế nào khi thâm nhập thị trường một quốc gia đều phải tìm hiểu và nghiên cứu kỹ về văn hóa và ngôn ngữ của quốc gia đó. Và từ “lon” ở đây là một từ hết sức tế nhị, liên quan trực tiếp đến cả văn hóa và ngôn ngữ bản địa. Vậy nên, cụm từ “mở lon Việt Nam” đã sai lại càng sai thêm.

Tại Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, doanh nghiệp muốn hoạt động và phát triển đều phải dựa trên nền tảng văn hóa của từng quốc gia, giống như chúng ta từng lên án, và bài trừ một thương hiệu quốc tế khi lấy việc dùng đũa của người Việt ra làm trò tiêu khiển hay người Trung Quốc không sử dụng sản phẩm 7up chỉ vì ở Trung Quốc người ta kỵ số 7.

Trong trường hợp này, đội ngũ marketing của Coca-Cola có lẽ đã lợi dụng hiệu ứng đám đông, lợi dụng sự không rõ ràng trong cách dùng từ nhạy cảm để quảng bá cho sản phẩm của mình. Việc họ dùng tên gọi quốc gia Việt Nam một cách tùy tiện với mục đích thương mại là điều đáng lên án.

Việc này cơ quan chức năng cấm là đúng.

Coca-cola nên có thông điệp chính thức về việc này, thậm chí một lời xin lỗi công khai là thỏa đáng.

Nếu họ không làm vậy, chỉ càng cho thấy sự thiếu hiểu biết (một cách vô ý) hoặc sự coi thường văn hóa, ngôn ngữ (một cách có chủ ý) về quốc gia nơi họ đang kinh doanh và kiếm lợi nhuận mỗi ngày.

Sẽ không có gì lạ nếu có một chiến dịch trên mạng xã hội kêu gọi không sử dụng sản phẩm Coca-Cola.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.