Đường bộ

Mở rộng cân xe tự động, triệt “đất sống” xe quá tải

06/11/2021, 06:30

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vừa trình Bộ GTVT đề án kiểm soát tải trọng xe tự động trên phạm vi toàn quốc.

Hệ thống này có nhiều ưu điểm, trong đó con người không thể can thiệp vào quá trình cân kiểm tra, xử phạt, giúp loại bỏ tiêu cực.

Báo Giao thông có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN về nội dung đề án.

img

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN

Nguy cơ tái bùng phát xe quá tải

Sau một thời gian kiểm soát tốt, xe quá tải đang bắt đầu tái diễn, gây hư hỏng công trình đường bộ. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?

Trước năm 2013, tình trạng xe chở hàng quá tải gia tăng, nhiều xe quá tải hơn 100%, có nhiều trường hợp vượt 250% khiến hệ thống đường bộ xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, tai nạn giao thông gia tăng.

Hệ lụy xe quá tải gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho xã hội và ngân sách nhà nước do phải bỏ tiền ra để sửa chữa, xây dựng mới cầu đường.

Từ tháng 4/2014 đến tháng 8/2016, khi liên Bộ Công an và Bộ GTVT phối hợp thực hiện kiểm soát, xử lý vi phạm, xe quá tải đã giảm còn khoảng 10%.

Tuy nhiên, từ năm 2017 kế hoạch phối hợp kết thúc, xe quá tải bắt đầu tái diễn, xuất hiện nhiều trên các đoạn quốc lộ, đường bộ địa phương, một số đoạn đường cao tốc, khu vực có công trình xây dựng, mỏ khai thác khoáng sản.

Dù kế hoạch phối hợp kết thúc nhưng vẫn còn các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động. Ông đánh giá thế nào về hoạt động của các trạm này?

Sau khoảng 4 năm đưa vào sử dụng, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đã bộc lộ một số hạn chế, như không kiểm soát được toàn bộ số xe quá tải qua trạm.

Chỉ những xe mà lực lượng chức năng nghi ngờ có dấu hiệu vượt tải trọng mới được yêu cầu đưa vào cân kiểm tra.

Trạm không hoạt động thường xuyên và bị hạn chế bởi thời tiết như mưa bão; xe quá tải vượt trạm khi lực lượng chức năng nghỉ, thay ca hoặc lái xe cố tình cho xe vượt trạm; con người vẫn có thể can thiệp vào quá trình kiểm tra.

Để khắc phục các hạn chế nêu trên, cần phải bổ sung hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe tự động đặt trên các trục quốc lộ, trên cao tốc và một số đoạn đường khác có nhiều xe tải lưu thông.

Con người không thể can thiệp

img

Trạm cân tại Km 78+830 đã và đang góp phần kéo giảm số lượng lớn xe vi phạm tải trọng trên QL5

Trên thực tế, hệ thống cân kiểm tra tải trọng đã được kiểm nghiệm hiệu quả thế nào, thưa ông?

Hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe tự động tại Km78 trên QL5 do Công ty Tanaka sản xuất, lắp đặt, Jica tài trợ đã được theo dõi, thử nghiệm từ cuối năm 2015 và đưa vào thí điểm từ ngày 15/8/2020 đến nay.

Quá trình thử nghiệm cho thấy hệ thống có độ chính xác cao, ít hư hỏng, chịu được tác động của môi trường và tác động tải trọng phương tiện lên mặt cân, xe lưu thông qua cân với tốc độ từ 0 - 80km/h.

Tổng cục ĐBVN đã nghiên cứu, thiết kế phần mềm kiểm tra tải trọng xe tự động, kết quả thu được đối với những xe vi phạm làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính theo hình thức “phạt nguội”.

Sau 6 tháng thử nghiệm, Bộ GTVT chủ trì, chỉ đạo Tổng cục ĐBVN sơ kết, đánh giá hiệu quả hoạt động. Hiệu quả đạt được lớn nhất là số xe vi phạm mức bị xử phạt đã giảm hơn 49 lần, từ 6,9% của 7 tháng đầu năm 2020 xuống còn 0,14%.

Số xe vi phạm theo ngày cũng giảm với con số tương đương, từ 176 xe/ngày xuống còn 3,6 xe/ngày, mức độ vi phạm quá tải không cao, chủ yếu từ 10 - 30%, tỷ lệ xe quá tải chỉ còn khoảng 0,05%.

Ưu điểm của hệ thống cân tự động này là gì, thưa ông?

Đây là hệ thống cân tự động đầu tiên của Việt Nam, hệ thống này có những ưu điểm như kiểm soát được 100% xe lưu thông trên đường có đặt thiết bị cân, tốc độ xe lưu thông qua bàn cân từ 0 - 100km/h.

Dữ liệu các xe vi phạm được truyền về phần mềm kiểm soát tải trọng xe của Tổng cục, đơn vị quản lý, vận hành trích xuất và chuyển kết quả cân đối với những xe vi phạm cho lực lượng chức năng “phạt nguội”.

Về hiệu quả kinh tế, giảm khoảng 70% tổng mức đầu tư, lắp đặt cho 1 trạm kiểm tra tải trọng xe tự động so với trạm kiểm tra tải trọng xe cố định trước đây; giảm chi phí cho việc quản lý, bảo trì, vận hành, khai thác dữ liệu và xử phạt vi phạm, giảm nhân sự vận hành, khai thác và xử phạt vi phạm.

Việc xử phạt theo hình thức này giải quyết được vấn đề là nhân viên vận hành cân và lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt không trực tiếp ra đường để dừng xe, kiểm tra và xử phạt vi phạm, tránh được tiếp xúc và va chạm với người vi phạm. Con người không thể can thiệp vào quá trình cân kiểm tra, xử phạt theo quy định.

Phân kỳ đầu tư

Hệ thống cân tự động sẽ được lắp đặt trên các tuyến đường nào để kiểm soát xe quá tải?

Kết quả cân được lưu trong phần mềm bảo mật, không thể xóa, chỉnh sửa được, do đó loại bỏ tiêu cực. Cân tự động cũng sẽ đánh vào ý thức của chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện, xe chở quá tải chạy trên đường là sẽ bị phát hiện và xử phạt bất cứ khi nào. Đây là biện pháp kiểm soát hiệu quả nhất, đáp ứng mục tiêu ngăn chặn và tiến tới chấm dứt tình trạng xe quá tải lưu thông trên mạng lưới đường bộ toàn quốc.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN

Trên cơ sở rà soát, sàng lọc, lựa chọn các vị trí lắp đặt trạm kiểm tra tải trọng xe cố định trong “Quy hoạch tổng thể Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” kèm theo Quyết định 1885 ngày 30/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, đề án bổ sung các vị trí mới.

Đề án cũng đưa ra nguyên tắc sẽ phân kỳ đầu tư. Giai đoạn 1 (2022 - 2025), sẽ ưu tiên các đường cao tốc đang xây dựng như tuyến cao tốc Bắc - Nam, các tuyến cao tốc có nhiều xe quá tải như Nội Bài - Lào Cai, Pháp Vân - Ninh Bình, Hải Phòng - Quảng Ninh. Bên cạnh đó, các đoạn quốc lộ có nhiều xe tải lưu thông, như một số đoạn QL1, QL5, QL6, QL20, QL51, QL91, đường Hồ Chí Minh…

Giai đoạn 2 từ năm 2026 đến năm 2035, sẽ triển khai trên các đoạn quốc lộ còn lại, đường cao tốc mới và các đoạn đường bộ nối khu vực cảng, kho bãi, mỏ vật liệu, mỏ quặng.

Đây là hệ thống công nghệ mới tại Việt Nam, vậy các tiêu chuẩn, quy chuẩn được áp dụng thế nào?

Tổng cục ĐBVN trình Bộ GTVT dự thảo Thông tư quy định về quản lý và hoạt động trạm kiểm tra tải trọng xe, trong đó nội dung chính là điều chỉnh trạm kiểm tra tải trọng xe tự động và trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, làm cơ sở pháp lý để thực hiện.

Bên cạnh đó, hoàn thiện tiêu chuẩn làm cơ sở để áp dụng lắp đặt tại các đường cửa ngõ Hà Nội và đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, đây là tiền đề để áp dụng cho các trạm kiểm tra tải trọng xe tự động trong cả nước.

Một trong những vấn đề được nhiều người người quan tâm là nguồn vốn đầu tư, ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Tổng cục ĐBVN đề xuất, trong đó đối với các trạm do các Cục quản lý đường bộ khu vực và các Sở GTVT đầu tư sẽ sử dụng nguồn kinh phí bảo trì đường bộ; đối với các dự án xây dựng đường mới sẽ được đưa ngay vào tổng mức đầu tư của dự án. Đối với các dự án đầu tư theo hình thức BOT sẽ do nhà đầu tư thực hiện và được tính toán vào phương án tài chính của dự án.

Luật Giao thông đường bộ đã quy định trạm kiểm tra tải trọng xe cố định là một hạng mục thuộc kết cấu của công trình đường bộ, với mục đích chính là bảo vệ kết cấu công trình đường bộ và đảm bảo an toàn giao thông.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.