Hạ tầng

Mở rộng hầm Hải Vân, thênh thang “cửa ngõ” Đà Nẵng

14/10/2017, 07:05

Hầm đường bộ Hải Vân đang được mở rộng ống hầm thứ 2, cùng với tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan...

49

Mũi thi công ống hầm phía Bắc đào được gần 800m, trong khi ống hầm phía Nam đạt gần 300m

Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ

Trời mưa, nhịp điệu thi công tại hai đầu của ống hầm Nam - Bắc hầm Hải Vân (giai đoạn 2) hối hả. Anh Trần Quốc Tuấn, Phó giám đốc Ban điều hành nhà thầu Công ty CP Tập đoàn Cầu đường Sài Gòn (SBRC) cho hay: Khí thế rất khẩn trương, tích cực, các mũi thi công tập trung tối đa. Nhà thầu huy động đầy đủ các trang thiết bị khoan, đào hầm chuyên dụng, tối tân nhất để đẩy nhanh khối lượng triển khai.

Theo đại diện Ban QLDA hầm Hải Vân (Công ty CP Đầu tư Đèo Cả - chủ đầu tư dự án), áp lực lớn nhất là địa chất hầm khá phức tạp, mạch nước ngầm, kết cấu đất đá không ổn định, khiến cho các đơn vị tham gia thi công công trình phải giám sát chặt chẽ, điều chỉnh kết cấu chống đỡ phù hợp nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng công trình. Đặc biệt, các đơn vị chức năng tăng cường công tác khoan, thăm dò địa chất bằng nhiều giải pháp để đưa ra kết cấu chống đỡ phù hợp, hiệu quả nhất. Đồng thời, đặc thù dự án phải triển khai trong điều kiện vừa thi công, vừa đảm bảo an toàn lưu thông ống hầm Hải Vân 1 (hiện hữu), gây bất lợi trong việc chủ động thời gian nổ mìn theo chu kỳ đào. Bên cạnh đó, các vướng mắc trong công tác GPMB tồn đọng đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công một số hạng mục cầu, đường dẫn, công trình phụ trợ…

Thống kê của Ban QLDA hầm Đèo Cả, sau hơn 1 tháng chính thức vận hành, đưa vào khai thác, hầm Đèo Cả đã phục vụ gần 300.000 lượt phương tiện. Trung bình mỗi ngày có khoảng 5.000 lượt phương tiện lưu thông qua hầm, rút ngắn hơn 30 phút so với đường đèo, giảm thời gian hành trình, đảm bảo ATGT, tránh ùn tắc giao thông, đặc biệt ổn định lưu thông mùa mưa bão. Cùng với đó, hầm Cù Mông (Bình Định) đang vào cao điểm thi công, chuẩn bị đào thông vào cuối năm 2017; hầm Hải Vân giai đoạn 2 đang được khẩn trương đào mở rộng... Hứa hẹn đồng bộ quy mô tuyến huyết mạch, xóa “điểm nghẽn” lưu thông đường đèo, khẳng định hiệu dụng tối đa của dự án, tạo đà cho miền Trung “cất cánh” trong tương lai gần.

Ông Đỗ Văn Nam, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, kiêm Giám đốc điều hành Dự án hầm Hải Vân cho hay: Toàn công trường khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, kiểm soát chất lượng. Ngay từ tháng 4/2017, tại ống hầm phía Bắc dự án, đơn vị thi công đã hoàn thành đào và gia cố 100m đầu tiên. Tương tự, đến tháng 8/2017 mới đây, SBRC cũng chính thức vượt qua giai đoạn 100m đầu hầm phía Nam. Đồng thời, cải thiện tối đa thời gian hoàn thành một chu kỳ khoan đào bốc xúc, tăng chiều dài bước gương đào…

Theo ông Tuấn, hiện tiến độ dự án khá khả quan, mỗi chu kỳ đào mất chừng 12-13 tiếng, trung bình ngày đạt 2 chu kỳ tương ứng thời gian đóng mở hầm Hải Vân ở 2 thời điểm trong ngày. Đặc biệt, gương đào được kéo dài lên đến chừng 2,5-3,1m/gương, bình quân mỗi ngày đạt trên dưới 6m dài và mỗi tháng các mũi thi công đào khoan vào lòng núi Hải Vân thêm 160-180m/mũi. Đến nay, cả hai mũi thi công khoan đào ống hầm Bắc - Nam đạt hơn 1.000m. “Nhiều biện pháp thi công hiện đại đã được nghiên cứu, áp dụng trên công trường từ khoan thăm dò địa chất, xác định phạm vi đào của gương hầm, đến việc tổ chức bốc xúc vận chuyển, bố trí các bãi trung chuyển phù hợp, tăng khả năng vận tải kịp thời, rút ngắn thời gian đưa đất đá ra ngoài công trường, tránh ùn ứ giao thông”, ông Nam chia sẻ.

Theo đại diện Ban QLDA hầm Hải Vân, hiện dự án đang tạm ngưng nổ mìn dịp APEC 2017 theo chỉ đạo của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, các phần việc khác trên công trường vẫn được triển khai tập trung, đều đặn. 7 cầu trên tuyến đường dẫn phía Nam, 1 cầu tuyến trên đường dẫn phía Bắc đang được triển khai đồng loạt các mũi thi công cọc khoan nhồi, mố trụ, đúc dầm, công trình phụ trợ… Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tiến độ của dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu. Thời hạn hợp đồng hoàn thành toàn tuyến dự án hầm Hải Vân giai đoạn 2 chậm nhất cuối năm 2020 đang được chủ đầu tư, các đơn vị thi công và các đơn vị tham gia phấn đấu đạt mục tiêu về đích trước ít nhất 6 tháng nhằm sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả dự án.

50

Chủ đầu tư sớm hoàn thành giai đoạn 1 cải tạo nâng cấp đường dẫn, trang thiết bị hầm Hải Vân hiện hữu, tạo sự êm thuận, an toàn trong lưu thông

Rộng cửa đi - đến Đà Nẵng

Trước đó, ngay từ cuối năm 2016, chủ đầu tư đã hoàn thành công tác thi công giai đoạn 1 của dự án, đưa vào khai thác gồm: Đường dẫn hầm, đoạn tuyến QL1 qua đèo Hải Vân được cải tạo, hệ thống thiết bị trong hầm Hải Vân 1 được sửa chữa, nâng cấp, đặc biệt, công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn được đầu tư đồng bộ, kiện toàn phương án quản lý, vận hành… góp phần tạo sự êm thuận, đảm bảo an toàn lưu thông, hạn chế tối đa nguy cơ mất an toàn cho phương tiện qua hầm.

Công ty CP Quản lý và khai thác hầm Hải Vân cho hay: Trung bình mỗi ngày có khoảng 9.000 lượt phương tiện qua hầm Hải Vân. Thống kê từ Xí nghiệp Quản lý vận hành hầm Hải Vân cho thấy 12 năm vận hành, khai thác (từ tháng 6/2005 đến nay), đã có hơn 20 triệu lượt xe qua hầm an toàn. Số vụ tai nạn do va chạm, cháy nổ… giảm đáng kể. Đặc biệt, công trình đã góp phần rút ngắn được 2/3 quãng đường nối liền hai tỉnh, thành phố Huế và Đà Nẵng, giảm ùn tắc và TNGT khu vực đường qua đèo Hải Vân, cải thiện giao thông tuyến đường đối ngoại AH1 nối hành lang Đông - Tây của ba nước Việt Nam - Lào - Thái Lan; góp phần quan trọng vào sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của ngành GTVT nói riêng và phát triển KT-XH nói chung...

Theo Bộ GTVT, việc sớm triển khai giai đoạn 2 sẽ góp phần đảm bảo năng lực vận hành, khai thác hầm Hải Vân trong thời gian tới, đặc biệt trước đà tăng trưởng lưu lượng phương tiện 10-15%/năm, ngăn ngừa tình trạng quá tải ở ống hầm Hải Vân 1 hiện hữu, đồng thời đồng bộ quy mô 4 làn xe trên toàn tuyến QL1. Theo đó, hầm Hải Vân lưu thông 2 làn xe/ống cùng hướng, thay vì một ống và lưu thông 2 làn 2 chiều hiện nay. Trao đổi với Báo Giao thông, GS.TS. Trần Chủng (nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng), việc lưu thông 2 làn xe/ống hầm chạy cùng chiều khắc phục tối đa các hạn chế về tổ chức giao thông và quản lý vận hành của hầm Hải Vân 1 như hiện nay: Quẩn khí, trang bị hệ thống lọc bụi tĩnh điện (3 trạm lọc bụi tĩnh điện), hệ thống hút khí bẩn và cấp khí tươi gây tốn kém trong vận hành và nguy cơ mất ATGT... Trong khi đó, hệ thống thông gió dọc với ống hầm lưu thông cùng chiều tạo được dòng không khí sạch (hiệu ứng pít tông), nên theo tính toán chi phí bảo trì chỉ bằng khoảng 40% - 50% chi phí bảo trì cho một đường hầm như hầm Hải Vân hiện nay.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá: Hạ tầng giao thông Đà Nẵng đang giai đoạn khởi sắc, phát triển đồng bộ nhất: QL1 được đầu tư, mở rộng, hầm Hải Vân được khởi động thông ống hầm lánh nạn thành đường hầm giao thông, các tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, La Sơn - Túy Loan đã và đang hình thành… tạo thành các trục di chuyển với tốc độ cao, thênh thang cửa ngõ đi - đến Đà Nẵng, sớm góp phần tạo đà cho Đà Nẵng - thành phố động lực miền Trung, vững bước phát triển.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đánh giá: Vùng kinh tế này gồm 5 địa phương: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định thì Đà Nẵng được đánh giá là hạt nhân để kích thích cho toàn vùng phát triển. Muốn làm tốt sứ mệnh này, điều tiên quyết Đà Nẵng và vùng phải phát triển hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ và liên hoàn hơn. Chẳng hạn nếu đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tiếp đó La Sơn - Túy Loan sớm triển khai, hầm Hải Vân giai đoạn 2 sớm hoàn thiện thì vai trò trung tâm của Đà Nẵng sẽ đạt được kỳ vọng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.