Hạ tầng

Mở rộng Tân Sơn Nhất, GPMB đã bằng tổng đầu tư xây CHK Long Thành

06/10/2014, 07:02

Khẳng định việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Tất Thành Cang cho rằng, muốn mở rộng CHK Tân Sơn Nhất, phải nghĩ từ 25 năm trước...

Xếp hàng làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn NhấtẢnh: Minh Nghĩa
Xếp hàng làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất

Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đã chậm 25 năm

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Tất Thành Cang cho rằng, nếu như 25 năm trước, chúng ta có tầm nhìn như bây giờ, tức là quyết định mở rộng Tân Sơn Nhất thì phải giữ nguyên quy hoạch, không cho phát triển đô thị. Đến giờ mà đặt lại câu chuyện mở rộng là bất khả thi vì liên quan đến 5 quận huyện: Tân Bình, Bình Chánh, Gò Vấp, Bình Tân, quận 12 với 3 triệu dân đang sinh sống.

"Ngay từ ngày đầu thành lập đến những năm sau giải phóng và những năm trước 1995, sân bay này nằm ở vùng ven đô. Trên thực tế, việc sáp nhập tỉnh Gia Định vào Sài Gòn đã ảnh hưởng đáng kể đến quy hoạch phát triển Tân Sơn Nhất. Thành phố phát triển nhanh về phía Tây, Tây Bắc khiến Tân Sơn Nhất nằm lọt thỏm trong lòng thành phố. Giờ động vào khu này là khu lõi, trung tâm của thành phố, giá đất dao động khoảng 80 - 100 triệu đồng/m2. Với 140 nghìn hộ dân cần giải tỏa, phải tốn ít nhất 9 tỷ USD chỉ để bồi thường GPMB", ông Cang nói.

Ngoài ra, theo ông Cang, con số 9 tỷ USD này cũng chỉ để phục vụ GPMB khu vực trong sân bay chứ chưa tính đến hệ thống giao thông để kết nối từ sân bay ra. "Theo quy hoạch của TP.HCM, các tuyến kết nối với sân bay như metro số 2, 4, 5, tuyến tàu điện một ray monorail số 2, tuyến đường trên cao số 1… cũng cần hơn 8 tỷ USD nữa và cũng chỉ đáp ứng cho 25 triệu hành khách", ông Cang bổ sung.

"Nhiều người thắc mắc tại sao trước đây mình không nghĩ tới việc mở rộng CHK Tân Sơn Nhất, tôi cho rằng phải đặt trong bối cảnh của đất nước lúc bấy giờ sẽ trả lời được câu hỏi này. Giai đoạn trước năm 1997, khi đất nước chưa mở rộng quan hệ quốc tế, trong điều kiện bị bao vây cấm vận, không ai nói được câu chuyện khách quốc tế thế nào, trung chuyển ra sao. Giờ là lúc chúng ta phải nghĩ đến việc xây dựng một sân bay trung chuyển tầm cỡ khu vực và thế giới", ông Cang nhấn mạnh.

CHK Long Thành nguy cơ "vết xe đổ" nếu chậm quy hoạch

Liên quan đến hoạt động của CHK Tân Sơn Nhất, ông Cang cho rằng, việc đóng cửa sân bay này hoàn toàn chưa được tính đến và nếu có chắc cũng phải sau năm 2050. Hơn nữa, ông Cang khẳng định, nếu có CHK Long Thành, chỉ cần tổ chức hoạt động khai thác hợp lý, hai sân bay hỗ trợ cho nhau rất tốt.

"Đứng ở góc độ công dân, tôi cho rằng cần sớm có chủ trương để giữ quy hoạch CHK Long Thành chứ nếu chậm 3-5 năm nữa, với tốc độ đường cao tốc đưa vào khai thác đồng bộ, với tốc độ phát triển đô thị vùng Đông Nam bộ hiện nay, coi chừng không giữ quy hoạch", ông Cang kiến nghị.

Cũng theo ông Cang, nếu xây Long Thành, vấn đề đầu tiên là phải kết nối giao thông đường bộ, đường sắt giữa Long Thành với Đông Nam bộ, Tây Nam bộ với hệ thống giao thông quốc gia. Tuy nhiên, bài toán này, Chính phủ, Bộ GTVT đã làm quy hoạch. Thực tế đã có những dự án đã triển khai, trong đó có dự án Long Thành - Dầu Giây.

Thanh Bình (Ghi)

Đã sẵn sàng GPMB

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh về vấn đề mặt bằng cho dự án. Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã giới thiệu địa điểm, lập quy hoạch, tuyên truyền thông báo cho người dân và cắm mốc các vị trí để tránh lấn chiếm.

“Toàn bộ dân ở đây đều đã biết về quy hoạch. Chúng tôi đã tính đến phương án đền bù GPMB, xây dựng khu tái định cư. Ngay khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai, chúng tôi đã tổ chức ngay một Hội đồng, tiến hành khảo sát, điều tra xã hội học, phát phiếu điều tra đến 100% số hộ gia đình. Đến thời điểm này, tôi có thể khẳng định, Đồng Nai đã làm rất tốt những phần việc đầu tiên của công tác GPMB. Chúng tôi đã quy hoạch được hai khu tái định cư, đã phê duyệt tỉ lệ 1/500, mỗi khu này rộng 280 ha và đều rất gần các khu công nghiệp”, ông Vĩnh cho biết.

Cũng theo ông Vĩnh, GPMB chỉ cần hai năm là xong giai đoạn 1. Vốn để GPMB giai đoạn 1 là khoảng 6 nghìn tỷ đồng. GPMB cho cả 3 giai đoạn là khoảng 20 nghìn tỷ đồng.

T.B

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.