Hàng hải

Mở tuyến vận tải biển Việt Nam chạy thẳng Ấn Độ, rút ngắn 10 ngày

24/11/2021, 14:42

Tuyến vận tải biển từ Việt Nam đi thẳng Ấn Độ sẽ giúp thời gian vận chuyển hàng hóa rút ngắn được 10 ngày…

Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng Ban Tuyên giáo - Truyền thông, Tổng công ty Hàng hải VN (VIMC) cho biết, ngày mai (25/11), tuyến vận tải container kết nối trực tiếp Việt Nam - Malaysia - Ấn Độ của VIMC sẽ chính thức được thiết lập.

“Với hải trình Hải Phòng - Port Klang (Malaysia) - Calcutta (Ấn Độ) - Port Klang - SP-ITC (TP.HCM) và tiếp nhận hàng trung chuyển từ Nhava Sheva tại Port Klang, tuyến dịch vụ kết nối trực tiếp hai cảng biển lớn nhất Việt Nam là cảng TP.HCM và cảng Hải Phòng tới các cửa ngõ lớn nhất của Ấn Độ.

img

Tuyến vận tải container từ cảng biển Việt Nam đi thẳng Ấn Độ sẽ giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước tiết kiệm thời gian vận chuyển và chủ động hơn trong việc giao thương hàng hóa - Ảnh minh họa

Thời gian vận chuyển trên tuyến vận tải của VIMC sẽ được rút ngắn 10 ngày so với tuyến trung chuyển qua cảng Port Kelang như trước đây”, ông Hải nói và cho biết, trước đó, cuối tháng 10/2021, tàu vận tải container của đơn vị này lần đầu tiên đã chạy khu vực Malacca qua Ấn Độ Dương để đưa hàng hóa đến Malaysia, Ấn Độ là thị trường xuất nhập hàng hóa, nguyên liệu lớn của các chủ hàng Việt Nam.

Theo đại diện VIMC, tuyến dịch vụ vận tải biển của VIMC được thiết lập trong bối cảnh hàng hóa XNK trong nước phải phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng tàu vận tải nước ngoài, Việt Nam chưa mở được các tuyến vận tải container kết nối trực tiếp đến các cảng ngoài khu vực Đông Nam Á.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số chuyến tàu ghé cảng Việt Nam giảm, lượng vỏ container luân chuyển về Việt Nam cũng giảm, kéo theo giá cước tăng đột biến.

Trước bối cảnh đó, VIMC - một trong những đơn vị đang sở hữu đội tàu lớn nhất Việt Nam đã quyết tâm đưa đội tàu vận tải container chuyên dụng chạy tuyến kết nối trực tiếp với các cảng ngoài khu vực (không phải kết hợp với các tàu vận tải container của nước ngoài) để giảm tải áp lực vận chuyển hàng hóa và bình ổn nguồn cung vận tải, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.