Đời sống

Mơ ước đến trường của cậu bé bất chấp nổ gas, lao vào cứu mẹ nuôi

13/08/2022, 20:08

Dù mới được nhận nuôi được vài tháng, nhưng cậu bé 9 tuổi đã không ngần ngại nguy hiểm, bất chấp bình gas sắp nổ, lao vào để cứu mẹ nuôi.

Dũng cảm cứu mẹ nuôi

Đến ấp An Nghiệp, xã An Mỹ, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng), hỏi về em Nguyễn Hữu Chính, cậu bé bị bỏng do nổ bình gas cách đây 3 năm, người dân ở đây ai cũng biết. Và họ chỉ đường rất tận tình với mong muốn cháu được giúp đỡ vì bệnh quá nặng mà gia đình quá khó khăn.

img

Cậu bé dũng cảm cứu mẹ nuôi, dù bất thành...

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 được các nhà hảo tâm giúp đỡ xây dựng cách đây không lâu, bà Thạch Thị Sà Ra (44 tuổi, mẹ ruột em Chính) kể: “Chính sinh năm 2010, là con út trong gia đình nghèo có 9 anh chị em.

Năm 2019, mới học xong lớp 3, bước vào kỳ nghỉ hè, lúc đó có 1 gia đình ở huyện Cò Đỏ (TP Cần Thơ) nuôi vịt chạy đồng ở đồng đất quê tôi. Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên Chính xin đi chăn vịt thuê cho gia đình này”.

Mỗi tháng, gia đình này hỗ trợ cho cha mẹ em 2 triệu đồng. Thấy Chính ngoan hiền, vợ chồng người thuê chăn vịt xin được nhận em làm con nuôi. Và cha mẹ Chính cũng đồng ý nên em theo họ về Cờ Đỏ.

Qua lời kể của Chính, vào khoảng đầu tháng 10/2019, em được cha nuôi kêu xuống ghe lấy cơm lên ăn. Trên ghe lúc này có mẹ nuôi đang ngồi cạnh bình gas. Thấy Chính xuống, bà hỏi thì Chính nói: “Cha kêu con xuống lấy cơm cho cha”.

img

Em Chính và mẹ ruột.

Đúng lúc đó, Chính phát hiện bình gas đang bị rò rỉ, liền báo và kêu mẹ nuôi chạy. Đồng thời, Chính cũng chạy khỏi ghe. Thế nhưng, khi quay lại, thấy mẹ nuôi vẫn còn trên ghe, Chính đã quyết định quay lại nắm tay kéo mẹ nuôi ra khỏi ghe.

Nhưng không kịp… Bình gas phát nổ, cả 2 mẹ con bị thổi bay xuống sông và rất nguy kịch.

Sau khi xảy ra vụ việc, Chính được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), mẹ nuôi được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tuy nhiên, mẹ nuôi của Chính không qua khỏi vì thương tích quá nặng. Còn Chính bị bỏng hết 96% diện tích cơ thể, tiên lượng tình trạng rất xấu.

“Khi đến bệnh viện, thấy con quấn băng trắng kín mít, xung quanh toàn máy móc, dây truyền dịch... tôi rất đau lòng. Nhất là khi con trai út của tôi nằm bất động suốt nhiều ngày, không biết gì.

Cứ nghĩ con mình khó qua khỏi. Nhưng, điều kỳ diệu đã đến khi Chính tỉnh lại, khiến tôi lại rơi nước mắt”, bà Thạch Thị Sà Ra kể trong nghẹn ngào.

img

Những vết sẹo do bỏng trên lưng Chính.

Khi tỉnh lại, cháu hỏi về mẹ nuôi. Khi biết bà không qua khỏi, cháu khóc suốt mấy ngày. “Bây giờ, mỗi lần nhớ đến mẹ nuôi, cháu lại khóc, ray rứt vì không cứu được bà”, bà Sà Ra cho biết thêm.

Theo bà Sà Ra, khi Chính ra phòng hồi sức, bà hỏi: “Lúc trở lại cứu mẹ nuôi, con có biết là nguy hiểm không?”. Em nói biết nhưng vẫn chạy trở lại để cứu mẹ chứ không sợ nguy hiểm cho mình, mong sao cứu được mẹ thôi. Nhưng em buồn mãi vì đã không cứu được mẹ.

Chỉ mong được đi học lại

Bà Sà Ra cho biết, từ khi bị nạn đến nay, Chính đã trải qua hơn 20 cuộc đại phẫu thuật tạo hình, ghép da, phục hồi cử động. Hầu hết phần da trên người đều không còn đủ để lóc ghép vào những phần da bị bỏng.

Tay chân em bị biến dạng, các ngón dính liền vào nhau, nói chuyện khó khăn, một bên tai bị điếc. Nhưng điều kỳ diệu là em đã dần hồi phục.

img

Những vết thương trên cơ thể em Chính.

“Cháu vừa mới phẫu thuật kéo mi mắt, tách ngón tay nên không cầm nắm gì được. Phần da chân, da bụng đều bị lóc để đắp lên những phần bị bỏng, đến nỗi không còn da để ghép được nữa.

Hàng ngày nhìn con đau đớn vì vết thương, vợ chồng tôi như đứt từng đoạn ruột. Bác sĩ cho biết thời gian tới, cháu sẽ phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để tiếp tục ghép da, hồi phục cử động”, vừa xoa lưng cho con, bà Sà Ra nói trong tiếng nấc nghẹn.

Được biết, hoàn cảnh gia đình bà Sà Ra rất khó khăn khi nhà không có đất sản xuất, chủ yếu đi làm thuê làm mướn để sinh sống. Hiện tại, trong nhà còn ba người con nhỏ là Chính cùng hai người chị gái (13 và 14 tuổi).

Cha của Chính bị tai nạn khi làm việc nhà gãy mấy chiếc xương sườn, sức khỏe giảm sút, không thể lao động được. Thu nhập của cả nhà chỉ trông chờ vào tiền đi làm thuê của bà Sà Ra và người con gái lớn 17 tuổi.

Ông Kim Dũng, Trưởng ấp An Nghiệp, cho biết: “Gia đình bà Sà Ra đông con, thuộc hộ nghèo. Cháu Chính là đứa trẻ ngoan ngoãn, lễ phép, học giỏi nên hàng xóm ai cũng thương.

Câu chuyện cháu không sợ nguy hiểm để cứu mẹ nuôi khiến ai cũng thán phục. Bây giờ cháu bị bỏng nặng, chi phí điều trị cao mà điều kiện gia đình quá khó khăn nên rất mong được các nhà hảo tâm giúp đỡ”.

Trò chuyện với chúng tôi, em Chính cho biết: “Mong muốn của em là nhanh bình phục để tiếp tục được đến trường học tiếp”.

Được biết, sau khi biết thông tin trường hợp em Chính, chị Triệu Thị Ngọc Diễm, Bí thư Tỉnh đoàn Sóc Trăng đã đến thăm hỏi tình hình sức khoẻ, động viên, chia sẻ những khó khăn của gia đình trong giai đoạn hiện tại.

img

Chị Triệu Thị Ngọc Diễm thăm em Chính.

Đồng thời, động viên em Chính tiếp tục điều trị mau bình phục để được đi học cùng bạn bè. Chị cũng trao số tiền 10 triệu đồng để hỗ trợ em Chính điều trị bệnh.

Chị Diễm tâm sự: “Sự dũng cảm của em Chính đã lay động biết bao con tim. Trong thời gian tới Chính còn phải trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật để phục hồi, trong khi gia đình còn gặp nhiều khó khăn.

Rất cần sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, để giúp cho ước mơ được đi học trở lại như bạn bè đồng trang lứa của em Nguyễn Hữu Chính được thực hiện”.

Hoàn cảnh gia đình em Nguyễn Hữu Chính rất khó khăn, rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Bà Thạch Thị Sà Ra, ấp An Nghiệp, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Điện thoại: 0372.561653.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.