Trong nước

Mổ xẻ chu kỳ 10 năm bóng đá Việt đăng quang AFF Cup

02/01/2019, 08:11

Năm 2008, đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên vô địch AFF Cup. Phải đợi 10 năm sau, đoàn quân áo đỏ...

34

Năm 2018 đã kết thúc trọn vẹn với chức vô địch AFF Suzuki Cup của ĐT Việt Nam - Ảnh: Hải Đăng

Chu kỳ 10 năm chiến thắng

Bóng đá Việt Nam khép lại năm 2018 đầy niềm vui bằng chức vô địch AFF Cup 2018. Sau đúng 10 năm kể từ lần lên ngôi đầu tiên, đội tuyển Việt Nam mới đứng trên đỉnh Đông Nam Á. Xen giữa hai lần vô địch, tuyển Việt Nam có ba lần bị loại ở bán kết AFF Cup các năm 2010, 2014 và 2016. Cá biệt, tại AFF Cup 2012, tuyển Việt Nam ra về ngay từ vòng bảng. Lật lại quá khứ, khá trùng hợp, bóng đá Việt Nam cũng mất đúng 10 năm kể từ lần đầu giành ngôi Á quân Tiger Cup (tiền thân của AFF Cup) vào năm 1998 để trở thành nhà vô địch.

"Chúng tôi không có ai là ngôi sao cả, tất cả phải cùng nhìn về một hướng, tất cả là một tập thể đoàn kết”.

HLV Park Hang-seo

Tuy nhiên, theo bình luận viên Ngô Quang Tùng, chu kỳ 10 năm chỉ mang tính chất ngẫu nhiên chứ không phản ánh một hiện tượng chuyên môn nào. “Không có cơ sở nào khẳng định cứ 10 năm bóng đá Việt Nam mới vô địch Đông Nam Á 1 lần. Với lực lượng như hiện tại, nếu các em phát triển đúng hướng, AFF Cup 2020 chúng ta sẽ có cơ hội lớn để bảo vệ chức vô địch”. Đồng quan điểm, cựu danh thủ Dương Hồng Sơn cho rằng, không thể lý giải tại sao cứ 10 năm bóng đá Việt Nam mới thành công một lần nhưng nhà vô địch AFF Cup 2008 cho rằng đây là một hiện tượng thú vị. Bên cạnh đó, anh lý giải, chu kỳ 10 năm đúng bằng quãng thời gian để một cầu thủ trẻ trưởng thành, ở độ chín nhất: “Lứa Công Phượng, Quang Hải, Xuân Trường, Đình Trọng, Duy Mạnh… đều bắt đầu làm quen bóng đá quãng từ năm 2007 - 2008, tới năm 2018 đủ để lứa này chơi bóng với phong độ tốt nhất. Còn ở những nền bóng đá phát triển, cầu thủ của họ thường chín sớm hơn, ở độ tuổi 18-19. Văn Hậu là trường hợp cá biệt của bóng đá Việt Nam bước lên đỉnh cao khi mới 19 tuổi”.

35
Thế hệ vàng vô địch AFF Cup 2008

Có thể kỳ vọng nhiều hơn

Đương nhiên, trong giai đoạn 10 năm qua, bóng đá Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định, tạo nền móng cho chức vô địch AFF Cup 2018. Theo bình luận viên Quang Tùng, điểm nhấn lớn nhất chính là công tác đào tạo trẻ: “Trước đây, nhiều CLB vẫn làm bóng đá trẻ và có hiệu quả, tiêu biểu như SLNA. Nhưng kể từ khi lò HAGL JMG ra đời, bóng đá trẻ Việt Nam thực sự chuyển mình. Các lò đào tạo bắt đầu chú trọng tới tính chuyên biệt, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng lực huấn luyện, từ đó cho ra lò những lứa cầu thủ toàn diện hơn về kỹ năng, tư duy chiến thuật”. Cũng theo bình luận viên này, kết quả của quá trình chuyển hướng trong đào tạo trẻ là bóng đá Việt Nam tạo ra lớp cầu thủ kế cận dồi dào. “Năm 2008, đội tuyển Việt Nam vô địch nhưng U23 Việt Nam, Olympic Việt Nam, U19 Việt Nam không có thành tích gì nổi bật. Nhưng nay, U20 Việt Nam dự giải thế giới, U23 Việt Nam về nhì châu Á, Olympic đứng thứ tư ASIAD”, bình luận viên Quang Tùng lấy ví dụ.

"Họ nói tôi chỉ việc ném quả bóng ra sân và các cầu thủ đuổi theo. Họ nói đội tuyển thắng do cầu thủ, thua là lỗi của tôi”.

HLV Henrique Calisto

Bổ sung ý kiến bình luận viên Quang Tùng, chuyên gia Nguyễn Thành Vinh cũng cho rằng, bước tiến mạnh mẽ của các đội tuyển Việt Nam trong năm 2018 là kết quả của hệ thống đào tạo trẻ rộng khắp. “Đầu những năm 2000, chúng ta chỉ có Thể Công và Sông Lam Nghệ An là hai lò đào tạo nổi tiếng. Nhưng hiện tại, chúng ta có rất nhiều lò đào tạo tốt như Hà Nội, HAGL, PVF, Thanh Hóa, Nghệ An. Các CLB còn đang chuyển hướng mạnh mẽ trong việc hợp tác với những đội bóng hàng đầu thế giới. Ví dụ như HAGL với Arsenal trước đây, Viettel với Dortmund, Hà Nội với Bayern Munich, TP HCM với Juventus”, anh cho hay.

Ở góc độ khác, cựu danh thủ Dương Hồng Sơn cho rằng, một điểm nhấn nữa của bóng đá Việt Nam trong giai đoạn 10 năm qua đó là dinh dưỡng cũng như sức khỏe cầu thủ được chăm sóc tốt hơn: “Cầu thủ hiện nay có chế độ dinh dưỡng đạt chuẩn, đảm bảo duy trì thể lực khi thi đấu. Khoa học kỹ thuật cũng được đưa vào hồi phục cho cầu thủ. Nhờ thế nên các đội tuyển Việt Nam thời gian qua thi đấu với nền tảng thể lực dồi dào, chạy 120 phút vẫn không có cảm giác đuối. Thời chúng tôi, thi đấu tới phút 70 - 80 là nhiều cầu thủ đã… đi bộ. Với lực lượng dồi dào như hiện tại, lại được chăm sóc dinh dưỡng, thể lực tốt, tôi tin bóng đá Việt Nam có thể duy trì thành công trong tương lai”. Nhìn tổng thể, đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008 đơn thuần là một cú đột phá trong bối cảnh bóng đá Việt Nam phát triển còn mơ hồ, thiếu định hướng. Nhưng tới năm 2018, bóng đá Việt Nam đã sở hữu một nền tảng tốt, để không những vô địch Đông Nam Á mà còn có thể kỳ vọng vào điều lớn lao.

Bên lề

Năm 2008, trước khi diễn ra trận chung kết lượt về AFF Cup với Thái Lan, VFF đã mời thầy phong thủy về cúng tại sân Mỹ Đình. Tới năm 2018, một thầy phong thủy “hiến kế” di dời 40 quả cầu đá bên ngoài sân Mỹ Đình từ vòng bán kết. Chẳng rõ những hành động tâm linh này có hiệu nghiệm hay không nhưng đội tuyển Việt Nam hai lần lên ngôi vô địch.

Năm 2008, Dương Hồng Sơn giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup đồng thời đoạt luôn Quả bóng vàng Việt Nam. Năm 2018, Nguyễn Quang Hải đi trên con đường tương tự. Cả hai cầu thủ này đều thuộc biên chế Hà Nội FC (tiền thân là Hà Nội T&T).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.