Điện ảnh

Mổ xẻ những phim“cháy vé”, doanh thu trăm tỷ

29/04/2021, 06:37

Hơn 3 năm xưng vương phòng vé với 171 tỷ đồng, “Em chưa 18” đã bị bỏ xa bởi “Bố già” với doanh thu hơn 400 tỷ đồng.

img

“Tiệc trăng máu” chính thức đưa Nguyễn Quang Dũng gia nhập “Câu lạc bộ đạo diễn trăm tỷ”

Hơn 3 năm xưng vương phòng vé với 171 tỷ đồng, “Em chưa 18” đã bị bỏ xa bởi “Bố già” với doanh thu hơn 400 tỷ đồng. “Câu lạc bộ đạo diễn trăm tỷ” tại Việt Nam cũng ngày càng kết nạp thêm nhiều gương mặt mới. Có hay không công thức chung cho những phim Việt khuynh đảo phòng chiếu?

Không còn mỏi mắt đi tìm phim trăm tỷ

Năm 2017, khi “Em chưa 18” cán mốc doanh thu 171 tỷ đồng, nhiều người tin rằng kỷ lục này phải rất lâu mới bị phá vỡ. Tuy nhiên, chưa đầy 2 năm sau, “Cua lại vợ bầu” và “Hai Phượng” đã bùng nổ phòng vé với doanh thu lần lượt là 191,8 tỷ và hơn 200 tỷ đồng. Năm 2020, “Tiệc trăng máu” đạt doanh thu hơn 175 tỷ đồng và lập kỷ lục top 1 phòng vé trong 5 tuần liên tiếp.

Nhìn xa hơn các dự án trăm tỷ, với riêng “dòng ngách” là các phim nghệ thuật, thỉnh thoảng vẫn có phim điện ảnh Việt đạt được các giải thưởng quốc tế. Chẳng hạn, “Song Lang” được chiếu tại hơn 50 liên hoan phim quốc tế và nhận gần 50 giải thưởng trong và ngoài nước, “Ròm” đoạt giải Làn sóng mới tại Liên hoan phim quốc tế Busan, Hàn Quốc, “Vị” thắng giải Đặc biệt của Ban Giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế Berlin… Như thế cũng tạm đủ để công chúng lạc quan hơn, không nhất thiết cứ phải ngoái nhìn lại những thành tựu ở quá khứ, với những nhà làm phim kỳ cựu như Trần Anh Hùng chẳng hạn.

Biên kịch, chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước


Sang đến năm 2021, khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, “Bố già” gây bất ngờ khi trở thành phim có doanh thu trăm tỷ nhanh nhất mọi thời đại, vượt cả kỷ lục phim bom tấn ngoại tại Việt Nam. Doanh thu 400 tỷ đồng sau một tháng là con số không tưởng của cả phim Việt lẫn phim ngoại tại Việt Nam từ trước đến nay.

Đến thời điểm này, bộ phim của Trấn Thành đã soán ngôi đầu bảng của bom tấn Hollywood “Avengers: Endgame” từng chạm mốc 285 tỷ ở thị trường Việt Nam năm 2019.

Trước đó, bộ phim “made in Việt Nam” là “Gái già lắm chiêu 3” tự tin công bố chạm mốc 102 tỷ đồng từ 1,3 triệu lượt vé bán ra sau 6 ngày chiếu. Như vậy, hiện đã có 13 phim Việt có doanh thu từ 100 tỷ đồng trở lên, trong đó 2 phim đạt hơn 200 tỷ.

Nhìn lại cục diện nền điện ảnh Việt cách đây gần 10 năm, doanh thu 100 tỷ đồng, cùng với đó là kinh phí chục tỷ đồng vẫn chỉ là một giấc mơ xa vời. Song, theo biên kịch, chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước, việc nhiều phim Việt đạt doanh thu ở ngưỡng “trăm tỷ” cho thấy đầu tư phim đang thực sự được đẩy mạnh.

Bằng chứng là đã có những phim được đầu tư từ 30 - 50 tỷ đồng. Chẳng hạn, kinh phí “Trạng Tí” là 43 tỷ đồng, “Lật mặt: 48h” với 24 tỷ đồng, “Bố già” là 23 tỷ đồng. Cùng với đó là khả năng đầu tư mạnh về truyền thông phim (4 tỷ đồng với phim “Võ sinh đại chiến”, gần 10 tỷ đồng với phim “Lật mặt: 48h” sau 2 lần dời lịch chiếu).

“Gần 10 năm trước, nhà làm phim Việt chỉ có thể chi từ 5 tỷ đến trên dưới 10 tỷ đồng, những dự án có mức đầu tư khả quan hơn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giờ đây, dường như các giới hạn đang bị phá vỡ”, ông Phước nhận định.

Đồng quan điểm, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng: “Nếu như trước đây, mức doanh thu 100 tỷ là ước ao của nhiều đạo diễn thì sau “Bố già”, nhiều nhà làm phim sẽ đặt mục tiêu làm được phim có doanh thu 200 tỷ đồng. Có thể mình không bao giờ đạt được nhưng những giấc mơ kéo mình tiến lên”.

Có tồn tại công thức chung?

img

“Bố già” đạt kỷ lục phòng vé Việt khi cán mốc 400 tỷ đồng

Doanh thu 200 tỷ đồng là con số mơ ước của điện ảnh Việt. Nhưng thử lấy ví dụ với “Bố già”, doanh thu 400 tỷ đồng, tạm lấy giá vé trung bình 100.000 đồng/vé, đã có khoảng 4 triệu người tới rạp xem phim này.

Tính đến hết năm 2020, dân số Việt Nam ước tính hơn 97,7 triệu người và với chỉ có khoảng 4 triệu người đến rạp chiếu chứng tỏ thị trường cho phim Việt vẫn còn dư địa rất lớn. Nhưng, để duy trì và nâng dần con số tiềm năng này không phải dễ dàng, buộc các nhà làm phim phải tìm được chìa khóa thành công cho đứa con tinh thần của mình.

Phần đông các đạo diễn khi được hỏi đều khẳng định: Không có công thức nào để làm ra bộ phim trăm tỷ. Nhưng tất cả cùng thống nhất rằng, các phim trăm tỷ đều có mẫu số chung: Kịch bản mới mẻ, chất lượng diễn xuất tốt, đặc biệt là sự thăng hoa của diễn viên.

Đặt trong bối cảnh chung của phim Việt những năm gần đây, phim có doanh thu cao về cơ bản đều là những tác phẩm được sản xuất chuyên nghiệp, kịch bản có đầu tư và chất lượng phim tốt.

“Bố già” là câu chuyện về những gia đình rất Việt với lối quay, kể gần gũi. “Mắt biếc” là phim chuyển thể từ tiểu thuyết ăn khách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, với cảm hứng thanh xuân trong trẻo. Tác phẩm cũng được cầm trịch bởi đạo diễn tài năng Victor Vũ. “Tiệc trăng máu” là phim làm lại được Việt hóa tốt, cùng với dàn diễn viên bảo chứng phòng vé như: Thái Hòa, Thu Trang, Kiều Minh Tuấn, Kaity Nguyễn...

Công thức này hoàn toàn khác với “quy luật” phim trăm tỷ của Hollywood. Theo đó, những dòng phim về siêu anh hùng, phim khoa học viễn tưởng lại là “con gà đẻ trứng vàng” ở kinh đô điện ảnh lớn nhất thế giới. Đơn cử, Marvel Cinematic Universe (MCU) - loạt phim về siêu anh hùng của Mỹ do Marvel Studios sản xuất có doanh thu cao nhất thế giới hiện nay với tổng doanh thu hơn 22,5 tỷ USD trên toàn thế giới qua 23 phần phim.

Chia sẻ tại sự kiện Sunday Talk, đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng: “Thị hiếu khán giả thay đổi theo từng phim, chúng ta không thể nói xu hướng nào sẽ thành công, bởi đến khi bộ phim hoàn thành, mọi thứ đã khác so với khi bắt đầu”.

Đồng quan điểm, theo đạo diễn Dũng “khùng”, với sức ảnh hưởng của mạng xã hội, thị trường điện ảnh ít nhiều phụ thuộc về số đông. “Phim hay chưa chắc là phim ăn khách và ngược lại”, anh nói.

Thực tế, ngoài cốt truyện hợp thị hiếu khán giả, không thể không nói đến yếu tố may mắn. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng, việc “Bố già” bị dời lịch chiếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng có thể xem như trường hợp “trong cái rủi có cái may”. Nếu phim công chiếu đúng dịp Tết Nguyên đán như dự định ban đầu thì lại có thể không được “nhiệt” như thời điểm hiện tại khi mọi người đã quá khát khao được quay trở lại với rạp chiếu.

Theo thống kê của Cục Điện ảnh (Bộ VH, TT&DL), từ 2009 - 2014, mỗi năm Việt Nam sản xuất 15 - 25 phim, chiếm khoảng 15% tổng số phim chiếu rạp; Năm 2015 tăng lên 42 phim; Năm 2016 có 41 phim; 2017 là 38 phim; 2018 có 38 phim; 2019 với 41 phim.

Năm 2020, chỉ có 25 phim ra rạp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh số tại các rạp chiếu giảm xuống 1.660 tỷ đồng, chỉ bằng hơn 1/3 doanh thu năm 2019. Tuy nhiên, doanh thu phim Việt vẫn đạt 710 tỷ đồng, chiếm 42,5%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.