Xã hội

Mổ xẻ tâm lý đám đông tránh giẫm đạp tại lễ hội

20/04/2016, 18:09

TS. Trần Hữu Sơn cho rằng, hiện tượng giẫm đạp, chen lấn ở lễ hội Đền Hùng là hiện tượng của đám đông.

Khai_hoi_Den_Hung_46_zing
Chen lấn, xô đẩy tại Đền Hùng. Ảnh: Zing.vn

Nhiều nhà quản lý văn hóa, chuyên gia khi nhắc lại vụ việc hàng nghìn người chen lấn, giẫm đạp tại Lễ dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương năm nay (16/4, tức 10/3 Âm lịch) vẫn không khỏi rùng mình và thầm cảm ơn thần may mắn vì đã không có thương vong.

2,5 triệu người đổ dồn vào con đường độc đạo

Theo ước tính của BTC, tối mùng 9/3 và ngày 10/3 Âm lịch, lượng du khách về dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương hơn 2,5 triệu lượt người. Ngay từ 4-5h sáng, người dân đến khu di tích, trong khi 8h30, BTC mới mở hàng rào sắt để mọi người lên đền Thượng. 3 - 4 tiếng chờ đợi đã tạo dòng người bị dồn ứ đông đúc. Trong khi đó, đường lên đền Thượng là con đường độc đạo, hẹp, một bên là sườn núi cao, một bên là vách núi sâu nguy hiểm.

Trong đám đông hỗn loạn, trẻ nhỏ gào khóc do không chịu nổi áp lực của đám đông. Một số phụ nữ vì không chịu được nắng nóng, ngột ngạt trong hàng giờ đồng hồ đã ngất lịm dưới chân núi Nghĩa Lĩnh. Số khác thì không chờ đợi được đã phá hàng rào đi vào, bất chấp sự ngăn cản của lực lượng an ninh. Để tránh dòng người đang chen lấn, người dân còn leo núi, băng rừng đi tắt để lên khu vực đền Thượng.

Cho rằng thật may mắn khi không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra nhưng theo TS. Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN, sự việc chen lấn, giẫm đạp nhau xuất phát từ hai phía người dân và BTC. “Năm nay, BTC cũng bất ngờ, không nghĩ đám đông dữ dội như vậy. Không lường trước được mọi việc, nên dù cố gắng làm hàng rào an ninh, bảo vệ nhưng vẫn không thể cản được đám đông”.

Nghiên cứu khoa học về tâm lý đám đông

TS. Trần Hữu Sơn cho rằng, hiện tượng giẫm đạp, chen lấn ở lễ hội Đền Hùng là hiện tượng của đám đông. Ông phân tích: “Trong  tâm lý học đám đông có những đặc điểm sau: Thứ nhất, bản năng sẽ lấn át lý trí, dễ dẫn đến nhiều hiện tượng khác. Thứ hai, trong tâm lý tiểu nông còn rơi rớt lại thì dân ta cái gì cũng phải tranh giành, làm bầu không khí đám đông mạnh lên.

Ngày 22/2 vừa qua, hình ảnh chen lấn, xô đẩy, cướp lộc kinh hoàng trong lễ hội Đền Trần (Nam Định) cũng khiến nhiều người ngán ngẩm. Từ phía cổng đền Thiên Trường, dòng người ồ ạt lao đến ban thờ, cố gắng cướp, dứt những gì còn sót lại. Dù đã cố gắng ngăn cản nhưng lực lượng chức năng vẫn “lực bất tòng tâm”. 

Tháng 4/2015, Công viên nước Hồ Tây “vỡ trận” khi hàng trăm người hỗn loạn chen vào tắm, chơi trò chơi miễn phí cũng làm không ít người hãi hùng.

Tháng 9/2015, thảm họa giẫm đạp lên nhau giữa những người hành hương tại thánh địa Mecca (Arab Saudi) đã làm hơn 700 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Thứ ba, tính lan truyền mạnh. Chỉ cần một hành động thôi là tất cả ào theo, không còn lý trí ngăn cản nữa. Yếu tố đó càng bị kích thích, bị ngăn lại thì sẽ tự trào. Đó là thực trạng của tâm lý đám đông. Nó không chỉ ảnh hưởng tới tất cả các lễ hội ở nước ta mà lễ hội các nước khác”.

Theo TS. Sơn, nếu không làm mạnh, mùa lễ hội sang năm sẽ dễ xảy ra giẫm đạp chết người như ở các lễ hội khác trên thế giới. Vì thế, cần phải nghiên cứu tâm lý đám đông để có những biện pháp bảo vệ an toàn, trật tự tốt hơn. Từ khâu tuyên truyền, tổ chức, bảo vệ trật tự. Đây là khoa học chứ không phải sự cảm tính, chủ quan.

Trong khi đó, GS. Ngô Đức Thịnh, nhà nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng dân gian cho rằng, chúng ta không thể kêu gào người dân không đến lễ hội, mà cần có giải pháp đảm bảo người nào đến lễ hội cũng được an toàn trở về nhà. “Phải có những biện pháp để phân tán người ra, không thể tập trung một chỗ. Hoặc có thể làm lễ giỗ Tổ ở nhiều địa phương khác nhau. Nên khuyến cáo không nên cho trẻ con đi lễ hội, rất nguy hiểm”, ông Thịnh hiến kế.

PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Tuyết Chinh, PGĐ Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Phú Thọ về sự việc chen lấn, giẫm đạp tại Đền Hùng. Bà Chinh cho hay, năm nay, người tham dự lễ hội Đền Hùng đông vì quy mô tổ chức có nhiều nét mới và người dân đổ dồn về từ tối hôm trước để hôm chính hội lên đền Thượng, dẫn đến việc rất đông người bị ứ lại lúc dâng hương lên đền. Không ít người đặt vấn đề là làm nhiều đường lên hay làm rào sắt chắn từng người như ở Tràng An. Tuy nhiên, Đền Hùng không làm thế được.

Nếu làm thêm 2, 3 đường thì nát núi, nát Đền Hùng. Vì vậy, ngoài nỗ lực của BTC, mong truyền thông sẽ vào cuộc cùng chúng tôi. Khuyến cáo người dân không nên đưa người già và trẻ nhỏ vào những ngày chính hội. Người dân cũng nên đi rải rác về dâng hương chứ không nhất thiết vào ngày chính hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.