Xã hội

Mọi giao dịch của dân sẽ không cần giấy tờ

05/03/2021, 14:00

Với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, mỗi người dân chỉ cần tự quản lý mã số định danh cá nhân duy nhất thay cho 22 loại giấy tờ.

img

Thượng tá Tô Anh Dũng

Bộ Công an vừa khai trương Hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, đánh dấu sự thay đổi lớn trong công tác quản lý Nhà nước, sử dụng giấy tờ của công dân từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử.

Báo Giao thông trao đổi với Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, kiêm Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư (Bộ Công an) về những lợi ích mà hai hệ thống mang lại.

Một mã số định danh thay 22 loại giấy tờ

Thực sự thì đến nay vẫn chưa có nhiều người dân hình dung được về Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Hiểu một cách đơn giản thì hệ thống này là gì, gồm những gì?

Có người từng nói với tôi rằng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư giống như một bức tranh khổng lồ, trong đó mỗi chấm nhỏ là một bức chân dung đầy đủ về từng công dân. Cách hiểu đó đúng nhưng chưa đủ về Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư bởi nó thiếu yếu tố “sống” (sống động - PV).

Ví dụ, công dân hôm nay đang cư trú ở tỉnh Thái Bình, ngày mai công dân đó lên Hà Nội lập nghiệp, cư trú. Vậy, thông tin về công dân này phải được cập nhật vào hệ thống dữ liệu cá nhân.

Nhiệm vụ của chúng ta là giữ cho bức tranh này luôn “sống”, đây là yếu tố quyết định để đánh giá sự thành công trong việc xây dựng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Theo quy định tại Luật Căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý Nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và vận hành để đảm bảo cơ sở dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống” là một nhiệm vụ xuyên suốt mà lãnh đạo Bộ Công an đặt ra. Khi đó, dữ liệu quản lý sẽ có tính chất cập nhật và kịp thời điều chỉnh những thay đổi của công dân để tạo ra một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh.

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng tạo nền tảng cho công tác quản lý hành chính Nhà nước theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, giảm giấy tờ công dân, giảm chi phí hành chính, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực trong việc phát triển kinh tế, góp phần phát triển Chính phủ điện tử.

Trong thời gian qua để thu thập được thông tin của 99.05% công dân trên toàn quốc, lực lượng công an các cấp, đặc biệt là cảnh sát khu vực và công an xã đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp để cập nhật bổ sung từng thông tin.
Lực lượng công an đã thu thập được hơn 86 triệu thông tin công dân. Sau khi tiếp nhận lượng thông tin khổng lồ đó, chúng tôi triển khai rất nhiều khâu để bảo đảm tính pháp lý và triển khai tổng thể các hệ thống máy chủ, lưu trữ, xử lý dữ liệu an toàn, bảo mật thông tin công dân... Nói chung, đó là một “núi” các công việc liên quan.
Thượng tá Tô Anh Dũng


Trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư xác định mỗi công dân có một mã số định danh cá nhân. Vậy, mã số định danh đó chứa những thông tin gì, thay thế cho những giấy tờ cá nhân nào hiện nay của công dân?

Nếu như trước đây, một công dân phải tự quản lý khoảng 22 giấy tờ tùy thân thì với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, mỗi người dân chỉ cần tự quản lý mã số định danh cá nhân duy nhất.

Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản về công dân được chuẩn hóa, số hóa. Thông qua việc tổ chức thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các bộ, ngành và chính quyền các cấp khi xử lý công việc liên quan đến công dân.

Đây cũng chính là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý Nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân.

Việc tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao chứng thực các giấy tờ công dân, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại cho nhân dân.

Cơ sở dữ liệu được xây dựng với mục tiêu kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác như: Hộ tịch, cư trú, căn cước công dân, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, thuế… làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, giảm chi phí ngân sách Nhà nước, giảm hồ sơ giấy tờ đang được lưu trữ tại cơ quan Nhà nước.

Như vậy, với một mã số định danh cá nhân, sau này người dân thực hiện các giao dịch như làm thủ tục ngân hàng, hợp đồng lao động, giao dịch mua bán bất động sản... có cần mang những giấy tờ cá nhân như hộ khẩu, giấy khai sinh... bản giấy đi không?

Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư ra đời chính là để giải bài toán quản lý đơn lẻ của các bộ, ngành thông qua các loại giấy tờ như hiện nay. Mỗi công dân hiện có thể sở hữu nhiều loại giấy tờ khác nhau (giấy khai sinh, CMND, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, thẻ bảo hiểm y tế, hộ chiếu, giấy phép lái xe, các loại chứng chỉ…).

Sở dĩ Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư được coi là “cốt lõi” để xây dựng Chính phủ điện tử chính là tính tổng hợp, kết nối cơ sở dữ liệu của các ngành khác nhau để phục vụ người dân.

Với sự ra đời của Cơ sở dữ liệu Quốc gia sẽ bảo đảm chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí mà hiện nay người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính (chi phí do phải đi lại, công chứng, chứng thực các loại giấy tờ...).

Bên cạnh đó, việc quản lý cư dân thông qua mã số định danh cá nhân sẽ góp phần kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành; trong đó, mã số định danh cá nhân được coi là chìa khóa để các cơ quan Nhà nước kết nối, cập nhật tra cứu thông tin về công dân phục vụ công tác quản lý ngành, lĩnh vực được giao quản lý.

Về cơ bản khi tham gia các hoạt động này thì cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu thông tin về nơi cư trú của công dân đã cung cấp với thông tin có trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Việc tra cứu thông tin khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính.

Đồng thời, các hệ cơ sở dữ liệu như đăng ký ô tô, xe máy, đăng ký đất đai, thuê nhà đất của Nhà nước, đăng ký khách hàng của ngân hàng hay các công ty bảo hiểm... nếu được truyền số định danh cá nhân sẽ tạo điều kiện cho việc tìm kiếm nhanh và có thêm nhiều thông tin về khách hàng.Mỗi cá nhân không phải khai những thông tin dữ liệu đã có. Điều này đồng nghĩa với việc giảm bớt rất nhiều hồ sơ, giấy tờ như hiện nay.

“Chiến dịch” cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân

img

Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư là hệ thống quan trọng nhất trong 6 cơ sở dữ liệu Quốc gia phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử

Điều mà tất cả mọi người dân quan tâm là khi nào thì người dân có thể thực hiện các giao dịch mà không cần mang nhiều giấy tờ như hiện nay?

Mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng, tuy nhiên trong thời gian tới, các nhiệm vụ đặt ra của hai dự án dữ liệu Quốc gia về dân cư và cấp căn cước công dân gắn chip là rất lớn.

Hiện, chúng tôi đang tập trung duy trì việc bổ sung, cập nhật thông tin dân cư hàng ngày ngay từ cơ sở; tiếp tục hoàn thiện các trung tâm dữ liệu, hệ thống bản đồ số, đường truyền, các giải pháp bảo mật an ninh an toàn.

Mục tiêu của Bộ Công an là quyết tâm triển khai “chiến dịch” cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân từ nay đến ngày 1/7/2021. Ngoài ra, Bộ Công an đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu, tiến độ triển khai hai dự án.

Cùng với đó là tiếp tục phối hợp các bộ, ban, ngành, địa phương trong công tác chia sẻ dữ liệu, bảo đảm đồng bộ, chống lãng phí, an ninh an toàn, bảo mật hệ thống và dữ liệu công dân.

Một trong những phần việc rất lớn khác là phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát, đối chiếu các cơ sở dữ liệu về hộ tịch bảo đảm thống nhất với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xác định hộ tịch đối với các trường hợp đặc biệt.

Hiện, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư đang nghiên cứu các ứng dụng để tích hợp trong chip điện tử trên thẻ căn cước công dân.

Chúng tôi quyết tâm xây dựng tiến tới cơ bản hoàn thành dự án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân trước ngày 1/7/2021.

Sau khi hoàn thiện, thống nhất các hệ thống trên, dữ liệu cá nhân của người dân được cập nhật, thống nhất trên toàn hệ thống thì người dân khi thực hiện nhiều giao dịch sẽ đơn giản hơn nhiều. Người dân không cần phải mang hàng loạt giấy tờ đi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch như hiện nay.

Việc bảo mật thông tin cá nhân được triển khai thế nào trong quá trình sử dụng, khai thác dữ liệu dân cư?

Trong quá trình tổ chức triển khai, Bộ Công an luôn xác định mục tiêu khi xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư phải bảo đảm yêu cầu “hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao”.

Hệ thống gồm hai vùng: Vùng nghiệp vụ nội ngành: Lưu trữ và quản lý toàn bộ quá trình tác nghiệp liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú của ngành Công an; Vùng dân cư quốc gia: Cung cấp công cụ, dịch vụ trực tuyến cho các bộ, ban, ngành và công dân để cập nhật và khai thác dữ liệu về dân cư qua mạng truyền số liệu internet chuyên dùng.

Đồng thời, hệ thống được trang bị bảo mật tiên tiến, nhiều lớp như: Fire Wall phần cứng và phần mềm chuyên dụng, bảo mật đường truyền, ký số/xác thực của Ban Cơ yếu Chính phủ. Vì vậy, đảm bảo thông tin của công dân được an toàn, bảo mật tuyệt đối.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.