Xã hội

Mỏi mắt tìm không được thuyền viên, hàng trăm tàu cá Hải Phòng nằm bờ

21/02/2023, 09:33

Nhiều tháng nay, hàng trăm tàu cá tại cảng Mắt Rồng, xã Lập Lễ, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng không thể vươn khơi vì thiếu lao động.

Tàu nằm phơi lưới, chủ tàu lo phá sản

Không giống mọi năm cứ sau vài ngày nghỉ Tết, các tàu cá tại cảng Mắt Rồng tất bật ngư cụ để vào vụ cá nam, thì tới thời điểm này, hàng trăm tàu cá vẫn án binh bất động, không dám vươn khơi.

Việc hàng trăm tàu cá phải nằm bờ ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, nhiều chủ tàu không còn khả năng tài chính để trả nợ ngân hàng.

img

Hàng trăm tàu cá nằm phơi lưới nhiều tháng nay ở cảng Mắt Rồng

Anh Đinh Như Bản, chủ một tàu cá chia sẻ: "Tàu của tôi dài 24,3m, giá trị hơn chục tỷ đồng, phải vay ngân hàng nên việc nằm bờ nhiều ngày khiến chúng tôi không có thu nhập để trả nợ ngân hàng. Hiện đất cát của gia đình cũng đã mang cầm cố, bán để trả nợ ngân hàng".

Anh Đinh Văn Thắng, chủ tàu HP-90956-TS cho biết, tàu của anh dài 34,1m, được đóng theo Nghị định 67 với số tiền hơn 25 tỷ đồng, đến nay vẫn còn nợ ngân hàng. Tuy nhiên, không thể tuyển được lao động, nhiều thuyền viên cũ cũng bỏ đi làm tại các khu công nghiệp, nên tàu đành nằm bờ.

img

Các phương tiện thu gom hải sản cũng trống trơn hàng khi tàu không thể vươn khơi

Theo ông Vũ Văn Cự, Trưởng Liên tập đoàn Cá biển xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên: Xã Lập Lễ đã có truyền thống đi biển hơn 100 năm nay. Toàn xã có hơn 450 tàu cá, trong đó có hơn 250 tàu cá dài trên 15m.

"Trong nhiều năm qua, khu công nghiệp ngay cạnh xã có nhiều nhà máy mới đi vào hoạt động đã thu hút rất nhiều lao động vào làm, trong đó có cả lao động đi biển. Trước kia, mỗi nhân công đi biển có thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng. Nhưng do đặc thù công việc vất vả, nguy hiểm nên nhiều người, nhất là lớp thanh niên đã chuyển sang đi làm tại các nhà máy, khu công nghiệp với thu nhập từ 9-12 triệu đồng/người/tháng", ông Cự cho hay.

Hiện để duy trì việc đánh bắt cá, nhiều chủ tàu phải vào tận Thanh Hóa, Nghệ An để tuyển thuyền viên. Thiếu hụt lao động đang khiến đội tàu hàng ngàn tỷ nằm phơi mình tại cảng Mắt Rồng.

Khi các tàu không thể vươn khơi, hoạt động hậu cần nghề cá cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, các dịch vụ cung cấp dầu, đá cây để ướp cá, nhu yếu phẩm để vươn khơi cũng không thể tiêu thụ.

Anh Vũ Đức Dũng, một người làm hậu cần nghề cá cho biết gia đình anh cũng đã "ngồi chơi xơi nước" nhiều tháng nay, các tàu thu mua hải sản cũng không có nguồn hàng để hoạt động.

Thuyền viên gặp khó vì quy định mới

Không chỉ thiếu lao động phổ thông, các chủ tàu còn không thể tuyển được thuyền viên có các chức danh theo quy định.

img

Ngư cụ bị xếp gọn một chỗ khi tàu dừng hoạt động

Cụ thể, theo Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/1/2022 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tàu cá có chiều dài từ 12m đến 15m phải có Thuyền trưởng tàu cá hạng III, Máy trưởng tàu cá hạng III; Nhóm tàu cá có chiều dài từ 15m đến 24m phải có Thuyền trưởng tàu cá hạng II, Máy trưởng tàu cá hạng II; Nhóm tàu cá có chiều dài trên 24m phải có Thuyền trưởng tàu cá hạng I, Thuyền trưởng tàu cá hạng II, Máy trưởng tàu cá hạng I và Thợ máy tàu cá.

Nếu không có đủ các thuyền viên có chứng chỉ trên tàu sẽ không được ra khơi.

Anh Đinh Như Cường, thuyền trưởng tàu cá HP-90731-TS chia sẻ: "Tàu của tôi dài 24,3m nên hiện tìm kiếm được đủ bốn chức danh hết sức khó khăn".

Ông Vũ Văn Cự, Trưởng Liên tập đoàn Cá biển xã Lập Lễ: Thực tế của nghề đi biển, mỗi tàu cá cỡ lớn trên 24m cũng chỉ có 6-8 thuyền viên, mỗi chủ tàu đều đã là Thuyền trưởng hạng I và chính bản thân họ hiểu rõ nhất về con tàu của họ. Các thuyền viên khác cũng chỉ là hỗ trợ vận hành cùng.

Tuy nhiên Thông tư số 01 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn với đòi hỏi quá cao làm các chủ tàu không thể tìm đủ đội ngũ thuyền viên theo yêu cầu.

Các chủ tàu đang phải thuê lao động ở các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Thanh Hóa và lực lượng này thường không ổn định, họ có thể nghỉ việc bất kì lúc nào. Ngay cả khi gia đình họ có việc đột xuất, không thể không cho họ nghỉ làm nhưng nếu không đủ quân số có chứng chỉ, tàu sẽ phải dừng hoạt động.

"Trong 3 năm qua, chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, sau đó giá xăng dầu tăng vọt khiến hoạt động đánh bắt hải sản trở nên lao đao, giờ lại thêm Thông tư trên. Từ nhiều đời qua, dù không có chứng chỉ gì thì các tàu cá vẫn vận hành theo mô hình đó. Nay việc quy định chức danh cũng là điều cần thiết, tuy nhiên, để tạo điều kiện cho ngư dân bám biển, các quy định cần có lộ trình thực hiện căn cứ vào thực tế địa phương", ông Cự đề xuất.

Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy sản Hải Phòng, việc hàng loạt tàu cá nằm bờ nguyên nhân chính là do sự dịch chuyển của đội ngũ lao động. Những người đang làm nghề cá muốn chuyển sáng tìm việc khác nhẹ nhàng hơn. Chính vì thế mà nhân lực lao động nghề cá suy giảm.

Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/1/2022 không có sự thay đổi nhiều, thậm chí là có hướng giảm bớt các văn bằng chứng chỉ so với năm 2018. Việc các chủ tàu tìm bạn tàu là người tỉnh ngoài với đặc điểm là lao động thời vụ, không ổn định dẫn đến thiếu lao động đặc biệt là lao động có chứng chỉ theo quy định của Nhà nước.

"Sở NN&PTNT đang tham mưu cho TP Hải Phòng tạo điều kiện đào tạo chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng để đáp ứng nhu cầu phục vụ hoạt động đánh bắt thủy hải sản", lãnh đạo Chi cục Thủy sản Hải Phòng cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.