Hồ sơ tài liệu

Mời Nga trở lại G8, phương Tây giằng xé

18/04/2015, 15:27

Trong khi Đức, Nhật, Pháp muốn hàn gắn quan hệ với Nga thì Mỹ, Canada và Anh lại có quan điểm cứng rắn.

g7_NJRQ
Ngoại trưởng Đức và Mỹ có quan điểm khác nhau về Nga

Đức, Nhật nhớ Nga

Vào cuối thứ Tư, ông Frank-Walter Steinmeier, ngoại trưởng Đức bỗng tâm sự rằng: “Không ai trong chúng tôi muốn cô lập Nga cả”. Và ông Steinmeier cũng nói thêm rằng mình rất hoan nghênh nếu Nga trở lại G8. Vấn đề để Nga trở lại G8 theo Ngoại trưởng Đức là thỏa thuận Minsk được tôn trọng trọn vẹn.

Trước đây phương Tây nhiều lần hứa hẹn sẽ dỡ bỏ trừng phạt với Nga nếu thỏa thuận Minsk được tôn trọng nhưng không hề đề cập đến việc mời Nga trở lại ‘sinh hoạt nhóm’. Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao phương Tây nói về chuyện sẽ mời Nga trở lại G8.

Nga vốn là thành viên của G8 nhưng sau sự kiện sát nhập Crimea hồi tháng 3 năm ngoái sau một cuộc trưng cầu dân Ý, các nước phương Tây đã thực hiện lệnh trừng phạt bao vây Nga mà đỉnh cao là loại Nga ra khỏi G8.

Tuy nhiên, hành động này không hẳn được sự đồng thuận hoàn toàn từ các nước trong khối. Tại châu Âu, Đức và Pháp là hai nước phải miễn cưỡng theo lệnh trừng phạt Nga. Họ là hai nước sốt sắng nhất muốn xóa bỏ trừng phạt với Nga vì hai nước có mối liên hệ chặt chẽ về kinh tế với Nga và chịu tổn thất kinh tế lớn từ lệnh trừng phạt chống Nga.

Ngoài ra, Ý cũng không muốn tham gia trừng phạt Nga và có thể thấy chính quyền Ý hầu như không đưa ra bình luận tiêu cực nào về Nga trong một năm qua. Việc Nga trở lại G8 sẽ có lợi cho làm ăn của nhóm Đức, Pháp, Ý chứ không thiệt hại gì.

Tại châu Á, Nhật là nước muốn nhanh chóng hàn gắn quan hệ với Nga vì hai lý do. Trước hết là muốn cùng Nga giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Ngoài ra, Nhật không muốn Nga cùng Trung Quốc hình thành một liên minh khiến Tokyo rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch.

Mỹ, Anh, Canada có quan điểm cứng rắn

Ngược lại, 3 nước Anh ngữ trong khối là Mỹ, Anh và Canada lại có quan điểm cứng rắn trong chính sách với Nga. Cả Anh, Mỹ hay Canada đều không có quan hệ kinh tế nhạt nhòa với Nga nên việc trừng phạt Nga hầu như không ảnh hưởng đến nền kinh tế của họ.

Một số nhà phân tích Đức và Pháp cho rằng Mỹ muốn đẩy Nga vào thế kẻ thù của châu Âu để Mỹ duy trì ảnh hưởng của mình thông qua NATO. Do vậy, Mỹ không tìm cách hạ nhiệt trong căng thẳng Ukraine mà còn đưa thêm chuyên gia quân sự tới đây.

Canada và Anh cũng có viện trợ quân sự nhất định cho chính quyền Ukraine. Trong khi Anh viện trợ xe bọc thép thì Canada sẵn sàng giúp tiền và chuyên gia quân sự.

Hành động đó tỏ rõ ý định sẽ không nhượng bộ Nga cho đến khi nào Nga phải tuân theo yêu sách của phương Tây trong các vấn đề Ukraine (điều mà Nga chắc chắn sẽ không bao giờ chấp nhận). Do vậy, việc phương Tây đồng ý thôi trừng phạt Nga trong tương lai gần đã là điều khó chứ chưa nói gì đến việc mời Nga trở lại G8.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.