Xã hội

Mỗi ngày nhận 15 tin tố giác thực phẩm “bẩn”

07/01/2016, 06:28

Đường dây nóng của Bộ NN&PTNT liên tục nhận được những thông tin về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tẩm hóa chất,...

Công tác thanh tra về an toàn thực phẩm hiệu quả h
Công tác thanh tra về an toàn thực phẩm đạt hiệu quả hơn nhờ sự giúp đỡ của người dân qua hệ thống đường dây nóng.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Việt (ảnh nhỏ), Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khẳng định năm 2016, công tác thanh tra đột xuất bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) sẽ được tăng cường dựa trên thông tin tố giác của người dân qua đường dây nóng.

Tăng cường thanh tra đột xuất

Thưa ông, năm qua nhiều vụ việc nhức nhối về ATTP khiến người dân vô cùng hoang mang. Ông nhận định thế nào về kết quả thanh tra, xử lý vi phạm ATTP trong ngành Nông nghiệp?

Năm 2015 được xác định là Năm ATTP. Theo đó, Bộ NN&PTNT đã chọn chất cấm trong chăn nuôi, mà chủ yếu là vàng ô và chất tăng trọng sabultamol làm mũi tấn công đột phá. Mới đây, Bộ đã phối hợp với Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49 - Bộ Công an) bóc gỡ đường dây nhập khẩu, phân phối chất cấm.

Đến thời điểm này, có thể nói nguồn cung cấp chất cấm trong chăn nuôi đã cơ bản được khống chế. Kết quả kiểm tra trong tháng 11/2015, chỉ có một trong tổng số 100 mẫu thức ăn chăn nuôi vi phạm. Cuối tuần này, Bộ sẽ lấy thêm 150 mẫu thức ăn chăn nuôi để kiểm nghiệm và đánh giá  tổng kết lại tháng cao điểm.

Để làm tốt công tác thanh tra về an toàn thực phẩm, cần phải giảm bớt các cuộc thanh, kiểm tra theo kế hoạch, tăng cường thanh tra đột xuất. Tuy nhiên, nếu chỉ Thanh tra Bộ vào cuộc thì vẫn không đủ, phải tạo sự chuyển biến ở địa phương.

Vậy năm 2016, Thanh tra Bộ NN&PTNT sẽ chọn lĩnh vực nào là “mũi nhọn”?

Năm 2016, công tác thanh tra chuyên ngành sẽ tập trung vào lĩnh vực, hoạt động mà thanh tra chuyên ngành của các tổng cục, cục triển khai không hiệu quả. Khi việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị xử lý dứt điểm sẽ chuyển sang thanh, kiểm tra hoạt động sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong chăn nuôi thủy sản, theo hình thức thanh tra đột xuất.

Hoạt động này là yêu cầu cấp thiết không chỉ nâng cao uy tín, chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu mà còn đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước.Ngoài ra, Thanh tra Bộ cũng sẽ tập trung vào các tổ chức thử nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy… bởi nếu các đơn vị này làm không tốt vô hình trung đã tiếp tay cho sai phạm.

Cụ thể, hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi bị cấm ở đây là gì thưa ông?

Hóa chất trong thủy sản chủ yếu là chất xử lý môi trường nước và kháng sinh để chữa bệnh cho vật nuôi. Hiện nay, trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước, bệnh tật vật nuôi gia tăng, người dân có thể không biết hoặc biết mà vẫn cố lạm dụng hóa chất trên dẫn đến việc tồn dư nhiều chất độc hại trong thực phẩm.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định việc khống chế, kiểm soát nguồn cung các loại hóa chất trên là rất khó và phức tạp bởi chúng được chủ yếu nhập về từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Song, từ kinh nghiệm trong chiến dịch thanh, kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi, cho thấy tất cả phải bắt nguồn từ việc rà soát, kiểm tra xử lý nghiêm từ đầu mối là các công ty sản xuất, phân phối thức ăn, hóa chất. Riêng đối với người dân, biện pháp chủ yếu vẫn là tuyên truyền, nhắc nhở. Tuy nhiên đối với những chủ trang trại lớn, vi phạm nhiều lần sẽ vẫn bị xử phạt nặng để răn đe.

70% thông tin tố giác đúng

Theo ông đâu là khó khăn lớn nhất trong việc thanh, kiểm tra xử lý hành vi vi phạm về ATTP trong ngành Nông nghiệp?

Để chỉ rõ vi phạm, cần có cơ sở, căn cứ pháp lý dựa trên danh mục chất cấm trong chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện chất cấm trong chăn nuôi mới có hạn mà chất nằm ngoài danh mục lại rất nhiều, cần có thời gian đánh giá rà soát lại. Ngoài ra, danh mục hóa chất bảo quản thực phẩm lại do Bộ Y tế chủ trì nghiên cứu, nên thông tin cũng chưa được rõ. Kinh nghiệm cho thấy, chỉ khi thanh tra đột xuất mới phát hiện vi phạm.

Tuy nhiên, muốn thanh tra đột xuất, cần có thông tin tố cáo từ người dân hoặc do trinh sát bên Công an vào cuộc. Chính vì thế, với đường dây nóng tố giác tội phạm liên quan đến tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chúng tôi hy vọng sẽ có sự tiếp sức nhiều hơn từ người dân cũng như các phương tiện thông tin đại chúng.

Từ khi hoạt động tới nay, đường dây nóng tố giác tội phạm liên quan đến tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi của Bộ NN&PTNT có đạt được hiệu quả như mong muốn?

Chúng tôi liên tiếp nhận được phản ánh của người dân với số lượng 10 - 15 thông tin/ngày. Khoảng 70% thông tin có chất lượng, đáng tin cậy, phản ánh địa chỉ cụ thể. Thông tin phản ánh nhiều về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ngâm, tẩm hóa chất và cả những hành vi gian lận trong sản xuất chế biến thực phẩm... Tất cả đều được chúng tôi “lọc” để trực tiếp xử lý hoặc chuyển về bộ phận chuyên trách.

Gần đây nhất, qua thông báo của người dân, đoàn kiểm tra liên ngành đã bắt tại chỗ 5 thương lái nhập heo cho các cơ sở giết mổ tại TX Dĩ An (Bình Dương) có chất tạo nạc  sabultamol, với dư lượng chất cấm vượt tới 171 lần. Trước đó, tại Hoài Đức (Hà Nội), Bộ trưởng đã thưởng bằng khen một chủ trang trại đã tố giác hành vi tuồn chất cấm vào trại chăn nuôi.

Như ông đã nói, trong lĩnh vực ATTP, những cuộc thanh tra đột xuất mới có hiệu quả, vậy phải chăng có việc tiết lộ kế hoạch, thông tin thanh kiểm tra?

Thông thường, kế hoạch thanh tra cũng được lên chi tiết từ đầu năm, do vậy các đơn vị sản xuất, người dân có thể sẽ nắm được. Tuy nhiên, thanh tra đột xuất đều được giữ kín, càng bí mật càng tốt, thậm chí có những cuộc khi cả đoàn lên xe bị tịch thu điện thoại mới được biết nội dung. Tôi nghĩ việc lộ thông tin kiểm tra có thể có nhưng tới nay chưa có trường hợp nào bị phát hiện để xử lý.

Cám ơn ông!

Đường dây nóng của Thanh tra Bộ NN& PTNT có hai số điện thoại là 08.042526 hoặc 0917808113. Ngoài giữ bí mật danh tính người cung cấp thông tin, Bộ NN&PTNT sẽ xem xét thưởng cho cá nhân và tổ chức khi cung cấp thông tin chính xác phục vụ cho quá trình thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định hiện hành.

Mức thưởng từ 1 - 50 triệu đồng, tùy theo giá trị của tin và quy mô vi phạm, trên cơ sở đánh giá của các thành viên trong đoàn thanh tra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.