Xã hội

Mỗi ngày tàu khoan đợi ngoài khơi có thể tiêu tốn hàng trăm nghìn USD

25/10/2022, 18:00

ĐBQH đề nghị bổ sung dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ chỉ nên áp dụng cho hoạt động thượng nguồn và quy trình đầu tư phải nhanh chóng.

Quy trình đầu tư hoạt động dầu khí phải nhanh chóng để tránh hao tổn tài chính

Chiều 25/10, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV tiếp tục diễn ra với phần thảo luận góp ý của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về dự án Luật Dầu khí sửa đổi.

img

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa)

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) đề nghị không bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật về hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn, mà làm rõ hơn nữa phạm vi điều chỉnh của luật là hoạt động dầu khí thượng nguồn, bao gồm những hoạt động về thăm dò, khai thác mỏ dầu khí.

Các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn nên thực hiện theo các quy định của các luật đã có và các luật có liên quan.

Về quy định bổ sung dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ vào phạm vi điều chỉnh, đại biểu Thịnh đề nghị cần phải cân nhắc và nên chỉ áp dụng cho hoạt động thượng nguồn chứ không bổ sung.

"Bởi, đầu tư thượng nguồn là đầu tư rủi ro, không có nhiều thời gian để đánh giá thẩm định như ở trên bờ, vì thế, quy trình đầu tư phải nhanh chóng, mỗi ngày tàu khoan đợi ngoài khơi có thể tiêu tốn hàng trăm nghìn USD", ông Thịnh nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng nhấn mạnh, hoạt động dầu khí có tính chất đặc thù, có tính rủi ro cao, do tại thời điểm ký kết hợp đồng chưa thể lường hết được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm, thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí và khai thác dầu khí.

Do vậy, đại biểu Hùng cho rằng các quy định điều chỉnh liên quan đến mỏ dầu khí tận thu và các quy định về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí nói chung và mỏ dầu khí khai thác tận thu nói riêng là một điểm quan trọng đột phá của dự thảo Luật lần này.

img

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh)

Đề xuất cá nhân đủ năng lực được thực hiện điều tra cơ bản dầu khí độc lập

Đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn TP Hà Nội) đánh giá cao các quy định về điều tra cơ bản được quy định tại các điều khoản trong Luật sửa đổi và đề nghị cần quy định chặt chẽ nội dung này để đảm bảo tính thống nhất, tránh xung đột pháp luật.

Theo đại biểu Thi, dự thảo quy định kinh phí thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước, kinh phí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, kinh phí của tổ chức, cá nhân.

Như vậy, công tác này chủ yếu thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước, vì vậy cần giao Chính phủ quy định rõ một số nội dung về điều tra cơ bản để đảm bảo công tác tìm kiếm, thăm dò.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) cho biết, quy định về điều kiện thực hiện điều điều tra cơ bản về dầu khí trong dự thảo chưa rõ ràng, chưa quy định cụ thể, có những điều kiện nào thì được thực hiện việc điều tra cơ bản về dầu khí. Kết cấu của điều luật chủ yếu quy định về loại hình chủ thể, việc điều tra cơ bản là hoạt động đặc thù.

Do đó, đại biểu Mẫn đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh lại nội dung này để khắc phục, bổ sung những bất cập, thiếu sót.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) cũng có nhiều băn khoăn về quy định điều tra cơ bản về dầu khí.

Theo đại biểu Thuý, dự thảo Luật quy định cá nhân tham gia thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí phải liên doanh với tổ chức để có đủ điều kiện thực hiện.

"Tuy nhiên, trường hợp cá nhân có đủ năng lực về tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm trong điều tra cơ bản về dầu khí theo quy định của Chính phủ có thể tự mình thực hiện điều tra mà không cần phải liên doanh với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác. Việc quy định như trong dự thảo sẽ làm mất đi quyền tự chủ cũng như tính độc lập của cá nhân trong điều tra cơ bản về dầu khí", đại biểu Thuý nêu ý kiến.

Đại biểu Thuý cũng cho rằng, để chính sách về dầu khí của Nhà nước thực sự thu hút các nhà đầu tư hơn nữa thì không nên hạn chế tính độc lập, tự chủ của cá nhân. Khi cá nhân có đủ điều kiện và năng lực tham gia thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, có thể tự mình độc lập thực hiện mà không cần thiết phải liên doanh với bất kỳ tổ chức nào khác.

img

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM)

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM) cho rằng, tại khoản 1, Điều 5 của dự thảo quy định Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân của Việt Nam và nước ngoài để tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đại biểu Đức nhận thấy, khoản 3, Điều 12 đã đặt ra điều kiện cho các cá nhân Việt Nam và nước ngoài tham gia, Điều 13 quy định quyền và nghĩa vụ cho tổ chức tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí nhưng không có điều luật nào về quyền và nghĩa vụ của cá nhân Việt Nam và người nước ngoài khi tham gia vào điều tra cơ bản về dầu khí.

Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị lưu ý cá nhân Việt Nam và người nước ngoài khi điều tra cơ bản về dầu khí ở những vùng địa chính trị quan trọng thì cần có điều kiện cụ thể hơn, đồng thời phải có quyền và nghĩa vụ, đặc biệt là quyền của người nước ngoài để đảm bảo mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.