Đời sống

Mỗi ngày TP.HCM phát sinh thêm 13.000 tấn rác thải

10/05/2019, 14:37

TP.HCM mong muốn có những nhà máy xử lý rác thải thông minh, vừa xử lý rác vừa tạo ra năng lượng

img
Cuộc họp về tình hình KTVH- XH và thu chi ngân sách tháng 4 và 4 tháng đầu năm diễn ra vào sáng 10/5.

Mỗi ngày TP.HCM phát sinh thêm 13.000 tấn rác thải, trong khi đó công nghệ xử lý rác thải rắn sinh hoạt chủ yếu vẫn là chôn lấp, chiếm 76%. Nếu không có giải pháp xử lý, đến năm 2020, TP.HCM sẽ không còn đất để chôn lấp... Thông tin trên do ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết tại cuộc họp về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội và thu chi ngân sách tháng 4 và 4 tháng đầu năm diễn ra sáng 10/5.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, trong tổng số 13.000 tấn rác thải mỗi ngày có 8.300 tấn rác thải sinh hoạt, 1.500 - 2.000 tấn rác công nghiệp, 1.200 - 1.600 tấn rác xây dựng, 22 tấn rác thải y tế và hơn 2.000 tấn bùn thải các loại. Đối với rác thải sinh hoạt, Sở Tài nguyên và môi trường đã triển khai nhiều mô hình phân loại, xử lý theo hướng tái chế trong khu dân cư, như: ủ phân compost từ rác thải hữu cơ (55 mô hình), ủ phân compost thành phân hữu cơ trong xây dựng nông thôn mới (10 mô hình), ủ phân compost từ rác thải hữu cơ kết hợp trồng rau trên bồn chứa rác (10 mô hình)... Ngoài ra, một số nhà máy xử lý rác thải tập trung theo hướng tái chế thành phân compost ở Củ Chi nhưng sản phẩm đầu ra có chất lượng thấp nên khó tiêu thụ. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải sinh hoạt của TP.HCM vẫn phải chôn lấp đến 76% tại 2 bãi rác Phước Hiệp (Củ Chi) và Đa Phước (Bình Chánh).

"Thành phố sẽ ưu tiên những nhà đầu tư có kinh nghiệm thực hiện đầu tư và vận hành các dự án đốt rác phát điện tương tự có công suất hơn 1.000 tấn/ngày, ưu tiên tự động hóa của dây chuyền thiết bị theo tiêu chuẩn các nước G7, có hệ thống phân loại để thu hồi tái chế trước khi đốt, thiết kế mô-đun bảo đảm khối lượng trong trường hợp khối lượng rác vượt 1.000 tấn/ngày; có phương án tiêu thụ điện năng và sản xuất điện năng”, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết thêm.

Cũng theo ông Thắng, TP.HCM cũng đang tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký cấp sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại, tăng cường công tác tuyên truyền phân loại chất thải rắn tại nguồn đến các quận huyện và trường học; tiếp tục giám sát hoạt động của các trạm quan trắc nước thải tự động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP, tăng cường kiểm tra, xử lý các đơn vị sản xuất, kinh doanh có phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường…

Cũng trong phiên họp, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Ngọc Hổ cho biết, dịch tả heo Châu phi đang diễn biến phức tạp, khả năng ảnh hưởng tới TP và giáp ranh. Hiện đã xuất hiện dịch tại hai huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch của Đồng Nai, ngày hôm qua Bình Phước cũng đã chính thức xuất hiện dịch...

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đã yêu cầu các cơ quan quyết liệt triển khai các giải pháp chống dịch tả heo Châu phi, trước tình hình dịch đã xuất hiện tại các địa bàn giáp ranh. Ông Phong nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, đồng thời phối hợp với các địa phương khác chống dịch. Với đàn heo TP phải lấy mẫu thường xuyên, quận huyện nào để tình trạng giết mổ lậu, UBND sẽ phê bình và xử lý vi phạm tùy mức độ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.