Chuyện dọc đường

Ngoảnh nhìn quanh ta

30/07/2021, 05:30

Mỗi người cố gắng một chút, hy sinh một chút, kiềm chế cái tôi một chút vì đại cuộc. Nói gì thì nói, phải sống. Còn người là còn tất cả!

Cả nước căng mình trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, dường như ngày càng gian nan hơn. Trong lúc nhiều người than vãn về sự gò bó, tranh cãi với lực lượng chức năng mỗi khi ra đường để mua cái nọ cái kia, thì biết bao người hầu như không có thời gian để lo lắng cho bản thân mình.

img

CSGT Gia Lai phát xăng cho người dân trên đường về quê Ảnh: Ngọc Oanh

Trước hết, phải nói đến những người làm việc trong ngành y. Có lẽ đã từ rất lâu rồi, họ không một phút giây ngơi nghỉ. Nếu họ không ra “tiền tuyến chống dịch” thì cũng gánh vác phần việc của đồng nghiệp mình để lại.

Giờ TP HCM đang cần, các tỉnh, thành lại sắp xếp công việc để đưa đội ngũ “thiện chiến” vào cùng gánh vác, chia sẻ với đồng nghiệp, bà con mình trong đó.

Điều đáng trân quý nhất là ai cũng xung phong đi trước, xung phong cả vợ lẫn chồng; không chỉ trong khối Nhà nước mà cả khối tư nhân, các bác sĩ hưu trí cũng tình nguyện. Họ đúng là các thiên sứ của cuộc đời.

Mấy hôm nay, có một “làn sóng” rời khỏi các tỉnh thành miền Nam về quê. Câu chuyện này nhiều tỉnh, thành đã nghĩ đến từ đầu tháng 7 khi tình hình dịch ở TP HCM “căng” lên.

Đưa người lao động về quê là để giúp “điểm nóng” bớt áp lực và cũng để người lao động có chỗ bấu víu, tránh dịch bệnh khi không còn cơ hội có việc làm ở thành phố…

TP Đà Nẵng đã có chính sách đưa bà con về bằng máy bay, hỗ trợ tiền xét nghiệm, lộ phí, tiền ăn khi cách ly. Nhiều tỉnh khác như Quảng Nam, Hà Tĩnh… cũng đã tổ chức rất tốt.

Tuy nhiên, người muốn về quê càng ngày càng đông, các tỉnh lo không xuể, rất nhiều người về quê bằng xe máy, tự phát. Họ đi hàng nghìn cây số từ TP HCM, Bình Dương ra tận Nghệ An hay về Tây Nguyên. Dọc đường, cảnh tượng khiến ai nấy vô cùng thương cảm.

Đành rằng về tự phát là nguy hiểm nhưng dù sao thì họ cũng đã về. Có điều chỉnh chính sách gì thì tính sau, còn cảnh trước mắt, thấy là giúp.

Trong tình huống đó, buộc các lực lượng làm nhiệm vụ của các tỉnh, thành phải tự ứng phó.

CSGT Gia Lai đã phát xăng, thức ăn, nước uống cho hàng trăm người trên hành trình hồi hương.

CSGT Đà Nẵng trực suốt ngày đêm trên đỉnh Hải Vân, giúp đỡ bà con từng li từng tí. Các anh còn đã làm việc với Ban quản lý Hầm đường bộ Hải Vân tổ chức “mở hầm”, trung chuyển xe máy và người qua để bà con đỡ vất vả hơn.

Sinh viên Trường Đại học Đông Á Đà Nẵng thì thành thợ… sửa xe trong đêm.

img

Sinh viên Đại học Đông Á Đà Nẵng giúp bà con sửa xe. Ảnh: ĐHĐA

Hàng trăm người đi xe máy qua địa bàn Hòa Khương, Hòa Vang, Đà Nẵng vào lúc 3h sáng đã được 6 sinh viên cùng các CSGT hỗ trợ. Xe nào hư hỏng, trục trặc thì sửa.

Các em cùng nhau tự quyên tiền, mua, xin lốp và săm xe còn dùng được vá lại chắc chắn để thay cho bà con. Lãnh đạo nhà trường thì tặng bà con mỗi người 2 bịch sữa và một chai nước uống.

Trên đường thiên lý Nam - Bắc, trên các ngả đường lên Tây Nguyên… có biết bao nhiêu hình ảnh cảm động như thế đó.

Ở Đồng Hới (Quảng Bình) có anh Đặng Minh Trí, tháng trước tình nguyện mang xe cứu thương ra Bắc Giang tham gia chống dịch. Vừa về thì lại đi TP HCM.

Hỏi Trí lạ nước lạ cái lại không phải là người trong ngành vào thì phải làm sao, Trí nói đã liên hệ rồi, vào tùy thuộc HCDC điều động. Trong đó thiếu xe cấp cứu lắm. Đấy, một người đang độ tuổi còn phải lo toan cho cuộc sống, nhu cầu cá nhân nhưng đã gác lại tất cả, vì nghĩa đồng bào…

Chúng ta bình tĩnh ngoảnh nhìn, xung quanh chúng ta là những người như thế đó. Vậy thì mỗi người cố gắng một chút, hy sinh một chút, kiềm chế cái tôi một chút vì đại cuộc. Nói gì thì nói, phải sống. Còn người là còn tất cả!

Nguyễn Thế Thịnh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.