Mỗi phụ nữ là một tuyên truyền viên an toàn giao thông

24/07/2017, 18:33
image

Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ cùng Hội liên Hiệp Phụ nữ VN thực hiện chương trình tuyên truyền ATGT hiệu quả.

DSC_4645

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ký kết Chương trình phối hợp “Phụ nữ tham gia đảm bảo an toàn giao thông vì hạnh phúc của mỗi gia đình” 

Chiều nay (24/7), Ủy ban ATGT Quốc gia và Hội liên Hiệp Phụ nữ VN ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền vận động “Phụ nữ tham gia đảm bảo trật tự ATGT vì hạnh phúc của mỗi gia đình” giai đoạn 2017–2022. 

Phát biểu tại lễ ký, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban ATGT quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, từ năm 2014 đến nay, số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) luôn được kéo giảm và kìm chế dưới 9.000 người. 6 tháng đầu năm 2017, tình hình trật tự, an toàn giao thông tiếp tục có nhiều chuyển biến. 3 tiêu chí về TNGT đều giảm so với cùng kỳ, cụ thể, giảm 6,22% về số vụ, giảm 5,25% số người chết và giảm 11,23% số người bị thương. Tuy nhiên, TNGT vẫn diễn biến phức tạp, còn để xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người, gây thiệt hại lớn về tài sản, gây bức xúc trong dư luận xã hội. 

Cũng theo Bộ trưởng, TNGT xảy ra trước hết gây tổn thất và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, kinh tế cho người tham gia giao thông, ảnh hưởng đến hạnh phúc của từng gia đình và toàn xã hội, trong đó phụ nữ và trẻ em là đối tượng luôn phải gánh chịu những tổn thất nặng nề nhất, ngay cả khi họ không phải là người bị tai nạn.

"Nữ giới chiếm trên 50% dân số cả nước, tuy nhiên tỉ lệ phụ nữ vi phạm về TTATGT là rất thấp, khoảng 15%, điều đó cho thấy ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của chị em phụ nữ là rất cao. Rất hiếm khi chúng ta thấy phụ nữ lái xe lạng lách, chen lấn, giành đường mà thường là những hình ảnh chị em đoan trang, thuỳ mị tham gia giao thông một cách có văn hoá, chủ động nhường đường cho người khác, tuân thủ tuyệt đối hiệu lệnh điều khiển giao thông. Trong gia đình, đa số phụ nữ là người đưa đón các con đi học, đi chơi..., phụ nữ cũng thường là người mua mũ bảo hiểm cho cả gia đình, thậm chí sẵn sàng đưa bạn trai, chồng mình về nhà khi họ đã uống rượu. Có thể khẳng định rằng phụ nữ đã, đang và luôn là những người bảo vệ sự an toàn trong giao thông ở Việt Nam", Bộ trưởng nói.

Để chương trình phối hợp đạt hiệu quả cao, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề nghị các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia thực hiện tốt nhất những nội dung ký kết, phối hợp, tạo điều kiện cần thiết để Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện công tác chỉ đạo tổ chức tuyên truyền thực hiện chương trình phối hợp này.

Đồng thời, Ủy ban ATGT Quốc gia chỉ đạo, hướng dẫn Ban an toàn giao thông các tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai có hiệu quả chương trình phối hợp với Hội Phụ nữ Việt Nam các cấp tại tất cả các địa phương.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ VN cho biết, nếu mỗi người phụ nữ thực hiện tốt pháp luật về giao thông, trở thành tuyên truyền viên, giám sát viên để các thành viên trong gia đình cùng thực hiện tốt thì sẽ giảm thiểu được nhiều vụ TNGT. Trong xã hội hiện đại, mỗi người phụ nữ cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình trong gia đình", bà Hà nói.

Được biết, Chương trình phối hợp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật an toàn giao thông; xây dựng “Văn hóa giao thông” trong cán bộ, hội viên, phụ nữ; tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ và các thành viên trong gia đình thực hiện các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông; giảm số vụ TNGT tại các địa phương; phát huy nguồn lực của hai ngành để vận động và hỗ trợ hội viên, phụ nữ tích cực tham gia đảm bảo an toàn giao thông vì hạnh phúc của mỗi gia đình.

Trong 5 năm tới, hai bên sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho hội viên; Nghiên cứu xây dựng tài liệu tập huấn cho cán bộ Hội tuyên truyền về an toàn giao thông và áp dụng công cụ giám sát giới về an toàn giao thông. Tiếp tục nâng cao chất lượng và nhân rộng mô hình Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em”; “Gia đình hội viên phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật”; “Phụ nữ không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè buôn bán, họp chợ, phơi nông sản gây tai nạn và ách tắc giao thông”. Xây dựng mô hình “Giáo dục hành động đảm bảo an toàn giao thông” điểm tại 15 tỉnh, thành đại diện các vùng miền có tỷ lệ tai nạn giao thông cao...

Đồng thời, tuyên truyền, vận động phụ nữ và gia đình tham gia xây dựng các công trình giao thông nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh… 

Tổng kết chương trình trước đó đã ký kết, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Gia Đình Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ VN cũng cho biết, sau 4 năm thực hiện triển khai chương trình ký kết phối hợp (từ 2013 đến nay) tại 63 tỉnh thành Hội đã xây dựng và ký kết Chương trình phối hợp với Ban ATGT các tỉnh. Các tỉnh thành, cơ sở đã tổ chức các khóa, lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu, nâng số lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên nòng cốt được đào tạo của các cấp Hội viên lên hơn 5.000 người.

Từ năm 2013 đến hết 2016, Trung ương Hội đã chỉ đạo xây dựng 15 mô hình đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông tại các tỉnh thành thu hút trên 900 phụ nữ nòng cốt cam kết thực hiện, phát huy vai trò tích cực vận động chồng con, người thân trong gia đình và cộng đồng nghiêm túc chấp hành các quy định về ATGT, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của người cha, người mẹ trong việc nghiêm túc thực hiện việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.