Chính trị

Mọi quyền lực phải ràng buộc bằng trách nhiệm

09/12/2022, 07:02

Để nhân dân kiểm soát tốt hơn quyền lực của Nhà nước, cần đổi mới việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng đường lối, chủ trương,

Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa tổ chức hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 khóa XIII, trong đó có Nghị quyết 27 về Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết, một trong những điểm mới của Nghị quyết là hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

img

TS. Lưu Bình Nhưỡng

Kiểm soát quyền lực để loại bỏ những nguy cơ

Đây là lần đầu tiên Trung ương đề ra giải pháp kiểm soát quyền lực Nhà nước, yêu cầu thực hiện nghiêm nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, ràng buộc bằng trách nhiệm. Vậy theo ông, chúng ta cần kiểm soát bằng cách nào, cần quy định cụ thể ra sao?

Kiểm soát quyền lực là nhằm loại bỏ những nguy cơ, những hành vi, những việc làm sai trái của các chủ thể, bảo đảm quyền lực được sử dụng và thực hiện đúng theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Để kiểm soát quyền lực, cần xác định rõ hơn vai trò, quyền hạn của mỗi cơ quan và mối quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp. Vấn đề này được quy định tại Điều 2 của Hiến pháp năm 2013, trở thành nguyên tắc hiến định trong tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Cấp có thẩm quyền phải phân công rành mạch và tăng cường kiểm soát quyền lực trong nội bộ mỗi cơ quan. Nguyên tắc tập trung - dân chủ cũng phải thực hiện đầy đủ, đi cùng với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm pháp lý, đạo đức nếu có vi phạm.

Đồng thời, cơ chế để nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực Nhà nước cần được hoàn thiện, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, tố giác tội phạm... theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Nghị quyết nêu rõ: Quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn. Lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị xử lý và truy cứu trách nhiệm. Vậy việc truy cứu nên như thế nào, gắn trách nhiệm ra sao, thưa ông?

Những năm qua, công tác điều tra, truy tố, xét xử được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, của Tổng Bí thư là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tạo bước đột phá trong phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, cần hạn chế vụ việc cán bộ tham nhũng bị phát hiện quá muộn, gây thiệt hại lớn. Để làm được điều này, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải triệt để, sâu sát hơn; giám sát, kiểm tra thường xuyên hơn và đặc biệt phải khơi thông, phát huy giám sát từ nhân dân.

Việc truy cứu trách nhiệm cá nhân, tổ chức sai phạm phải căn cứ vào tính chất và mức độ, tức là dựa vào hiện trạng, tình trạng vi phạm và ảnh hưởng về kinh tế, xã hội của vi phạm để áp dụng các trách nhiệm và chế tài pháp lý.

Chế tài pháp lý có chế tài hình sự, dân sự, kỷ luật công chức - viên chức; chế tài chính trị như kỷ luật đảng viên, đoàn viên; chế tài xã hội như lên án về đạo đức, xem xét về hạnh kiểm con người… Áp dụng chế tài như thế nào phải cân nhắc để bảo đảm không thiên vị, không bao che, không dung túng, không tham nhũng và không tạo sự bất công ngay trong quá trình xử lý, vì như vậy là để sai phạm chồng sai phạm.

Bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung

Theo ông, việc phân công rành mạch và tăng cường kiểm soát quyền lực trong mỗi cơ quan cần được tiến hành thế nào? Nguyên tắc tập trung - dân chủ, đi cùng với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch như ông nói ở trên, phải được thực hiện ra sao?

Thực tế, theo nhận định của các cơ quan có thẩm quyền, kể cả Ủy ban Kiểm tra Trung ương thời gian qua thì tình trạng vi phạm nguyên tắc tập trung - dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách khá phổ biến.

Trao cho cán bộ quyền lực thì cần phải gắn với trách nhiệm, hay nói cách khác là phải “nhốt quyền lực” vào trong “lồng cơ chế”. “Lồng cơ chế” quan trọng nhất chính là kỷ luật của Đảng, hệ thống pháp luật của Nhà nước. Đó là quốc pháp. Trong Đảng, thì Cương lĩnh, đường lối, điều lệ Đảng; quốc gia thì phải có quốc pháp. Với các quy định cụ thể đó, việc giám sát được tăng cường thì không ai, không sai phạm nào có thể lọt được cả.

TS. Lưu Bình Nhưỡng


Biểu hiện cụ thể là người lãnh đạo, chỉ huy lợi dụng, lạm dụng để tập trung quyền lực và lợi ích vào mình và trở nên độc đoán, gia trưởng, nội bộ mất đoàn kết, chia bè, kết phái hạ bệ nhau.

Tổ chức, cơ quan, đơn vị không khác gì bình phong cho chủ nghĩa cá nhân tự tung tự tác làm phát tác hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

Để khắc phục hiện tượng này, tôi cho rằng, cần phải tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng, ý thức tuân thủ Hiến pháp và pháp luật và sức chiến đấu của mỗi đảng viên.

Cần phải xóa bỏ triệt để nạn “đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức”, “bằng mặt mà không bằng lòng”.

Muốn làm được điều này, cần nghiên cứu thực hiện Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung và thể chế, hoàn thiện cơ chế bảo vệ người có chính kiến đúng, mang tính xây dựng để tránh trù dập cán bộ tốt.

Để nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực Nhà nước, theo ông cần có cơ chế như thế nào? Các quy định hiện nay đã đầy đủ chưa, cần bổ sung thêm những gì?

Hiến pháp và nhiều văn bản quy phạm pháp luật, như Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng… đều có quy định cụ thể về điều kiện, hình thức, phương thức để nhân dân tham gia vào các hoạt động quản lý Nhà nước và xã hội.

Thực tế cho thấy, không ít vụ, việc tiêu cực, tham nhũng được nhân dân phát hiện, sau đó các cơ quan của Đảng, Nhà nước vào cuộc xử lý.

Để nhân dân kiểm soát tốt hơn quyền lực của Nhà nước, cần đổi mới việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng đường lối, chủ trương, nghị quyết. Tiếp đến là phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong kiểm soát, giám sát hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, tránh hình thức trong việc làm và báo cáo.

Phải chống được tham nhũng chính sách

img

Các đại biểu tham dự hội nghị toàn quốc quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 diễn ra sáng 5/12

Đối với lĩnh vực phòng, chống tham nhũng trong thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xây dựng pháp luật, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công… theo ông quy định kiểm soát quyền lực nên như thế nào, cụ thể đến mức nào để phòng ngừa triệt để?

Chống tham nhũng ngay chính cơ quan phòng, chống tham nhũng là một trong những nội dung cần phải chú trọng. Nếu cán bộ không có phẩm chất chính trị, dao động thì rất dễ bị những cá nhân mắc khuyết điểm sai phạm mua chuộc. Phải có những cơ chế, quy định giám sát chéo giữa các cơ quan phòng, chống tham nhũng.

Riêng về xây dựng pháp luật chúng ta cần ngăn chặn hiện tượng “tham nhũng chính sách”. Đây là một loại tham nhũng tinh vi, tìm cách “cài cắm” quy định để vơ vét quyền lực, lợi ích cho Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương mình.

Để ngăn chặn “tham nhũng chính sách”, cần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, nhất là Trung ương Đảng, Quốc hội, Mặt trận nhằm kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật. Đồng thời, đề cao trách nhiệm của các cơ quan, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật.

Chúng ta đã nói rất nhiều đến việc cần có chính sách để cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng, không cần tham nhũng. Theo ông thì các quy định hiện nay đang thiếu những gì?

Đây là vấn đề mang tính lý tưởng, nhưng thực hiện rất khó khăn. Bài học rút ra từ thực tiễn cho thấy, để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng, phải triển khai đồng bộ nhiều “mặt trận” mới phát huy hiệu quả.

Trước tiên, phải thiết lập bằng được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ; xây dựng cơ chế phát hiện, xử lý kịp thời, công bằng, hiệu quả và cũng phải có cơ chế đảm bảo tiền lương, đãi ngộ hợp lý, khen thưởng công minh. Bên cạnh đó, phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo, tố giác, phanh phui tham nhũng.

Để thiết lập được những cơ chế đó thì các quy định của pháp luật phải được rà soát, tổng kết, đánh giá, sửa đổi, bổ sung để ngày càng hoàn thiện, kịp thời dự liệu, khắc phục những hạn chế, bất cập, bịt kín những khoảng trống, kẽ hở dễ làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Chính vì vậy mà việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật luôn là nội dung trọng tâm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng.

Cảm ơn ông!

Sẽ ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực

Tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 khóa XIII diễn ra sáng 5/12, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã trực tiếp truyền đạt nghị quyết 27 về Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Ông Phan Đình Trạc cho biết: «Bản chất của tham nhũng, tiêu cực là lợi dụng quyền lực, chúng ta kiểm soát quyền lực là ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực».

Theo ông Trạc, cơ quan chức năng sẽ ban hành Quy định kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng trong thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xây dựng pháp luật, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Cơ chế, chính sách được xây dựng chặt chẽ để không thể tham nhũng; các hành vi tham nhũng được phát hiện, xử lý kịp thời để không dám tham nhũng, tiêu cực; văn hóa liêm chính, tiết kiệm được hình thành để cán bộ không muốn tham nhũng.

Bên cạnh đó, cải cách hành chính, cải cách tiền lương sẽ được thực hiện, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức để họ không cần tham nhũng. Tuy nhiên, theo ông Trạc, việc này góp phần quan trọng chứ không chấm chứt được tham nhũng, vì thực tế “những người tham nhũng vừa qua là người giàu”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.