Xã hội

"Mọi thứ đều đúng, chỉ có trời mới sai vì cho mưa nhiều quá"

Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thanh Hồng khi tranh luận với Bộ trưởng Công thương và Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT về vấn đề thủy điện.

img
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng đoàn Bình Dương phát biểu

Ở đâu có nhà máy thủy điện thì ở đó có lũ ống, lũ quét

Theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 10, sáng nay (5/11), Quốc hội tiếp tục thảo luận hội trường về kinh tế - xã hội.

Tranh luận với Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường về vấn đề thủy điện, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cho rằng: “Nếu phát biểu như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thì mọi thứ đều đúng, chỉ có trời mới sai vì cho mưa nhiều quá. Bộ trưởng cũng có nói do chính quyền địa phương, do quy hoạch, khâu tổ chức thực hiện… thì e rằng chưa ổn”.

Theo ông Hồng, ở đâu có nhiều nhà máy thủy điện thì ở đó có lũ ống, lũ quét, sạt lở, ngập lụt. Ví von “tức nước vỡ bờ”, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng khẳng định: "Chúng ta làm nhiều đập thủy điện, có đập thủy điện này không vỡ, thì lại vỡ ở các chỗ khác. Bởi nước dâng cao thì phải tìm đường thoát, như vậy sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng".

Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) thì cho rằng, nói về câu chuyện thủy điện thì cần bàn câu chuyện của 40 đến 50 năm sau chứ không phải câu chuyện của hôm nay. Nếu không nhìn trước được, thì chúng ta sẽ để lại di họa cho con cháu mai sau.

“Hôm qua tôi hỏi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà, thì Bộ trưởng có nói một giải pháp hợp lý hơn, đó là ngay từ đầu khi tham gia dự án thủy điện thì chủ đầu tư đã phải đóng khoán tiền như là phí môi trường để sau này xử lý nếu có hậu quả”, ông Quốc nói.

Theo ông Quốc, "việc này phải nắm đằng chuôi". Nhà nước phải đóng vai trò quản lý chứ doanh nghiệp thì họ rất dễ thoái thác, chối bỏ trách nhiệm.

img
Đại biểu Dương Trung Quốc

Thủy điện có hai mặt tốt xấu

Còn theo đại biểu Lê Thanh Vân, nói về thủy điện và sự tàn phá của thủy điện trong đợt mưa lũ vừa rồi thì cần phải nhìn nhận khách quan. Bởi vai trò của thủy điện không chỉ đơn thuần là cung cấp điện năng, mà còn góp phần vào trị thủy.

Đại biểu Lê Thanh Vân nhắc đến vai trò trị thủy của đập thủy điện Sông Đà. Trước đây, khi chưa có đập thủy điện Sông Đà thì vùng đồng bằng sông Hồng rất hay bị ngập lụt, đặc biệt là trận lụt năm 1971, Hà Nội phải phá đê ở Chương Mỹ (Hà Tây cũ) để cứu Hà Nội. Tuy nhiên, khi đập thủy điện Sông Đà được xây dựng thì đã giải quyết được nguy cơ lũ lụt ở hạ lưu dòng sông Đà.

Theo đại biểu Vân, mặt trái của thủy điện chính là sự lạm dụng trong đặt vị trí xây dựng của các dự án. Một số nhà máy thủy điện đã không làm đúng chức năng của đập thủy điện là điều tiết mức nước, mà lại lợi dụng để phá rừng, trục lợi.

“Chúng ta không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện”, đại biểu Vân nói.

Cùng tham gia thảo luận, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hoà) cho rằng, cần ủng hộ các quy trình đã làm đúng. Còn mặt tiêu cực, hiện nay Bộ Công thương đang kiểm soát tương đối chặt chẽ. "Đề nghị Bộ trưởng Công thương lưu ý kiểm soát chặt chẽ hơn những tiêu cực", ông Thịnh nói.

Đại biểu Thịnh không đồng tình với nhận xét của đại biểu Dương Trung Quốc về việc "các dự án thuỷ điện như quả bom nổ chậm". Ông cho rằng, nếu đúng như quả bom nổ chậm thì chúng ta phải tháo ngòi nổ đó.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện cả nước có 429 thuỷ điện, chiếm 36,7% tổng công suất phát điện, là nguồn năng lượng tái tạo quan trọng, ít gây ô nhiễm, gần như không phát thải. Tuy nhiên, thuỷ điện có cả mặt tích cực và hạn chế.

Với tổng dung tích 56 tỷ m3, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa nước trên địa bàn cả nước, việc quản lý, vận hành các hồ chứa thuỷ điện có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tích nước và tuỳ công suất có thể cắt lũ và phục vụ nhu cầu khác. Mặt khác, việc xây dựng các thuỷ điện có thể tác động đến dòng chảy, kết cấu địa chất, nguồn lợi thuỷ sản và trước đây cũng có liên quan đến tình trạng mất rừng tự nhiên, ảnh hưởng đến chức năng của rừng trong phòng chống lũ bão. Tuy nhiên, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, từ năm 2016 đến nay, cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện nghiêm túc, tuyệt đối không phê duyệt các dự án thuỷ điện nhỏ nào có sử dụng đất rừng tự nhiên.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Công thương cho rằng, việc quản lý khai thác nguồn năng lượng tái tạo này như thế nào để đảm bảo giảm thiểu tác động đến môi trường và phát huy tối đa hiệu quả là điều quan trọng.

img

ĐBQH đề nghị xử lý hình sự hành vi đăng tải video phản cảm trên YouTube

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.