Kinh tế

Môi trường cạnh tranh: Nâng hạng thay vì nâng giá!

30/10/2014, 13:17

Để bù lỗ, EVN thường đổ trách nhiệm lên người tiêu dùng bằng cách tăng giá điện thay vì tăng hiệu quả hoạt động. Nếu tới đây EVN lại chọn cách này, giá bán lẻ điện bình quân có thể tăng hơn 20%.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các tiêu chí chính xếp hạng chỉ số về kết nối điện bao gồm: Số lượng thủ tục, thời gian và chi phí để kết nối điện. Theo đó, một doanh nghiệp tại Việt Nam phải mất trung bình 115 ngày để kết nối điện và mỗi gia đình Việt Nam phải mất tới 17% thu nhập bình quân để tiêu dùng cho điện.

Tính chung lại, chỉ số kết nối điện tại Việt Nam chỉ “khá khẩm” hơn Campuchia (xếp hạng thứ 139), còn lại đều cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực như: Singapore là 11, Thái Lan 12, Philippines 16, Malaysia 27...

Không phải đến năm nay, sự yếu kém trong lĩnh vực kết nối điện mới được “chỉ mặt đặt tên”. Chỉ số này cũng được công bố trong Báo cáo Môi trường kinh doanh của WB năm 2014. Mặc dù được yêu cầu là một trong ba lĩnh vực phải cải cách mạnh mẽ nhằm cải thiện xếp hạng, song sau một năm, chỉ số kết nối điện vẫn giữ nguyên “phong độ” ở vị trí gần áp chót!

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ hồi đầu tháng 10, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực (EVN) báo cáo đơn vị vẫn chồng chất khó khăn do lỗ lũy kế chưa cách nào giải quyết trong khi chi phí đầu vào tiếp tục tăng.

Để xử lý thua lỗ, lâu nay EVN thường đổ trách nhiệm lên người tiêu dùng bằng cách tăng giá điện, thay vì nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động chung của ngành bằng cách quyết liệt cải cách hành chính, đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành hay tiết giảm chi phí...

Và nếu cách thức này lại được EVN lựa chọn tới đây, giá bán lẻ điện bình quân có thể tăng tối đa hơn 20% (hiện là 1.508,85 đồng/kWh lên 1.835 đồng/kWh ) theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, tại Hội thảo Cải thiện môi trường kinh doanh và Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam tổ chức mới đây, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho biết, một tính toán của Mỹ cho thấy, chỉ cần Việt Nam rút ngắn được 15 ngày thủ tục thông quan hàng hóa xuất khẩu (hiện cần 22 ngày), GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 11 tỷ USD. Nếu Việt Nam giảm tiếp 14 ngày trong tổng thời gian đang cần để hoàn thành thủ tục nhập khẩu (hiện cần 21 ngày), sẽ tăng GDP được khoảng 15 tỷ USD. Như vậy, rút ngắn 29 ngày làm thủ tục thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp, GDP của Việt Nam đã tăng được hơn 26 tỷ USD.

So sánh với lĩnh vực điện, EVN hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục trong tiếp cận điện năng (hiện tới 115 ngày) và chỉ riêng điều đó cũng sẽ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí không chỉ cho các doanh nghiệp khách hàng mà còn cho chính bản thân ngành Điện. Điều đó sẽ góp phần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời giải pháp tăng giá bán điện để xử lý những vấn đề của ngành Điện sẽ không hẳn là sự lựa chọn duy nhất!

Xuân Thu

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.