Xã hội

Môi trường đã ô nhiễm đến ngưỡng “không thể chịu đựng thêm”

03/11/2016, 08:55

Sau một loạt sự cố vừa qua có thể nhận thấy, môi trường của ta đã đến ngưỡng không chịu đựng thêm được nữa.

7

Đại biểu Lê Thanh Vân phát biểu thảo luận tại hội trường ngày 2/11

Ngày 2/11, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT- XH năm 2016, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017.

Đề nghị khởi xướng văn hóa từ chức

Tại phiên thảo luận, ĐB Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách dành trọn 7 phút phát biểu của mình để nói về những giải pháp để xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo. 

Cho rằng phải tạo lập môi trường bình đẳng, minh bạch để thi tuyển, lựa chọn cán bộ, công chức, tìm ra người có năng lực phẩm chất thực sự; lựa chọn hiền tài phải thực tâm, chí thành, ông Vân đề xuất, Chính phủ nên sớm trình Quốc hội ban hành Luật Trọng dụng nhân tài, coi đó là “chiếu cầu hiền” của Nhà nước trong giai đoạn mới. Các nhà lãnh đạo, quản lý phải thực đức, thực tài. Cùng với đó là ban hành bộ tiêu chí đánh giá cán bộ theo từng hành vi thực thi công vụ; có cơ chế khảo khóa, sát hạch định kỳ hàng năm để sàng lọc cán bộ, công chức.

Theo ông Vân, phải khởi xướng văn hóa từ chức để những ai thấy mình không xứng đáng thì tự nguyện nhường chỗ cho người tài đức hơn. Ngoài ra, ông cũng đề nghị xây dựng cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát cán bộ, công chức; bảo đảm môi trường liêm chính để những người cơ hội, không đủ trình độ năng lực không thể, không muốn và không dám chạy chức, chạy quyền; không thể, không muốn và không dám tham nhũng.

Phát triển kinh tế phải song hành bảo vệ môi trường

ĐB Trần Công Thuật, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, trong thời gian qua, không cuộc tiếp xúc cử tri nào mà cử tri lại không phản ánh đến tình trạng ô nhiễm môi trường và vấn đề bức xúc được dư luận quan tâm là sự cố môi trường biển. Nhấn mạnh hành động xả thải của Formosa là hành vi hủy hoại môi trường, gây ảnh hưởng toàn diện, phạm vi rộng và toàn diện đến sự sống của biển miền Trung, ĐB tỏ ra băn khoăn khi đến nay chưa ai đứng ra nhận trách nhiệm về việc xả thải trái phép của Formosa.

Không trực tiếp trả lời những câu hỏi mà vị ĐB tỉnh Quảng Bình đặt ra, nhưng giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã đề cập đến một số nội dung về công tác quản lý, bảo vệ môi trường sau khi xảy ra một loạt sự cố môi trường. Theo Bộ trưởng, để giải quyết căn cơ chuyện môi trường phải là tái cơ cấu kinh tế, hạn chế việc phát triển kinh tế thâm dụng vào môi trường, can thiệp vào tự nhiên.

“Sau một loạt sự cố vừa qua có thể nhận thấy, môi trường của ta đã đến ngưỡng không thể chịu đựng thêm được nữa. Cần xác lập vị thế mới của môi trường, chuyển từ việc môi trường đi sau phát triển kinh tế sang định hướng môi trường phải đi trước và đi ngay trong quá trình phát triển kinh tế. Vấn đề môi trường cần đưa vào ngay trong mỗi dự án đầu tư, trong quá trình triển khai thực hiện”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói và cho biết thêm, sau sự cố biển miền Trung, Bộ TN&MT đã rà soát, kiểm tra, thanh tra được 137 cơ sở, từ hạ tầng khu/cụm công nghiệp cho đến những ngành sản xuất xả thải nhiều như khai thác khoáng sản, hoá chất, giấy, dệt nhuộm…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.