Bạn cần biết

Mong manh cơ hội sống nhờ hiến tạng

08/07/2015, 13:14

Rào cản từ gia đình, xã hội nên chưa có nhiều người vượt qua... để tình nguyện hiến tạng sau khi chết não.

51
Các bệnh nhân chạy thận lay lắt chờ được ghép thận

Trong khi hàng nghìn người bệnh đang mỏi mòn chờ nguồn tạng hiến tặng như cơ hội sống duy nhất, thì với nhiều rào cản từ gia đình, xã hội nên chưa có nhiều người vượt qua tâm lý sợ hãi để tình nguyện hiến tạng sau khi chết não.

Kỳ 1: Mỏi mòn chờ tạng hiến

Nhìn hai đứa con thơ còn lẫm chẫm, anh T. ngày đêm nguyện cầu có người hiến thận để có cơ hội sống, chăm sóc và nuôi dưỡng con nên người.

Khát khao chờ đợi

Tại Khoa Thận - lọc máu, Bệnh viện Việt Đức, cứ định kỳ 3 lần/tuần, anh Trần Văn T. (41 tuổi, quê Phú Thọ) lại có mặt để chạy thận. Anh T. bị suy thận giai đoạn IV từ 5 năm nay. Ghép thận là con đường sống duy nhất của anh, nên từ 5 năm qua, anh T. đã nộp hồ sơ đăng ký ghép thận. “Tôi lập gia đình muộn, biết tin có con sinh đôi, chưa kịp mừng thì nhận hung tin bị suy thận nặng. Từ khi hai con ra đời đến nay, tôi chưa làm gì được cho nó. Nhìn hai đứa con còn nhỏ mà mình càng khao khát được sống, được khỏe”, anh T. ngậm ngùi.

"Mỗi người chết não hiến tạng sẽ cứu được hai người suy thận, hai người suy gan, một người suy tim và có thể là hai người suy phổi, hai người mù”.

GS.TS.BS Trịnh Hồng Sơn
Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép tạng

Chị Hoàng Thị H. (28 tuổi, ở Hà Nội) cũng phát hiện bệnh sau khi lập gia đình chưa tròn năm. Khi có những biểu hiện như: mệt mỏi, hoa mắt, buồn nôn… cứ nghĩ có thai, chị đến viện khám. Sét đánh ngang tai khi chị nhận xét nghiệm máu với kết quả bị suy thận giai đoạn IV. Bệnh tật vốn dĩ khiến chị mệt mỏi, nhưng áp lực từ gia đình chồng cho rằng chị giấu bệnh cố làm đám cưới khiến chị càng đau đớn hơn. “May thay, chồng mình vẫn thương và sát cánh cùng mình. Mình chỉ ước tìm được quả thận phù hợp, sinh cho anh ấy một đứa con”, chị H. nghẹn lời.

Theo bác sỹ Nguyễn Mạnh Tưởng, Khoa Thận - lọc máu, Bệnh viện Việt Đức, chỉ tính riêng tại khoa ở thời điểm này có 150/200 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối có chỉ định phải ghép thận. Nếu được ghép thận, người bệnh được kéo dài thời gian sống, chi phí thuốc men rẻ hơn nhiều lần so với chạy thận và hơn cả là sau ghép thận họ trở về cuộc sống bình thường.

“Đối với bệnh nhân suy thận thì có thể họ vẫn duy trì cuộc sống nhờ chạy thận, nhưng với những bệnh nhân suy tim, suy gan thì việc tìm được nguồn ghép tạng để duy trì sự sống chỉ còn tính bằng ngày, bằng giờ”, bác sỹ Tưởng cho biết thêm.

Một người chết não cứu được 8 người khác

Theo bác sỹ Tưởng, điều khiến các bác sỹ luôn day dứt, cảm thấy “lực bất tòng tâm” là dù mọi điều kiện để cứu chữa bệnh nhân đều đã sẵn sàng từ nhân lực, vật lực đến kỹ thuật tiên tiến, nhưng bác sỹ vẫn phải “bó tay” nhìn người bệnh “xin về chờ chết” chỉ vì thiếu nguồn tạng.

Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép tạng, GS.TS. BS Trịnh Hồng Sơn cho biết, ở Việt Nam, tỷ lệ người hiến tạng rất thấp khiến nguồn tạng cực khan hiếm. Nguyên nhân của thực trạng này chủ yếu là do nhận thức của người dân. Ngoài việc chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc hiến tạng thì còn do yếu tố văn hóa tâm linh Á Đông ảnh hưởng rất nặng nề đến người dân.

“Có những bệnh nhân chết não, chúng tôi đã thuyết phục được gia đình hiến tạng rồi, các ê kíp mổ ghép tạng cũng đã sẵn sàng, chỉ chờ một người chú bệnh nhân ở miền Nam bay ra. Thế nhưng người chú này kiên quyết không cho, nói là để cháu nó toàn thây cho về quê, bất chấp sự khuyên nhủ, thậm chí van xin của cả gia đình bệnh nhân và các bác sỹ”, bác sỹ Sơn kể lại.

Theo bác sỹ Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép tạng, tại Bệnh viện Việt Đức, mỗi ngày có khoảng 3-5 người chết não do TNGT và tai biến mạch máu não, chưa kể ở nhiều bệnh viện khác trên toàn quốc. Nếu được sự đồng thuận từ phía gia đình thì số người chết não mỗi ngày có thể mang đến sự sống cho hàng trăm bệnh nhân cần ghép tạng.

Thế nhưng, theo thống kê của Trung tâm, trong số 1.011 ca ghép thận đã thực hiện thì có đến 957 ca ghép từ nguồn hiến tặng khi còn sống, chỉ có 54 ca ghép từ nguồn người hiến tặng sau khi chết não. “Trong khi ở các nước phát triển, có tới 90% nguồn cung cấp mô, tạng là từ các bệnh nhân chết não, thì tại Việt Nam nguồn mô, tạng chủ yếu vẫn từ người cho sống cùng huyết thống”, bác sỹ Nguyễn Hoàng Phúc day dứt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.