Bạn cần biết

Mong manh cơ hội sống nhờ hiến tạng: Sẻ chia sự sống mấy người?

09/07/2015, 13:59

Quả thận của chị Th. đã cứu sống sinh mạng của một người bệnh mà chị chưa từng một lần gặp mặt.

51
Phẫu thuật thay thận từ nguồn hiến tặng tại Bệnh viện Việt Đức

Đã gần hai tháng kể từ thời điểm chị Th. thực hiện phẫu thuật hiến thận, quả thận của chị đã cứu sống sinh mạng của một người bệnh mà chị chưa từng một lần gặp mặt. Trước đó, chị Th. cũng đã đăng ký hiến giác mạc sau khi qua đời.

Giấu chồng đi hiến thận

Chị Nguyễn Thị Th. 54 tuổi, trú ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh tiếp cận các tài liệu về hiến tạng tại một hội nghị do Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức. Được tuyên truyền “khi sống cũng có thể hiến tạng để cứu người”, chị thầm nhủ “lúc sống làm được gì có ích thì nên làm”. Nghĩ là làm, chị mò mẫm lên tận Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép tạng để đăng ký tình nguyện hiến thận.

Cả nước hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép, riêng chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan và khoảng 300 nghìn người mù do các bệnh lý giác mạc trong đó có trên 6 nghìn người đang chờ được ghép giác mạc, hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi... 
Tính đến ngày 30/6/2014, số lượng các ca ghép mô, tạng ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các con số khiêm tốn: Khoảng 1.011 ca ghép thận, 37 ca ghép gan, 11 ca ghép tim, 1 ca ghép thận - tụy, 1.401 ghép giác mạc riêng Bệnh viện Mắt T.Ư...

Đăng ký chưa bao lâu, chị nhận được điện có bệnh nhân cần ghép thận có các thông số phù hợp với chị. thu xếp việc gia đình và giấu chồng con với lý do “đi học trồng cây phật thủ ở Hà Tây”, chị một mình khăn gói lên viện sẵn sàng cho cuộc phẫu thuật. Thế nhưng, các bác sỹ yêu cầu phải có người nhà đi cùng mới được thực hiện phẫu thuật, chị mới gọi cho cô con gái tới, yêu cầu “không được nói cho ai khác”. Ca phẫu thuật thành công, chị mới biết bệnh nhân mà chị cho thận cũng là một người phụ nữ. “Gia đình bệnh nhân cảm ơn, ngỏ ý bồi dưỡng, nhưng tôi nhất quyết không nhận. Tôi không vì tiền mà hy sinh thân thể mình, tôi làm việc này trên tinh thần thiện nguyện”, chị Th. tâm sự.

Chị trở về nhà, chia sẻ cho chồng “bí mật thiện nguyện” của mình. Chồng chị giật mình, nhưng trước sự đã rồi và được chị tuyên truyền, anh chỉ hỏi: “Lỡ khi chỉ còn một quả thận mà em lại gặp rủi ro thì sao?”. Chị hồn hậu trả lời: “Bác sỹ cũng đã tư vấn, hỏi han em kỹ trước khi cho thận. Nhưng em nghĩ, mình làm việc thiện, ắt điều thiện cũng sẽ đến với mình”.

Trước sự tâm huyết của chị, chồng chị cũng sẵn sàng ủng hộ. Học theo tấm gương của mẹ, cô con gái thứ hai của chị cũng tình nguyện nộp đơn hiến một phần gan cứu người nếu có cơ hội.

Cắt đứt liên lạc, không mong hàm ơn

Cách đây 10 tháng, ông Hà Cao S. (60 tuổi, Cam Đường, Lào Cai) chính thức thoát khỏi sự lệ thuộc vào những chiếc máy chạy thận sau 8 năm chờ đợi, lăn lộn hết bệnh viện này sang bệnh viện khác nhờ được ghép thận từ một người không quen biết. Ông S. cho biết, khi nhận được tin có nguồn thận phù hợp, ông cũng chưa dám mừng vì đã có tới bốn lần ông ghép hụt, khi thì do vướng chữ ký của người thân người cho thận, lúc lại phải người cho bị viêm gan B, có lúc lại do ông không kịp thời gian để bắt xe từ Lào Cai về Hà Nội.

Sau cuộc phẫu thuật lần này, ông mới dám tin “điều may mắn đã thực sự mỉm cười với mình”. Và lúc này, ông cũng mới biết người tình nguyện cứu sống mình chính là một nhà tu hành. Sau vài lần lặn lội tìm đến người đã cứu sống mình để cảm ơn, sư thầy đã cắt hẳn liên lạc với ông. “Sư thầy bảo rằng cứu giúp được bệnh nhân đau khổ thầy không tiếc điều gì, không mong nhận được sự hàm ơn”, ông S. cảm động.

Được biết, trước đó, sư thầy cũng đã có 5 lá đơn gửi đến Trung tâm Điều phối Quốc gia hiến ghép mô tạng và bộ phận cơ thể người bao gồm hiến gan, thận, giác mạc, xác và hiến da với “ý nguyện đến lúc chết, thầy có thể hiến tất cả thân xác cho việc làm có ích, mang lại niềm hạnh phúc cho người khác”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.