Chuyện dọc đường

Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng

14/03/2017, 07:26

Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng. Điều này cũng tương tự như câu chuyện liên ngành phối hợp kiểm soát tải trọng...

2

Bãi ông Mỹ (đối diện cổng D Tân Cảng - Cát Lái), quận 2, TP HCM thường xuyên diễn ra tình trạng sang hàng, dồn tải (Chụp tháng 12/2016) - Ảnh: Mai Huyên

Việc xe quá tải đang có nguy cơ bùng phát trở lại sau khi Kế hoạch phối hợp liên ngành 12593 giữa Bộ Công an và Bộ GTVT kết thúc, lực lượng CSGT rút khỏi các trạm cân đang khiến nhiều người nghĩ đến viễn cảnh tái diễn trạm cân bị “trùm mền”, thậm chí xoá sổ như đã từng diễn ra nhiều năm trước tại các trạm thí điểm Dầu Giây và Quảng Ninh.

Do triển khai không đồng bộ, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, nhất là ngành GTVT và lực lượng công an, cùng với những bất cập về công nghệ nên hai trạm cân thí điểm sớm “chết yểu” với không ít tai tiếng về tính minh bạch và công nghệ yếu kém. Hệ quả là nhiều năm sau đó, xe quá tải mặc sức tung hoành, phá hoại hạ tầng giao thông, làm méo mó thị trường vận tải.

Phải đến năm 2014, chiến dịch loại bỏ xe quá tải mới được phát động mạnh mẽ với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là có sự hiệp đồng phối hợp chặt chẽ của liên ngành Công an - Giao thông. Khi đấy, cũng không ít ý kiến nghi ngại về hiệu quả của kế hoạch này, nhất là việc có làm đến nơi, đến chốn hay chỉ làm theo kiểu phong trào hoặc “đánh trống bỏ dùi”.

Tuy nhiên, vượt lên tất cả, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ, quyết liệt, liên tục và đồng bộ của liên ngành Công an - Giao thông, tình trạng chở quá tải đã giảm trên 90%, góp phần giảm thiểu TNGT, cơ cấu lại thị phần vận tải, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, đặc biệt là bảo vệ được hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Nhưng đáng buồn, khi kế hoạch phối hợp vừa kết thúc, tình trạng buông lỏng kiểm soát tải trọng xe lập tức xuất hiện. Nguy cơ xe quá tải bùng phát hiển hiện. Nhiều nhà xe đã lợi dụng cảnh “cha chung không ai khóc” lập tức nghênh ngang chở “có ngọn” trên đường.

Nếu tình trạng xe quá tải không sớm được ngăn chặn kịp thời, nhà xe có thể được lợi 1 đồng nhờ chở quá tải thì Nhà nước sẽ phải bỏ ra nhiều tỷ đồng để tu sửa, làm lại đường và các công trình cầu cống. Khi đó, không ngân sách nào có thể chịu nổi những chi phí này.

Khảo sát của PV Báo Giáo thông tại các cảng biển cho thấy, vì thiếu sự phối hợp của liên ngành, công tác kiểm soát xe quá tải ở đây chủ yếu do các cảng vụ phối hợp với thanh tra giao thông đảm trách. Tuy nhiên, do thiếu thiết bị, nhất là chưa được trang bị cân nên cảng vụ chỉ dựa vào việc trích xuất ngẫu nhiên từ hóa đơn, chứng từ của các cảng và doanh nghiệp. Điều này khó có thể mang lại hiệu quả và việc bỏ lọt xe quá tải rất dễ xảy ra.

Còn trên các tuyến quốc lộ do không có sự phối hợp liên ngành nên khá nhiều địa phương đã tạm dừng hoạt động trạm cân xe, bởi thế nguy cơ xe quá tải bùng phát trở lại đang dần hiện hữu.

Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng. Điều này cũng tương tự như câu chuyện liên ngành phối hợp kiểm soát tải trọng xe, thiếu bên nào cũng khó thành công. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.