Thời sự

"Một Chính phủ hành động, nói ít làm nhiều!"

01/08/2016, 07:03

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân: Điểm nổi bật nhất của Chính phủ khóa mới chính là một Chính phủ hành động, nói ít làm nhiều.

chinh phu moi

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân: Điểm nổi bật nhất của Chính phủ khóa mới chính là một Chính phủ hành động, nói ít làm nhiều

 Báo Giao thông có cuộc trao đổi với PGS. TS. Trần Hoàng Ngân (ĐBQH đoàn TP.HCM) về những thách thức đặt ra cho nhiệm kỳ Chính phủ khóa mới (đã được Quốc hội bầu và phê chuẩn trong tuần qua), một nhiệm kỳ được dự báo có rất nhiều khó khăn.

Hạ tầng giao thông tạo sự bứt phá

Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ đã điều hành KT-XH trong bối cảnh có nhiều khó khăn, song vẫn đạt được những kết quả nhất định. Theo ông, đâu là những điểm nhấn đáng chú ý?

Kết quả nổi bật nhất là Chính phủ đã ổn định được kinh tế vĩ mô, kéo giảm lạm phát, cân bằng, cải thiện được cán cân thanh toán vãng lai, giữ được ổn định tỷ giá, sức mua tiền tệ... Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu đã đạt kết quả nhất định như tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hay tái cơ cấu các ngân hàng… Đó là những kết quả đem lại bước tạo đà cho sự phát triển bền vững những năm tới. Đặc biệt, hạ tầng giao thông cũng là một điểm nhấn trong những thành tựu chung của sự phát triển KT-XH nhiệm kỳ qua.

Nhiều chuyên gia, ĐBQH cũng đánh giá hạ tầng giao thông đã có sự bứt phá ngoạn mục và là điểm nhấn trong nhiệm kỳ qua. Thời gian tới, ngân sách được dự báo sẽ khó khăn. Vậy đâu là giải pháp để giải quyết vấn đề này, thưa ông?

Nhiệm kỳ vừa qua đánh dấu sự bứt phá về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông trên cả nước. Đặc biệt, trong điều kiện nguồn vốn có giới hạn, chúng ta vẫn xây dựng, mở rộng được rất nhiều tuyến đường trọng điểm và phát huy hiệu quả trên thực tế, mở rộng được nhiều hình thức như: BOT, BT nên đã tạo lập được một cơ sở hạ tầng tốt hơn. Sắp tới, chúng ta cần lưu ý kiểm tra, giám sát để phí giao thông phù hợp với thực tế dự án, phù hợp với đời sống, sinh hoạt kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Việc kêu gọi các nguồn vốn đầu tư để phát triển hạ tầng rất quan trọng. Chúng ta phải làm sao cho cả xã hội thấy hết hiệu quả của các dự án đã được đưa vào sử dụng.

5

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân nói về những thách thức đặt ra cho nhiệm kỳ Chính phủ khóa mới...

Nhiều thách thức nhưng không ít cơ hội

Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 5,52% khiến nhiều người lo ngại chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% mà Quốc hội đề ra không đạt được. Theo ông, đâu là lời giải cho bài toán này?

Sau 6 tháng đầu năm, GDP chỉ tăng trưởng 5,52% và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (6,3%). Điều này xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

"Chính phủ cũng phải minh bạch hơn khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài dự án Formosa, Đài Loan (Trung Quốc) cũng có nhiều dự án đầu tư khác rót vốn vào Việt Nam nên cần phải có cơ chế rõ ràng và minh bạch, có cơ sở pháp lý rõ ràng để không ảnh hưởng đến thu hút đầu tư FDI".

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân
(ĐBQH Đoàn TP.HCM)

Với một nền kinh tế có độ mở lớn như nền kinh tế Việt Nam, những bất ổn từ kinh tế thế giới sẽ tác động ngay đến chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn có niềm tin vào việc phấn đấu trong 6 tháng cuối năm để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng như Quốc hội đề ra. Đó là, ngoài việc kế thừa những kết quả của nhiệm kỳ vừa qua, cần tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, đi vào chiều sâu để tăng năng suất lao động; tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của Nhà nước, góp phần tăng nguồn thu và giảm bội chi ngân sách.

Bên cạnh đó, phải khơi thông được nguồn vốn đầu tư trong nhân dân, từ đó mới huy động được tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Và một điều rất quan trọng nữa là làm sao đổi mới được máy móc, thiết bị và công nghệ, do đó phải có vốn mồi, hỗ trợ lãi suất để các doanh nghiệp thay đổi công nghệ cũ, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhiệm kỳ vừa qua, bên cạnh kết quả đạt được vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Theo ông, những hạn chế đó sẽ đặt ra thách thức gì cho Chính phủ trong nhiệm kỳ mới?

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, Chính phủ trong nhiệm kỳ mới sẽ có rất nhiều thách thức. Thứ nhất, nợ công đã sát mức trần nên việc tiếp tục sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước sẽ gặp khó khăn. Thứ hai, áp lực về cải thiện môi trường, mà môi trường hiện nay đòi hỏi phải được kiểm soát, kiểm tra một cách chặt chẽ, điều này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến lĩnh vực đầu tư nước ngoài. Thứ ba, nền nông nghiệp Việt Nam đang bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất là chúng ta có tới 65% dân số sống ở nông thôn nên ảnh hưởng lớn đến vấn đề an sinh xã hội, công ăn việc làm cho người dân…

Theo ông, bên cạnh những thách thức, đâu là cơ hội để Chính phủ có thể tự tin xử lý dứt điểm những tồn tại?

Trong 5 năm qua, bằng quyết tâm và nhiều giải pháp, Chính phủ đã kỳ công đầu tư để kiểm soát lạm phát, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện nay, chúng ta đang có một Chính phủ mới hết sức quyết tâm, một Chính phủ hành động, mạnh mẽ trong cải cách hành chính, chủ động tiếp tục tiến hành đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế.

Cùng với việc trong 6 tháng đầu năm đầu tư nước ngoài vẫn tăng lên, pháp luật về môi trường đầu tư kinh doanh đã được hoàn thiện, từ đó giúp cho việc khởi nghiệp ngày càng tăng. Bằng chứng là trong 6 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp mới xin đăng ký thành lập, không những tăng về số lượng mà tăng cả về vốn đăng ký. Nhiều doanh nghiệp tạm thời đóng cửa ngừng hoạt động giờ đã mở cửa trở lại. Nói như vậy để thấy rằng, bên cạnh khó khăn, thách thức, chúng ta có quá nhiều cơ hội. Vấn đề là Chính phủ phải tự tin hơn để xử lý dứt điểm những vấn đề còn tồn tại.

Tại kỳ Quốc hội này, rất nhiều ý kiến quan tâm đến vụ Formosa cũng như những động thái của Chính phủ trong việc giải quyết vấn đề này. Sau Formosa, theo ông, chúng ta cần rút ra bài học gì trong việc cấp phép đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài?

Trong sự cố này, vừa qua Chính phủ đã tập trung xử lý tốt, tìm ra nguyên nhân và quy trách nhiệm cụ thể. Nhưng tôi vẫn băn khoăn tại sao Formosa vốn là nhà đầu tư có lý lịch về mặt xử lý môi trường không tốt, với lý lịch này cần phải được "ưu tiên" hàng đầu và giám sát chặt nhưng chúng ta lại buông lỏng? Rõ ràng là sự phân công trách nhiệm ở đây chưa tốt. Đó là bài học lớn cho vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp FDI thời gian qua. Chúng ta cần huy động vốn của FDI nhưng không có nghĩa là huy động bằng mọi giá. Vấn đề nữa là cạnh tranh trong thu hút vốn FDI của các địa phương cũng phải được xem xét.

Đặc biệt, với các dự án tương tự như Formosa, không thể giao cho địa phương hay một cơ quan của địa phương đó quyết định, giám sát, mà việc này phải do một ủy ban quốc gia phụ trách, quyết định.

Theo tôi, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng cần phải tăng cường giám sát với Formosa và những dự án tương tự. Đây chính là nội dung mà cử tri cả nước “đặt hàng” với Quốc hội mới, đòi hỏi Quốc hội phải tăng cường giám sát để trả lời thỏa đáng cho cử tri rằng dự án này có xứng đáng tồn tại hay không? Theo quan điểm cá nhân tôi là không.

Vậy chúng ta nên có những bước đi thế nào để vừa đảm bảo môi trường, lại không làm ảnh hưởng môi trường đầu tư, thưa ông?

Chính phủ cần xem Formosa không còn là dự án liên quan đến riêng Hà Tĩnh nữa mà là một dự án quốc gia để có sự quản lý, giám sát chặt chẽ hơn.

Cả Quốc hội, Chính phủ đều không chấp nhận đánh đổi môi trường lấy sự tăng trưởng. Vấn đề là chúng ta phải làm sao để minh bạch, tất cả những dự án đầu tư kể cả trong nước và ngoài nước mà làm ảnh hưởng đến môi trường thì lập tức chúng ta phải đóng cửa, phải ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh để bảo vệ môi trường chung. Đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các cơ quan giám sát.

Coi Formosa là một dự án quốc gia đồng nghĩa với việc đặt nó dưới sự điều hành trực tiếp của một Phó Thủ tướng và giao cho Bộ TN&MT chịu trách nhiệm chính trong việc giám sát, ngoài ra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phải là hai đơn vị thay mặt cho Quốc hội, thay mặt cho nhân dân để giám sát lần cuối cùng, xem nên hay không nên cho Formosa tiếp tục vận hành.

Chính phủ hành động, nói ít làm nhiều

Vừa qua, Chính phủ khóa mới đã có 3 tháng “chạy thử”. Theo đánh giá cá nhân, ông đã thấy có gì khác biệt?

Tôi nghĩ với 3 tháng vẫn còn quá ngắn để đánh giá. Tuy nhiên, xu hướng hoạt động của Chính phủ khóa mới, giúp nhân dân thấy được hình ảnh của một Chính phủ hành động, rất quyết liệt và nhìn thẳng vào những khó khăn, thách thức, đối diện và quyết tâm tìm cách giải quyết.

Ví dụ, như vấn đề môi trường do Formosa gây ra vừa qua là một vấn đề rất khó khăn nhưng Bộ trưởng Bộ TN&MT và các bộ, ngành liên quan dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã nhanh chóng, mạnh mẽ vào cuộc, tìm ra được nguyên nhân để có giải pháp. Thủ tướng, các Phó thủ tướng cũng đi khắp các tỉnh, thành gặp gỡ, chia sẻ với doanh nghiệp, khuyến khích việc khởi nghiệp, tìm cách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Tất cả những điều đó cho thấy Chính phủ đang làm rất tốt. Thị trường đã nhìn thấy tín hiệu tích cực nên vốn đầu tư vào thị trường tài chính, thị trường chứng khoán cũng tăng điểm so với thời điểm đầu năm.

Khái quát lại, điểm nổi bật nhất của Chính phủ khóa mới chính là một Chính phủ hành động, nói ít làm nhiều.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.