Thời sự

Một cuộc Nam tiến mới

20/05/2014, 16:38

Ngay sau khi miền Bắc Việt Nam thiết lập được đường hành lang này, hãng thông tấn AFP của Pháp lúc đó đã đưa tin: "La Piste de Ho Chi Minh - tuyến đường mòn Hồ Chí Minh vừa được mở".

LTS: Nhân ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 55 năm kỷ niệm ngày mở đường HCM - cũng là ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Báo Giao thông xin trích giới thiệu bài viết đánh giá về con đường này của một tác giả phương Tây - Virgnia Morris.

Bà là tác giả cuốn sách nổi tiếng “Đường Hồ Chí Minh - Đường đi tới tự do” (History of the Ho Chi Minh Trail: The Road to Freedom) và là người đã dành rất nhiều thời gian tìm gặp các cựu chiến binh Việt Nam để sưu tập tư liệu về con đường mòn kỳ tích này.

Kỳ 2: Một cuộc Nam tiến mới

Tới cuộc chiến tranh Việt Nam (theo cách gọi phương Tây, 1959 – 1975), từ tháng 5/1959, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, đồng thời là một bậc thày về hậu cần quân đội, đã truyền đạt tư duy về một cuộc Nam tiến mới. Đảng chỉ thị thành lập một Ban cán sự, trực thuộc thẳng Quân ủy Trung ương. Ban cán sự này được giao nhiệm vụ nghiên cứu việc thiết lập một hành lang hậu cần chiến lược từ Bắc vào Nam.

Ông Võ Bẩm, lúc đó là Cục phó Cục Nông trường, được bổ nhiệm làm trưởng Ban cán sự, tiến hành nghiên cứu trên cả hai hướng; đường bộ và đường biển. Để vận chuyển hàng tiếp tế trên tuyến hành lang mới mở lại này, Đảng chỉ thị thành lập một đơn vị làm nhiệm vụ giao thông quân sự đặc biệt. Đó là Đoàn vận tải quân sự 559, thành lập tháng 5/1959. Buổi đầu Đoàn 559 gồm 2 tiểu đoàn: D 301 vận tải đường bộ, và D 603 vận tải biển. Ông Võ Bẩm đã chỉ huy nghiên cứu mở đường trên cả hai tuyến giao thông chiến lược, và chỉ huy Đoàn vận tải quân sự 559 từ ngày thành lập.

Hàng nghìn chuyến xe đã đội mưa bom tải hàng tiếp viện vào chiến trường miền Nam
Hàng nghìn chuyến xe đã đội mưa bom tải hàng tiếp viện vào chiến trường miền Nam

Sau những thành công đầu của Tiểu đoàn vận tải đường bộ D 301, các đội công tác khác được triển khai ở miền Nam để tiếp tục mở các đoạn của con đường Nam tiến. Một khúc quan trọng nhất của nó vẫn là đoạn chạy qua khu 6 (Nam Trung Bộ). Nếu mở được hành lang này, Hà Nội nối thông được đường giao thông Nam tiến, và cả đường tiếp vận cho Nam Bộ (sau một số năm đứt đoạn).

Ông Nguyễn Trọng Tâm (Anh hùng lực lượng vũ trang – ND) đã đóng vai trò chủ chốt trong mở đường hành lang xuyên Khu VI. Tới giữa 1960, đã nhất trí được rằng tỉnh Đắc Lắc cần được sử dụng làm bàn đạp để thiết lập hành lang này. Hai đội công tác được phái từ Đông Nam Bộ, tìm đường mòn lên Liên Khu V để đón các đơn vị từ miền Bắc vào. Các đơn vị Nam tiến đầu tiên này gồm toàn người miền Nam tập kết, tổ chức thành các đội công tác mang bí số B90, và B500.

Ngay sau khi miền Bắc Việt Nam thiết lập được đường hành lang này, hãng thông tấn AFP của Pháp lúc đó đã đưa tin một con đường mòn Bắc – Nam vừa được mở. AFP gọi đó là La Piste de Ho Chi Minh -  tuyến đường mòn Hồ Chí Minh.

Con đường dẫn tới thắng lợi

Tới năm 1967, đường tiếp vận chiến lược Bắc - Nam phải thích ứng được với đòi hỏi mới của tình hình, và tướng Đồng Sĩ Nguyên được bổ nhiệm làm tư lệnh đoàn 559. Ông Nguyên từng có một quá trình hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm chiến đấu. Sau Võ Bẩm, các tư lệnh Đoàn 559 là các ông Phan Trọng Tuệ và Hoàng Văn Thái. Cho dù các vị tư lệnh này giàu kinh nghiệm về hậu cần, nhưng đường Hồ Chí Minh thời dưới quyền của các ông chưa vươn tới tầm cỡ then chốt về chiến lược như thời của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên.

Đại tường Võ Nguyên Giáp và Tư lệnh binh đoàn Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên
Đại tường Võ Nguyên Giáp và Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên

Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã nỗ lực biến một tuyến đường mòn làm nhiệm vụ chuyển lén thành một chiến trường tác chiến chống ngăn chặn bằng phương tiện hiện đại hơn. Các thành công của ông bắt nguồn từ việc nâng cấp được các lực lượng vốn sử dụng sức người và súc vật (vận chuyển bằng gùi thồ, xe đạp thồ, ngựa – voi), thành các đơn vị vận tải cơ giới hóa. Dưới sự chỉ huy của Đồng Sĩ Nguyên, các đơn vị trở thành binh chủng tác chiến được trang bị hiện đại, hoạt động tác chiến hiệp đồng của các binh trạm được cải tiến, có tác động rõ rệt lên chất lượng phục vụ, nuôi dưỡng các binh đoàn tác chiến.  

Đường Hồ Chí Minh trở thành mạng lưới gồm nhiều đường “kín”, những tuyến đường kiên cố chịu được đánh phá có những đoạn vòng tránh (“tọa độ” bom), những đoạn vượt đèo cao, và hệ thống công trình vượt sông suối. Gồm cả các tuyến đường mòn cho giao liên dẫn đường cho các đơn vị hành quân bộ, và các tuyến cho xe vận tải. Và có những thời kỳ máy bay trực thăng của Liên Xô và của Việt Nam đã được huy động trong nhiệm vụ vận tải đường không.

Ngoài những đường vận tải cho phép chuyển phát hàng ngàn tấn vũ khí và phương tiện, phải kể đến đường chuyển ngân của miền Bắc, gửi từ Hồng Kông đi Sài Gòn đã hỗ trợ đắc lực cho cuộc chiến “không giới tuyến” ở miền Nam.

Tăng trưởng của đường Hồ Chí Minh đạt được nhờ hoàn thiện không ngừng mạng lưới giao thông và liên lạc kết nối các binh trạm thành thể thống nhất. Và kể từ 1968, một tuyến đường ống dẫn nhiên liệu đã được khởi công, vượt qua các dãy núi vùng biên giới Việt – Lào. 

Năm 1971, đoàn 559 trở thành Binh đoàn Trường Sơn, ngang với một quân khu. Tới lúc này, Binh đoàn gồm 100 ngàn quân chính quy và khoảng 1 vạn thanh niên xung phong.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn nêu rõ rằng thắng lợi không thể đạt được, nếu con đường Nam Tiến – Đường Hồ Chí Minh không được xây dựng thành công. Tới năm 1975, bất chấp những thách thức chồng chất, Tư lệnh Đường Hồ Chí Minh Đồng Sĩ Nguyên, đã hoàn thành nhiệm vụ. Chế độ Sài Gòn sụp đổ vào năm đó. Từ đây, Đường Hồ Chí Minh đã lộ rõ vị trí của mình trong lịch sử, trở thành một trong những chủ thể được biết đến nhiều nhất trong chiến tranh Việt Nam. Mặc dù vậy, không nhiều người hiểu được những căn nguyên thực, và đánh giá hết vai trò của những cá nhân từng biến những ý đồ ban đầu thành hệ thống vận tải chiến lược trong điều kiện chiến tranh khắc nghiệt khi đó.

Lê Đỗ Huy (Dịch)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.