Xã hội

“Một đất nước không nên có quá nhiều cơ quan điều tra”

02/06/2015, 18:42

“Tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị là thu hẹp đầu mối, vì thế một đất nước không nên có nhiều CQĐT".

IMG_0832
ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM)

Chiều 2/6, các ĐBQH đã có phiên thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự. Trong đó, vấn đề còn nhiều tranh cãi nhất vẫn xoay quanh việc nên hay không giao thẩm quyền tiến hành một số hoạt động ban đầu coh các cơ quan như Kiểm ngư, Thuế và Ủy ban chứng khoán. 

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến (Đoàn Hà Nội) cho rằng không nên mở rộng vì hiện nay các cơ quan này khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có thể chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan điều tra mà không vướng gì.

Đồng tình, ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) cũng không tán thành việc bổ sung thẩm quyền trên nếu không những cơ quan này vừa có quyền hành chính, vừa có quyền tư pháp nên dễ lợi dụng quyền tư pháp đe dọa người ta, có thể dẫn đến oan sai. Hơn nữa, các cơ quan này không có điều tra viên chuyên nghiệp nên hạn chế kỹ năng quản lý hồ sơ trong khi nhân chứng hiện trường đã thay đổi, nên khi chuyển hồ sơ lên cơ quan điều tra lại phải làm lại.

“Một đất nước có nhiều cơ quan điều tra quá là không nên. Tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị là thu hẹp đầu mối”, ông Đương nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng những cơ quan như Thuế, Chứng khoán không cách xa cơ quan điều tra chuyên trách nên nếu cần thì chuyển việc điều tra sang các cơ quan này.

“Lĩnh vực nào cũng cho thẩm quyền điều tra thì gay. Điều đáng lưu ý là hiện nay cơ quan chuyên trách điều tra, được đào tạo, có thủ trưởng và điều tra viên còn có hạn chế, vi phạm quyền con người trong quá trình điều tra. Do đó các lực lượng khác rất dễ vi phạm quyền con người”, ông Quyền nói.

Trịnh Xuyên
Thiếu tướng Trịnh Xuyên - GĐ Công an tỉnh Thanh Hóa phát biểu trong phiên thảo luận tổ

Trong khi đó, Thiếu tướng Trịnh Xuyên – Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho rằng, xét trên cơ sở thực tiễn, có thể bổ sung thẩm quyền điều tra cho riêng lực lượng Kiểm ngư, còn đối với cơ quan Thuế và Ủy ban chứng khoán thì không phù hợp.

“Đối với kiểm ngư, các hành vi tội phạm trong lĩnh vực này thường là tội phạm quả tang, diễn ra rõ ràng, không mang tính phức tạp. Bên cạnh đó, kiểm ngư có đặc thù hoạt động ngoài biển, nếu diễn ra sự việc gì mà chờ Cảnh sát biển đến thì rất lâu và khó khăn. Nên với các vi phạm trên biển như tấn công lực lượng kiểm ngư, nổ mìn, hủy hoại môi trường biển thì lực lượng kiểm ngư có thể điều tra ban đầu được, sau đó bàn giao lại cho cơ quan điều tra có thẩm quyền” – ông Xuyên phân tích.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) cũng đồng ý giao thẩm quyền điều tra cho các cơ quan trên xuất phát từ góc nhìn những “hành vi” phát sinh thực tế.

Ông Lịch lấy dẫn chứng: Chuyện làm giá chứng khoán hiện đang rất phức tạp và thường hành vi chuyển giá cực kỳ tinh vi, công ty này thông đồng công ty kia, không ngăn ngừa kịp thời sẽ khiến thị trường chứng khoán bị lũng loạn. Do đó nếu không giao thẩm quyền điều tra thì không có công cụ để phát hiện được vụ việc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.