Làm báo cùng Giao thông

Một Hà Nội không có nhà cao tầng?

25/11/2016, 08:27

Trong những bức bối và lo lắng ấy, tôi vẫn băn khoăn không biết nên đi hay ở lại trung tâm Hà Nội cũ...

26

Người dân thích thú xem và chơi trò nhảy sạp trên phố đi bộ quanh Hồ Gươm - Ảnh: K.Linh

1. Cũng lạnh thế này, khoảng 25 năm trước, một nhóm họa sỹ, nghệ sỹ từ miền Nam lần đầu ra Hà Nội, họ đến nhà thăm bố tôi. Trong khu tập thể vốn tĩnh lặng, toàn họa sỹ và nhà nghiên cứu, họ nói cười hào sảng, ríu rít thổ lộ thủ đô lạ lẫm thế nào rồi xuýt xoa vì lạnh. Vì trời đột ngột trở gió, tôi khi ấy tầm 16 tuổi, được bố cử đưa các cô chú đi mua áo khoác, đâu đó trên phố Bà Triệu.

Trong mắt tôi, những cô chú bạn bố từ TP.HCM ra thật hấp dẫn, da họ cháy nắng, luôn vui đùa, tếu táo và có vẻ rất nhiều tiền. Những chiếc áo khoác, những đôi giày ấm áp được mua vội mà không hề có cái nhíu mày băn khoăn về giá cả như mẹ tôi. Rồi họ ào đi lang thang dưới những mái phố cổ, ngồi bệt vỉa hè ăn xôi xéo. Lòng đường khi đó còn vắng lắm, tôi thích thú ngồi nhìn các cô chú chụp ảnh, ăn quà giữa hun hút gió lộng trên phố cũ. Tôi cứ sợ Hà Nội rặt một màu tôi tối từ quần áo đến tường nhà bảng lảng trong giá rét không quyến rũ được họ. Tôi gạ bố đưa các cô chú đi chơi đâu đó xa hơn, mượn xe cơ quan đi chùa Thầy, chùa Trầm hay chùa Hương.

Nhưng hóa ra, mãi sau này gặp lại, tôi mới biết mình nhầm. Họ thích cái rét Hà Nội một thì yêu Hà Nội cũ kỹ của tôi mười. Những bức ảnh phố đen trắng họ còn giữ lại đến giờ. Bởi họ nghĩ, Hà Nội sau này sẽ khác.

2. Cho tới ngày hôm qua, khi rất nhiều người lên mạng xã hội buồn rầu nói lời chia tay với Hanoi Cinematheque, trung tâm triển lãm Giảng Võ khi những khu đất vàng sắp chuyển sang chủ mới để xây nhà cao tầng, tôi mới nhớ lại câu chuyện năm cũ.

Thực ra, tôi chưa từng đến Hanoi Cinematheque, không thật sự thấy tan vỡ, mất mát như ai đó khi nói lời từ giã với những không gian văn hóa giữa trung tâm Hà Nội.

Tôi cũng không tưởng tượng ra một Hà Nội không có thay đổi gì sau 25 năm, không mọc lên thêm những khu nhà cao tầng, những trung tâm thương mại. Tôi  sẵn lòng chấp nhận một Hà Nội khác xưa.

Tôi không thích ai đó chỉ nhìn thấy sự u ám, luôn công kích một Hà Nội bị bóp nghẹt giữa những ngôi nhà sừng sững, những lô cốt của người giàu có, giữa xe máy khói bụi và sự dửng dưng, cục cằn, tham lam vốn không hề là đặc trưng trong tính cách người Hà Nội.

Nhưng giữa những lời than vãn và cảnh báo ấy hẳn phải có gì đó của sự thật? Chẳng phải những nhà chọc trời 50 tầng, trung tâm thương mại đang chen vai thích cánh mọc lên trên những mảnh đất vàng trong khi phố xá và giao thông công cộng chậm được mở mang. Chặng đường đi và về mỗi ngày thêm thách đố như chơi trò mạo hiểm.

Hà Nội rất cần một quy hoạch đủ tầm, một cách quản lý không gian đô thị tử tế như nó đáng được hưởng. Và hơn thế, là một cơ chế lắng nghe sự đóng góp của công luận trong quá trình đánh giá tác động môi trường các dự án mới gây nhiều tranh cãi.

3. Trong những bức bối và lo lắng ấy, tôi vẫn băn khoăn không biết nên đi hay ở lại giữa trung tâm Hà Nội cũ. Tôi vừa tiếc nuối tuổi thơ với những hàng sấu già trên đường Trần Phú vừa lo lắng khi mở cửa ra là khói xe, mùi sơn hàn xì xộc thẳng vào nhà như gió độc. Những ký ức và ngôi nhà của tuổi thơ đã quá chật chội nhưng đánh đổi một không gian khác, liệu có ổn định được chục năm? Những người bạn của tôi rời khu phố cổ ra các chung cư mới, chỉ hơn 5 năm thôi lại đã thấy chật chội, bất an.

Vài tháng nay, rảnh chút là tôi nhao lên phố đi bộ, hàng chục tuyến phố cấm ô tô, xe máy tưởng là thênh thang mà thoáng cái cũng đông nghẹt người. Thật may, trong bán kính 1km ấy, chưa có những khu nhà chọc trời mới mọc lên nhưng cũng không may khi những khu phố cổ vẫn ngày càng thêm chật chội.

Yêu Hà Nội, không phải là khăng khăng gạt đi những cái mới mà là tổ chức quy hoạch lại những cái cũ, để không gian sống ngày một tốt lên. Nhưng ai sẽ làm điều đó?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.