Thời sự Quốc tế

Một hãng hàng không cho phép tiếp viên nam có thể mặc váy

29/09/2022, 15:18

Hãng hàng không của Anh đã cho phép nhân viên của hãng được mặc kiểu đồng phục mà họ cảm thấy thoải mái nhất.

Trong một động thái thay đổi chính sách mới nhất, hãng hàng không Virgin Atlantic (Anh) đã bỏ các quy định yêu cầu nhân viên phải mặc đồng phục theo hai giới tính đặc trưng (nam/nữ) mà được phép mặc đồng phục theo giới tính mà bản thân họ mong muốn, tạo điều kiện cho những nhân viên thuộc cộng đồng LGBT+ (giới tính thứ ba) được thoải mái thể hiện bản thân.

Chia sẻ về sự thay đổi này, hãng hàng không Anh cho biết, họ mong muốn cập nhật chính sách xác định giới tính để bảo vệ từng cá nhân, cho phép nhân viên của hãng được mặc trang phục biểu hiện đúng mong muốn về giới tính của họ.

img

Hãng hàng không Virgin Atlantic cho phép nhân viên được chọn đồng phục theo mong muốn của mình

Trong thông cáo báo chí, Virgin Atlantic nêu rõ nhân sự của hãng được phép chọn bất cứ kiểu đồng phục nào mà công ty đã thông qua, bất kể đó là giới tính nào. Đồng nghĩa, tiếp viên hàng không nam cũng có thể mặc đồng phục váy đỏ để đi làm.

Các mẫu đồng phục hiện nay của Virgin Atlantic đều do nhà thiết kế người Anh Dame Vivienne Westwood thực hiện.

Bên cạnh đó, chính sách cập nhật mới của hãng cho phép nhân viên của hãng đeo huy hiệu nêu rõ về giới tính mà họ mong muốn. img

Nhân viên là đồng tính nam có thể mặc váy, đồng tính nữ có thể mặc bộ suit tuỳ theo lựa chọn của bản thân

Hệ thống vé của hãng hàng không này sẽ cho phép khách hàng có hộ chiếu với tuỳ chọn giới tính trung lập để sử dụng mã giới tính trên vé là “U” hoặc “X” khi đặt vé và được xưng là “Mx” thay vì các danh xưng “Mr” (Ông) hay “Mrs” (Bà) hoặc “Miss” (Quý cô). Tuy nhiên, tính năng này sẽ chỉ có ở một số quốc gia kể cả Mỹ, Ấn Độ, Pakistan.

Virgin Atlantic đã thay đổi chính sách sau khi các hãng hàng không lớn của Mỹ và Anh thống nhất tới năm 2024 sẽ nâng cấp hệ thống của từng hãng để cho phép hành khách lựa chọn thêm mục giới tính “không xác định” và “không tiết lộ” trên các bảng khai, thay vì chỉ có thể chọn “nam” hoặc “nữ” như trước đây.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.