Xã hội

Một hành động thực tế giá trị hơn trăm bài diễn văn

02/03/2016, 18:18

Một tấm gương sống, một hành động thực tế còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.

11
Ông Diệp Văn Sơn, chuyên viên cao cấp, nguyên Phó Vụ trưởng, Bộ Nội vụ

Ông Diệp Văn Sơn, chuyên viên cao cấp, nguyên Phó Vụ trưởng, Bộ Nội vụ, một người dành rất nhiều tâm huyết cho vấn đề cải cách hành chính đã chia sẻ như vậy trong cuộc trò chuyện với Báo Giao thông về hiệu ứng của những phong cách lãnh đạo mới từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII.

Nhiều tân lãnh đạo trẻ “ghi điểm”

Hiệu ứng của phong cách lãnh đạo trẻ, quyết liệt dường như đang được lan tỏa đến nhiều địa phương trên cả nước sau khi nhiều lãnh đạo trẻ được Bộ Chính trị phân công nhiệm vụ đứng đầu các thành phố lớn. Ông đánh giá thế nào về việc này?

Gần đây, công luận và người dân bàn nhiều đến phong cách thực thi công vụ nổi lên như một “hiện tượng” của các tân lãnh đạo trẻ như: Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong; Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Hưởng hay Bí thư TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh...

"Tôi cho rằng, rất có thể do hiệu ứng từ phong cách lãnh đạo quyết liệt của Bí thư Đinh La Thăng từ khi còn là Bộ trưởng Bộ GTVT, việc nhiều địa phương thời gian qua quyết định “trảm” tướng đã nói lên điều đó".

Ông Diệp Văn Sơn

Dân cần những lãnh đạo năng động, không rề rà, nói đi đôi với làm, mà đã làm thì làm quyết liệt làm tới cùng. Dân cũng cần những lãnh đạo không né tránh, dám chịu trách nhiệm, tuyên chiến với cái xấu, cái tiêu cực, nhũng nhiễu, trì trệ của công chức và cơ quan công quyền. Dân sẽ cảm thấy xa lạ với kiểu quan đóng cửa bảo nhau, xử lý nội bộ mà không công khai minh bạch.

Có thể nói, một vài điển hình về những lãnh đạo trên đã có những cái mà dân cần. Đó là một lớp lãnh đạo trẻ đầy nhiệt huyết được đào tạo bài bản, đã qua tôi luyện...

Lãnh đạo “vi hành” đâu phải để đánh bóng hình ảnh

Sau những chuyến “vi hành” của một vài lãnh đạo mới nhận nhiệm vụ, cũng đã xuất hiện không ít ý kiến trái chiều. Dân mong lãnh đạo gần dân, vậy tại sao lãnh đạo “vi hành” lại có nhiều ý kiến khác nhau như vậy, thưa ông?

Căn bệnh quan liêu, xa rời dân là căn bệnh đồng hành với mọi chính quyền và một bộ phận không ít lãnh đạo. Vấn đề ở đây là phải xây dựng ý thức cầm quyền thế nào để rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền, quan chức với dân, như vậy mới thật sự là bản chất chính quyền của dân, do dân và vì dân, bằng không mãi mãi chỉ là khẩu hiệu.

Những chuyến “vi hành” của những người đứng đầu chính quyền đâu phải là biện pháp đánh bóng tên tuổi, vị thế chính trị? Năng “vi hành” cũng là một biện pháp hữu hiệu để sát dân, gần dân, hiểu được những bức xúc của dân, như kênh thông tin để nắm bắt những tâm tư nguyện vọng của nhân dân, những bức xúc của xã hội. Không “vi hành” thì không hiểu dân, xa dân, chỉ có lý thuyết suông. Nhưng đi “vi hành” không cần báo trước, không cần tiền hô hậu ủng mới thấy được cuộc sống muôn màu của người dân, những sắc màu sáng tối, những góc khuất cuộc đời, là lãnh đạo phải như thế mới thực sự là lãnh đạo đúng nghĩa, tránh được chuyện nghe cán bộ các cấp báo cáo láo, báo cáo sai, “làm láo - báo cáo hay”.

Phải “giữ lửa” cho những phong cách lãnh đạo mới

Là một chuyên gia về cải cách hành chính, ông đánh giá thế nào về nền công vụ hiện tại và việc xác định trách nhiệm cá nhân trong các hoạt động ở cơ quan công quyền?

Trong hoạt động công vụ lâu nay, trách nhiệm cá nhân không rõ ràng, không được đề cao, thật ra cũng là điều dễ hiểu.

Từ sâu xa trong quá khứ, một thời ta đề cao chủ nghĩa tập thể một cách thái quá. Điều này có thể đúng trong một giai đoạn lịch sử nào đó, nhưng ngày nay lại không còn thích hợp. Hệ lụy của nó là triệt tiêu cá nhân, làm thui chột suy nghĩ, sáng kiến, bản sắc của từng cá thể. Giờ đây, việc khôi phục chế độ trách nhiệm cá nhân nhất định gặp khó khăn, thói quen đã ăn sâu đến mức được xem là hiển nhiên. Thành tích là của tôi, thiếu sót là do tập thể, do cấp dưới, thậm chí còn do chỉ đạo của cấp trên.

Vậy nên giờ phải điều chỉnh lại từ cơ chế đề bạt, bổ nhiệm, đào tạo, bố trí và làm quen với cách chức, từ chức. Phải thiết lập chế độ xác định trách nhiệm người đứng đầu. Quy định trách nhiệm người đứng đầu đã được ban hành, tuy nhiên ở nhiều người đứng đầu vẫn chưa hình thành thói quen nhận trách nhiệm và chịu trách nhiệm. Bộ máy hành chính nói riêng và cơ quan Nhà nước nói chung hiện nay còn hạn chế vì có sự chồng chéo, đối lập về thẩm quyền, mối quan hệ phức tạp, ngang dọc chưa có sự phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan với nhau… Tất cả những yếu tố trên tổng hợp lại đã gây khó khăn nhiều trong việc xác định trách nhiệm thuộc về ai, tạo nên một nền công vụ rất khó quy trách nhiệm.

Vậy ông kỳ vọng gì ở những phong cách lãnh đạo mới được hình thành sau kết quả thành công của Đại hội Đảng lần thứ XII?

Lãnh đạo là người dẫn đường chỉ lối, hoạch định kế hoạch, vạch ra phương hướng để hướng các thành viên trong tổ chức đi theo tầm nhìn, chú trọng đến đạt được mục tiêu. Lãnh đạo cũng là người truyền cảm hứng và phát triển những người khác, thách thức hiện trạng và có tầm nhìn xa. Chính vì vậy, kỳ vọng của người dân, đòi hỏi của cuộc sống đối với phong cách thực thi công vụ của các tân lãnh đạo trẻ sẽ đem đến một luồng gió mới thổi bay những khuyết tật trì trệ, nhóm lên ngọn lửa, một sức sống mới cho xã hội, cho nền công vụ để bước sâu vào thời kỳ hội nhập.

Phong cách “Nói đi đôi với làm” thể hiện sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, tư tưởng và hành động, nhận thức và việc làm. Đối với mỗi người, để thực hiện được việc thống nhất giữa lời nói với việc làm phải có nhận thức đúng và quyết tâm vượt qua thính mình. Với các cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo thì lời nói đi đôi với việc làm lại càng quan trọng và cần thiết, vì cán bộ là gốc của mọi công việc, là những tấm gương để quần chúng noi theo. Nói đi đôi với làm còn là biểu hiện của sự gương mẫu, trung thực, trong sáng của cán bộ, đảng viên công chức, nêu gương trước nhân dân. Trong thực tế, một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.

Cảm ơn ông!

12
 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc:
Lãnh đạo phải làm gương, tạo sự thay đổi cho cấp dưới

Vừa qua, nhiều lãnh đạo được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ mới đã tạo được nhiều hiệu ứng tốt trong xã hội. Điều này có lẽ cũng dễ hiểu, vì khi người dân cảm thấy mình được quan tâm, được lắng nghe, chia sẻ, thì có nghĩa là họ cảm thấy những người lãnh đạo đã đến gần với họ hơn.

Ví như dự Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khi nhận nhiệm vụ mới là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng ngay lập tức có những hoạt động rất thiết thực, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ với những khó khăn, bức xúc của người dân. Ông bắt đầu từ những việc rất nhỏ, rất cụ thể, chi tiết chứ chưa nói gì đến những cái chung chung, lớn lao, nhưng cái cụ thể ấy lại đang là cái dân bức xúc nhất, cần được giải quyết nhất. Với phong cách lãnh đạo gần dân, giải quyết nhanh và dứt điểm các vấn đề, nên ông đã được đa số người dân ủng hộ. Những việc làm ấy cũng đã tạo hiệu ứng tích cực, không chỉ trong phạm vi TP Hồ Chí Minh mà còn lan tỏa ra nhiều địa phương trên cả nước.

Tất nhiên, một người lãnh đạo không bao giờ có thể làm hết những chuyện nhỏ đó, nhưng hành động ban đầu của họ sẽ tạo nên sự thay đổi cho các cấp để các cấp phải thực sự bắt tay xử lý giải quyết vấn đề của dân, của xã hội.

Đây như một hành vi làm gương, làm mẫu, tạo sự tích cực trong bộ máy Nhà nước, tạo ra luồng không khí làm việc mới, đẩy tan sự trì trệ lâu nay. Tôi tin tưởng và kỳ vọng rất nhiều ở những lãnh đạo như thế.

13
 

GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội:
Tạo hiệu ứng thay đổi tác phong làm việc

Trong những lãnh đạo mới được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ, có lẽ ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh là người gây được ấn tượng và sự quan tâm hơn cả.

Trước đó, dư luận cũng đặt nhiều băn khoăn khi ông Thăng được phân công giữ cương vị Bí thư Thành ủy TP HCM, bởi đây không phải là nơi ông sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong công tác. Tuy nhiên, chỉ sau đó ít ngày, vẫn với phong cách khi ông còn là Bộ trưởng Bộ GTVT, ông vẫn xông xáo, quyết liệt, gần gũi lắng nghe dân chia sẻ, dần tạo ra một phong cách làm việc mới, tạo ra niềm tin cho người dân. Còn nhớ, khi là Bộ trưởng Bộ GTVT, ông năng nổ trên hiện trường, “vi hành” ở nhiều công trường cũng đã xuất hiện ý kiến cho rằng, Tư lệnh ngành không cần phải quan tâm việc đó, nhưng thực tế hiệu quả công việc đã chứng minh tất cả.

Nay là người đứng đầu thành phố lớn, ông vẫn giữ phong cách ấy và như vậy không có nghĩa là ông không dành thời gian lo cho những chính sách lớn. Là một lãnh đạo quyết đoán, đổi mới, lại có tâm trong công việc, tôi cũng hy vọng ông sẽ tạo ra những hiệu ứng mạnh mẽ hơn nữa trong thay đổi tác phong làm việc, không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà ở nhiều địa phương khác trên cả nước.

Hoài Vũ (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.