Thị trường

Một năm điều chỉnh giá điện 2 lần, rút còn 5 bậc?

06/11/2019, 08:43

Đề án cải tiến biểu giá điện bậc thang mới rút từ 6 xuống 5 bậc, đồng thời mỗi năm sẽ điều chỉnh giá điện hai lần liệu có khả thi?

img
Đề án cải tiến biểu giá điện bậc thang sẽ rút từ 6 về còn 5 bậc. Ảnh minh họa

Người nghèo phải trả thêm bao nhiêu tiền?

Trình bày về Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam, PGS Bùi Xuân Hồi, Giảng viên Bộ môn Kinh tế Năng lượng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu đề án, đưa ra 3 phương án:

Phương án 1 (Ba bậc thang): Bậc 1 từ 0 - 100 kWh/tháng; Bậc 2 từ 101 - 400 kWh/tháng; Bậc 3 từ 401 kWh/tháng trở lên.

Phương án 2 (Bốn bậc thang): Bậc 1 từ 0 - 100 kWh; Bậc 2 từ 101 - 300 kWh; Bậc 3 từ 301 - 600 kWh và bậc 4 từ 601 kWh trở lên.

Phương án 3 (Năm bậc thang): Bậc 1 từ 0 - 100 kWh; Bậc 2 từ 101 - 200 kWh; Bậc 3 từ 201 - 400 kWh; Bậc 4 từ 401 - 700 kWh và Bậc 5 từ 701 kWh trở lên.

Qua dó, nhóm nghiên cứu đề xuất chọn phương án 3: Giá bán lẻ điện chia 5 bậc thang.

img
Tính toán mức giá cho từng bậc thang theo phương án 5 bậc

PSG Bùi Xuân Hồi lý giải, với phương án này, hộ tiêu dùng sử dụng từ 101- 200 kWh/tháng (bậc 2) chịu tác động ít nhất trong 3 phương án. Việc chia các bậc thang dùng nhiều điện chi tiết hơn cũng phù hợp hơn với đặc điểm tiêu dùng hiện nay và phương án 5 bậc thang sản lượng tiêu thụ cũng phù hợp với 5 bậc thang thu nhập của hộ gia đình.

Đề xuất 1 năm điều chỉnh giá điện 2 lần

Đề án đề xuất chu kỳ điều chỉnh giá 6 tháng/lần và luật hóa cơ chế điều chỉnh giá bằng các văn bản pháp lý của cấp có thẩm quyền công khai chu kỳ điều chỉnh giá. Thời điểm điều chỉnh có thể được lựa chọn theo mùa để tránh các thời điểm nhạy cảm, có sự thay đổi đột biết về sản lượng, nên vào 1/3 và 1/9 hàng năm. Có thể đột xuất điều chỉnh giá khi có sự biến động lớn về giá nhiên liệu trên thị trường quốc tế dẫn đến sự thay đổi đáng kể về chi phí sản xuất và mua điện.

Sau khi tăng giá điện theo phương án này, chi phí phải trả thêm của người dân là bao nhiêu? Ông Hồi thông tin, người tiêu dùng tại bậc 1 (< 101 kWh) sẽ phải trả thêm gần 2.800 đồng/tháng; bậc 2 (101 - 200 kWh) sẽ trả thêm hơn 8.300 đồng/tháng. Còn lại ở các bậc tiêu dùng điện khác có mức trả từ 12.000-189.000 đồng/tháng.

Nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh, phương án này không gây tác động đến chỉ số CPI nhưng Chính phủ sẽ phải tăng thêm khoảng 5,7 tỷ đồng để hỗ trợ cho các đối tượng nghèo và chính sách. Theo phương án này, doanh thu của EVN cũng sẽ giảm nhẹ.

Góp ý cho Đề án, Giáo sư - Viện sỹ - Tiến sỹ khoa học Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, việc rút bớt các bậc trong biểu giá điện là hợp lý vì chênh lệch giữa 2 bậc trong biểu giá (6 bậc) cũ không quá nhiều.

Ông Long cũng ủng hộ phương án 5 bậc nói trên và đề xuất cải tiến biểu giá theo hướng tăng chênh lệch giữa giữa các bậc đủ mạnh để người sử dụng cảm nhận được “sức nóng” của dùng điện nhiều, từ đó có ý thức tiết kiệm.

Đề nghị giảm giá bậc thấp, tăng giá bậc cao

Cũng nhất trí với đề xuất điều chỉnh 6 bậc thành 5 bậc nhưng chưa đồng thuận về mức giá đề xuất, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Việt Nam (CIEM) cho rằng dù nó phản ánh sát hơn chi phí phát sinh cho hệ thống điện nhưng về mặt chính trị phương án này có thể gây thiệt cho đại bộ phận người tiêu dùng, và tác động có lợi cho một số ít khách hàng là người giàu có trong xã hội.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam:

Tôi nghiêng về phương án từ 3-4 bậc thang. Mối liên hệ giữa giá thành và giá bán là mối quan hệ cùng chiều, các tỷ lệ tính giá so với giá bình quân đều thực hiện được nguyên tắc bù đắp được chi phí. Tuy nhiên, việc sắp xếp hệ số (hay gọi là bước nhẩy của bậc giá) giữa bước nhẩy từng bậc của giá thành so với bước nhẩy của giá thiếu gắn kết lại chưa được Đề án luận giải rõ ràng. Đề án cần nêu thêm luận cứ giải quyết vấn đề trên.

Là số ít người phản biện lại đề án, ông Cung lý giải, ở đề xuất này xét theo tỷ lệ thì những người ở bậc thấp phải trả thêm tiền, những người bậc cao thì trả ít đi.

“Mức giá không nên để theo hướng người giàu có lợi, người nghèo chịu thiệt. Phải theo nguyên tắc, càng sử dụng nhiều điện thì càng phải trả thêm nhiều tiền. Còn đề xuất hiện nay ở đề án không như thế", ông Cung nói.

Cho rằng cơ chế điều hành giá và biểu giá hiện nay còn khá nhiều vấn đề chưa được nghiên cứu trong đề án này, nguyên viện trưởng CIEM kiến nghị nên giảm giá đối với bậc thấp, tăng giá đối với bậc cao trong biểu giá 5 bậc nêu trên.

Ông Cung cũng kiến nghị cần nghiên cứu toàn diện hơn, đầy đủ hơn để có thể nâng cấp văn bản văn bản pháp lý về cơ chế điều hành giá điện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.