Thị trường

Một năm sau cháy, Rạng Đông làm ăn thế nào?

07/11/2020, 06:48

Hơn một năm sau vụ cháy làm thiệt hại tới 150 tỷ đồng, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã vượt qua khó khăn, có bước phát triển mới...

img
​Khu xưởng sản xuất mới với dây chuyền hiện đại được mọc lên trên nền đám cháy năm 2019 Ảnh: Tạ Hải​

Đám cháy đêm 28/8/2019 là sự cố lớn nhất trong suốt 30 năm đổi mới (1990- 2019) của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (thành lập từ 1961, trụ sở tại Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội). Hai xưởng sản xuất đèn dây tóc và ống đèn huỳnh quang Compact, kho thành phẩm tập kết chuẩn bị cho mùa tiêu thụ cuối năm bị lửa thiêu sạch, thiệt hại lên tới 150 tỷ đồng. Thời điểm đó, không ai nghĩ Rạng Đông có thể sớm phục hồi.

Ký ức kinh hoàng

Vừa kết thúc buổi diễn tập phòng cháy chữa cháy, anh Trần Hoàng Tùng, Trưởng ban Quản lý chất lượng xưởng Led của Rạng Đông vội cởi tấm áo bảo hộ, thấm mồ hôi. Chia sẻ với PV, ký ức về vụ cháy kinh hoàng hơn 1 năm trước lại hiển hiện trong anh.

Chỉ về dãy nhà xưởng với những khung cửa mới, anh Tùng cho biết: “Đám cháy bùng lên chập tối 28/8 và lan rộng tới 5.000m2. Chúng tôi thức trắng đêm dập lửa. Ngay sau đó, hàng loạt thông tin về chất độc thủy ngân từ vụ cháy được tung ra khiến chính người nhà công nhân cũng hoang mang…”.

Khoảng 1 tháng sau vụ cháy, vợ anh Tùng báo tin có bầu. “Lúc này chúng tôi đã có 3 cháu nên vợ cứ hỏi đi hỏi lại liệu vụ cháy có gây ảnh hưởng gì không, có nên giữ lại thai hay không? Mặc dù đã giải thích cặn kẽ nhưng cô ấy vẫn không tin tưởng, đi khắp Hà Nội tìm tới những bác sĩ nổi tiếng nhất để khám sàng lọc và tư vấn. Chỉ tới khi tất cả bác sĩ khẳng định “không sao” thì chúng tôi mới thực sự thở phào nhẹ nhõm. Và hôm nay, cháu bé cũng đã được hơn 3 tháng tuổi…”.

Nhớ lại khoảnh khắc đám cháy đêm 28/8/2019, anh Trần Nguyên Thế, nhân viên xưởng LED, điện tử & Thiết bị chiếu sáng cho biết, gần 500 cán bộ công nhân viên Rạng Đông, bao gồm ca kíp đang làm việc, những người đã về nhà nghe tin cháy cũng lao đến… Tất cả đều lao vào chữa cháy, ngăn không cho đám cháy lan sang bộ phận sản xuất LED - đơn vị chủ lực của công ty và các khu vực nguy hiểm như trạm Khí hỏa lỏng LPG, trạm oxy…

“Ai cũng buồn, lo lắng bởi đám cháy đã thiêu rụi bao tâm huyết của cả tập thể, chúng tôi bắt đầu suy nghĩ về nguy cơ có tồn tại được hay không…”, anh Thế chia sẻ.

Đổi chiến lược đúng lúc khó khăn

Tối 29/8/2019, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn. 6h sáng 29/8/2019, lãnh đạo công ty được triệu tập họp và quyết định công bố bước đầu về thiệt hại tài sản khoảng 150 tỷ đồng. 5 ban công tác được lập khẩn gồm: Khối khắc phục sự cố hỏa hoạn; khối kiểm kê tài sản, xác định thiệt hại tài chính và làm việc với cơ quan bảo hiểm; khối phụ trách thông tin; khối phụ trách thăm hỏi, giải quyết các công việc liên quan tới các hộ dân, đơn vị bị ảnh hưởng; khối phát triển sản xuất… Cũng chính tại buổi họp này, Rạng Đông quyết định chấm dứt sản xuất đèn dây tóc, đèn huỳnh quang Compact (sản phẩm có sử dụng thủy ngân).

Kế hoạch khắc phục thiệt hại và phục hồi sản xuất nhanh chóng được thông qua. Tuy nhiên, vấn đề lớn chính là uy tín của Rạng Đông trước luồng dư luận trái chiều đầy hoài nghi và hậu quả xã hội để lại từ đám cháy rất nặng nề, phải giải quyết ra sao?

Mất một khoảng lặng, nén lại cảm xúc, ông Trần Trung Tưởng, Phó tổng giám đốc Rạng Đông mới bật ra thành lời: “Thời điểm đó, tôi rất sợ phải nghe điện thoại...”.

Nhìn lại tất cả sự cố lớn ở các doanh nghiệp mà thường mất rất nhiều năm mới có thể phục hồi, ông Tưởng cho hay, lúc đó chính ban lãnh đạo Rạng Đông cũng không ai nghĩ trong vòng 1 năm có thể vượt qua được.

“Giai đoạn 2015-2016 sản phẩm đèn tròn dây tóc và đèn huỳnh quang Compact chiếm tới 70% doanh thu của công ty. Tới năm 2019, thời điểm bị cháy, loại sản phẩm này còn chiếm hơn 8,5% tổng doanh thu. Trong thời kỳ khó khăn như vậy, nếu bỏ sản xuất đồng nghĩa vứt luôn gần 10% doanh số, nguồn. Thế nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm bỏ toàn bộ sản phẩm cũ, thanh lý hết thiết bị, tập trung tăng trưởng sản phẩm đèn Led, không để một nhân viên nào phải nghỉ việc, đảm bảo lương thưởng đầy đủ... Kết quả hôm nay cho thấy, đó là quyết định rất dũng cảm và đúng đắn”, vị lãnh đạo chia sẻ.

Kết quả 4 tháng cuối năm 2019, doanh thu của Rạng Đông đạt hơn 1.900 tỷ đồng , gấp 1, 67 lần trước khi cháy; lợi nhuận thực hiện đạt 188 tỷ đồng, gấp 2,2 lần trước khi cháy. Không những không giảm tiền lương của nhân viên, Rạng Đông còn trích thưởng Tết Canh Tý cao hơn năm trước, với hệ số 1, nhân viên nhận mức 59 triệu đồng/người; hệ số chức danh thấp nhất gần 100 triệu đồng/người.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2020, Rạng Đông thu về 3.060 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ, trong đó sản phẩm đèn LED chiếm tới 80% doanh số; lợi nhuận đạt 262 tỷ đồng tăng 28,1% so cùng kỳ; duy trì công ăn việc làm cho khoảng 2.100 cán bộ công nhân, thu nhập bình quân đạt 14,5 triệu đồng/người/tháng tăng 4,3% so cùng kỳ…

“Rạng Đông không chỉ có phích nước, bóng đèn”

Dẫn chúng tôi tham quan dây chuyền tự động hóa ứng dụng đồng bộ sản xuất tinh gọn (Lean) trong sản xuất sản phẩm Led, anh Trần Hoàng Tùng cho biết, chỉ 1 công nhân giờ đây có thể vận hành hệ thống cả 3 - 5 máy. Sau mỗi lần đổi mới về công nghệ, công ty liên tục thuê các chuyên gia về đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân.

Trước câu hỏi về môi trường sản xuất của Rạng Đông hiện nay, anh Tùng cho biết: “Chip mạch điện tử dùng trong sản xuất đèn Led rất dị ứng với các chất độc như clo, flo, brom, lưu huỳnh… Nếu được lưu giữ trong môi trường không đạt yêu cầu thì bản thân chất lượng sản phẩm sẽ có vấn đề. Do đó, Rạng Đông đã trang bị các máy phân tích Rohs hạn chế các thành phần độc hại hay máy siêu âm kiểm tra các mối hàn… Đây cũng chính là một trong những yêu cầu cơ bản để sản phẩm có thể xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ hay Nhật Bản”.

Cầm trên tay chiếc đèn Led M36, anh Trần Nguyên Thế tự hào khoe: “Đây chính là sản phẩm “Make in Việt Nam”, không chỉ tiết kiệm điện mà còn có công suất sáng hơn 20% sản phẩm Led thông thường. Chỉ sau 5 tháng bán ra thị trường, bộ đèn M36 đã tiêu thụ hơn 200 nghìn bộ/quý và đóng góp 70% vào doanh thu sản phẩm mới”.

“Khi nhắc tới Rạng Đông, nhiều người vẫn có cảm giác một thương hiệu cổ điển với những sản phẩm đơn thuần là bóng đèn, phích nước. Thế nhưng qua 4 tầng công nghệ, Rạng Đông hôm nay đã lột xác hướng tới hệ sinh thái Led 4.0 trên nền tảng số. Trong tương lại không xa, sản phẩm Rạng Đông không chỉ phục vụ chiếu sáng đơn thuần mà còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống từ chăm sóc sức khỏe cho tới trí tuệ, công nghệ truyền dẫn…”, Phó tổng giám đốc Trần Trung Tưởng nói và cho biết thêm, tới nay, sản phẩm Rạng Đông đã xuất khẩu tới 47 quốc gia, có hơn 7 nghìn đại lý trên toàn quốc. Dự kiến năm 2025, Rạng Đông sẽ xây dựng và hoàn thiện nhà máy thông minh Make in VietNam tại khu công nghiệp Láng Hòa Lạc với quy mô 100 nghìn m2.

Lãnh đạo Công ty Rạng Đông cho biết, từ sau vụ cháy, phong trào phát huy sáng kiến đổi mới trong Rạng Đông được đẩy mạnh, bất kể ai cũng có thể đưa ra sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Trên cơ sở đó, các thành viên trong Ban điều hành Quỹ Đầu tư mạo hiểm của công ty sẽ đánh giá, nếu khả thi sẽ đầu tư ngay mà không phải qua nhiều khâu trình duyệt.

Trong 9 tháng đầu năm, đã có hơn 1.200 sáng kiến cải tiến từ nhân viên Rạng Đông đưa lên; trong đó 431 sáng kiến cải tiến được áp dụng có hiệu quả trong thực tế, 327 sáng kiến đang triển khai áp dụng. Cũng trong 9 tháng đầu năm 2020, Rạng Đông đã cho ra mắt 12 nhóm sản phẩm mới với 180 nhãn hàng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.