Xã hội

“Một người làm quan, cả họ được nhờ”, cách nào chấm dứt?

31/01/2018, 09:24

Theo đánh giá của Ban Tổ chức T.Ư, việc kiểm soát quyền lực còn tồn tại, bất cập.

19

Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng

Lạm quyền, lộng quyền, cố tình đánh giá sai cán bộ

Ban Tổ chức T.Ư vừa đưa ra lấy ý kiến về Dự thảo chuyên đề Kiểm soát quyền lực và phòng, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ, trong đó đã nhận định rất rõ về tình hình kiểm soát quyền lực và phòng, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức T.Ư, việc kiểm soát quyền lực còn tồn tại, bất cập. Đặc biệt, có tình trạng lạm quyền, lộng quyền xuất hiện ở nhiều khâu trong công tác cán bộ. Trong đánh giá cán bộ, có trường hợp cố tình đánh giá sai, báo cáo không trung thực về khuyết điểm, yếu kém của cán bộ để đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm; có cán bộ suy thoái, năng lực yếu vẫn được nhận xét tốt, xếp xuất sắc, thậm chí được cất nhắc, bổ nhiệm.

Trong quy hoạch cán bộ, có trường hợp lạm dụng quyền lực, tạo điều kiện cho việc “chạy” vào quy hoạch của một số cá nhân không đúng nguyên tắc, quy trình. Trong điều động và luân chuyển cán bộ, có trường hợp lợi dụng để bố trí người cùng phe cánh, cùng lợi ích nhóm hoặc lợi dụng để trù dập cán bộ. Hoặc cán bộ được điều động, luân chuyển không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn. Năm 2017, kết luận thanh tra của thanh tra Bộ Nội vụ cho biết, Gia Lai có 283 công chức lãnh đạo, quản lý bổ nhiệm chưa đáp ứng tiêu chuẩn; Sóc Trăng có 108/550 hồ sơ khi bổ nhiệm không đáp ứng một số tiêu chuẩn.

Một Vụ có 21 hàm Vụ trưởng, Vụ phó

Theo tờ trình của Bộ Chính trị trình Hội nghị T.Ư 6, cả nước hiện có 81.492 lãnh đạo cấp phó từ thứ trưởng đến phó phòng cấp huyện trong tổng số 375.442 cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên, chiếm 21,7%. Đặc biệt, khối Đảng có cơ quan trong một vụ có 6 hàm vụ trưởng và 7 hàm vụ phó; khối Nhà nước có vụ có 3 hàm vụ trưởng và 18 hàm vụ phó.

Đặc biệt, đã phát hiện nhiều sai phạm trong tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm thần tốc, bổ nhiệm thừa cán bộ hoặc bổ nhiệm cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện. Điển hình là sai phạm của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trong việc tiếp nhận, điều động bà Trần Vũ Quỳnh Anh từ nhân viên hợp đồng ở đơn vị sự nghiệp về làm công chức chuyên môn, trong thời gian ngắn bổ nhiệm làm phó trưởng phòng, trưởng phòng và đề nghị quy hoạch chức danh Phó giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa.

Ở một số cấp ủy, địa phương, việc tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà khi chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn, bổ nhiệm người thân, người cùng phe cánh của người đứng đầu đã thể hiện rõ nét dấu hiệu lộng quyền, lạm quyền trong công tác cán bộ, gây dư luận, tâm lý bức xúc trong xã hội. Một số quy chế trong công tác cán bộ chưa đề đủ, chặt chẽ nên bị một số cán bộ lãnh đạo, quản lý lách luật thực hiện ý đồ cá nhân.

Cụ thể, như ở Hà Giang, Bình Định, Nghệ An, Cần Thơ, Yên Bái, Đà Nẵng khi bổ nhiệm một số trường hợp còn thiếu tiêu chuẩn; trình tự bổ nhiệm không đúng. Tại Bộ Công thương, hàng chục cán bộ được bổ nhiệm thời kỳ ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng không đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện quy định...

Đặc biệt, trường hợp ông Lê Phước Thanh, Bí thư Quảng Nam nhiệm kỳ 2010-2015 đã có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm con trai Lê Phước Hoài Bảo giữ nhiều chức vụ khác nhau không đủ tiêu chuẩn, vi phạm quy trình, thủ tục. Ngoài ra, có cả trường hợp bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý đối với con trai bị bệnh tâm thần xảy ra tại BV Đa khoa huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.

Chạy chức, quyền kéo theo chạy tuổi, chạy bằng cấp

Về tình hình chống chạy chức, chạy quyền, Đảng nghiêm túc, thẳng thắn thừa nhận chạy chức chạy quyền, kéo theo chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy chế độ, chạy luân chuyển chưa được ngăn chặn, đẩy lùi với những diễn biến tinh vi, phức tạp, xuất hiện ở cả T.Ư và cấp cơ sở. Việc lợi dụng các dịp lễ, Tết sinh nhật để chạy chức chạy quyền còn diễn ra phức tạp dưới nhiều hình thức.

Nhận thức được thực trạng này, Đảng đã thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn. Trong đó, tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng nghiêm trọng liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, trong đó có cán bộ cấp cao.

Tuy nhiên, phòng chống chạy chức chạy quyền còn nhiều bất cập. Năm 2017, cả nước đã chuyển đổi vị trí công tác 29.261 cán bộ, công chức, viên chức nhưng ở một số nơi thực hiện nội dung này chưa thường xuyên, còn hình thức, thiếu thanh, kiểm tra. Nhiều tổ chức Đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện, đấu tranh chống chạy chức, chạy quyền. Những hạn chế đó tạo điều kiện, cơ hội cho một bộ phận cán bộ, công chức trèo cao, “chui sâu” trong khi đạo đức, năng lực, trình độ không tương xứng với vị trí đảm nhiệm, tạo ra các nhóm lợi ích cấu kết, lũng đoạn quyền lực, vơ vét tài sản của Nhà nước, làm cho nạn tham nhũng ngày càng nhức nhối. Nó còn làm mất cơ hội, thui chột ý chí, nhiệt huyết phấn đấu, cống hiến của những cán bộ có thực lực...

Cán bộ chưa “miễn dịch” với tác động tiêu cực từ bên ngoài

Nhận định về nguyên nhân, Ban Tổ chức T.Ư cho rằng, tình hình kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ kém hiệu quả, nạn chạy chức chạy quyền diễn biến phức tạp do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Về khách quan, còn quan niệm “một người làm quan cả họ được nhờ”, hay có chức sẽ có quyền, có quyền sẽ có tiền và bổng lộc, hình thành những người cơ hội, ham chức nên muốn chạy. Về chủ quan, do nhận thức, một bộ phận cán bộ đảng viên, kể cả người có chức có quyền suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, có biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm. Công tác lãnh đạo còn chưa quyết liệt, nhiều cấp ủy lơ là, xem nhẹ, thiếu quyết tâm chính trị trong đẩy lùi chạy chức chạy quyền. Đặc biệt, một số cán bộ lãnh đạo các cấp, có cả lãnh đạo cấp cao còn tiếp tay, bao che, dung dưỡng cho chạy chức, chạy quyền.

Trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ còn thiếu dân chủ, công tâm, khách quan. Chính sách tiền lương, thu nhập cũng chưa làm cho cán bộ “miễn dịch” với tác động tiêu cực từ bên ngoài. Trong khi đó, ta lại chưa có cơ chế loại bỏ cán bộ không đủ đạo đức ra khỏi bộ máy.

Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng đồng tình với giải pháp ngăn nạn chạy chức chạy quyền, kiểm soát quyền lực của Ban Tổ chức T.Ư đưa ra, đó là việc quan tâm, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực cần được đặt lên hàng đầu, còn kiểm soát trong công tác cán bộ chỉ là một phần nhỏ trong đó. “Thể chế hoàn thiện nhưng bản thân thể chế không có chân chạy được, mà nó phải được vận động trong cả bộ máy, do cán bộ thực hiện. Vì vậy, yếu tố cán bộ rất quan trọng”, ông Nhưỡng nói và góp ý, Quốc hội nên đưa việc giám sát chất lượng cán bộ vào chương trình giám sát tối cao. Vì vừa qua, Quốc hội đã giám sát về tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, tức là mới giám sát phần vỏ của ngôi nhà. Bây giờ cần tiếp tục giám sát “nội thất” ngôi nhà chung của Nhà nước để làm nốt những việc quan trọng là trong sạch hóa đội ngũ cán bộ, qua đó củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Ông Nhưỡng cho rằng, phải đánh giá được chất lượng cán bộ mới có thể tính phương án hoàn thiện thể chế. Và khi xây dựng thể chế phải lưu ý cả việc có quy chế xử lý cán bộ vi phạm.

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền cũng cho rằng, không phải cứ có chức là có quyền, hoặc được trao quyền chưa hẳn là có thế lực. Việc kiểm soát cần phải phân định rạch ròi, kiểm soát quyền lực phải luôn gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, cần thiết phải quy định bằng pháp luật. Đặc biệt, nếu còn kiểu lựa chọn, bổ nhiệm theo cơ cấu thì sẽ còn kiểu chạy chức chạy quyền khó mà kiểm soát được. Vì ngay từ đầu đã có chạy quy hoạch, "chạy" cơ cấu rồi. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.