Chuyện dọc đường

Một nửa sự thật... BOT

23/02/2017, 07:33

Thông tin sau kiểm toán 27 dự án BOT giảm gần 100 năm thu phí được đăng tải thực sự gây sốc dư luận.

2

Đường Hồ Chí Minh đoạn km 1793+600 - km 1824+00 tỉnh Đắk Nông là một trong những dự án giảm thời hạn thu phí sau kết luận của Kiểm toán Nhà nước - Ảnh: Minh Thi

Thông tin sau kiểm toán 27 dự án BOT giảm gần 100 năm thu phí được đăng tải những ngày qua thực sự gây sốc dư luận. Nhiều người bày tỏ thái độ bất bình và cho rằng, có sự gian dối và khuất tất trong việc triển khai các dự án này. 

Thậm chí, có người còn tô hồng như một chiến tích của kiểm toán khi phát hiện ra những lỗ hổng và thất thoát của BOT. Sự thật có hẳn như vậy?

Để hiểu cặn kẽ về BOT giao thông, cần quay trở lại khoảng thời gian cách đây 5 năm, khi đó BOT là thứ gì đó khá xa xỉ. Sau khủng hoảng kinh tế, nguồn lực từ ngân sách Nhà nước cạn kiệt, dự án giao thông đắp chiếu hàng loạt. Để gỡ nút thắt hạ tầng, ngành GTVT và các cơ quan chức năng tìm đủ mọi biện pháp để hút thêm nguồn lực, trong đó huy động BOT được coi là cứu cánh, nhưng các nhà đầu tư vẫn ngoảnh mặt. Lý do là các dự án giao thông lợi nhuận thấp, quá nhiều rủi ro và nguồn vốn quá lớn. Sau nhiều nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý, nguồn vốn ngân hàng gần như “đóng băng” bởi các thị trường như bất động sản, chứng khoán cho vay và đầu tư quá nhiều rủi ro... nên đầu tư hạ tầng giao thông mới được để ý.

Chủ tịch HĐQT TASCO Phạm Quang Dũng – một nhà đầu tư BOT tiếng tăm, khi được hỏi lý do vì sao bỏ tiền vào BOT giao thông trả lời rất thẳng: “Vốn ngân hàng không ai vay, không ai làm thì các nhà đầu tư mới quan tâm đến các BOT giao thông. DN đi làm để lấy công làm lãi, khai thác nhân công, không bị thất nghiệp thôi. Chứ lợi nhuận tính cho nhà đầu tư chỉ khoảng 10-12% trên vốn chủ sở hữu chẳng có gì hấp dẫn”. Do đó, theo ông Dũng, với các dự án BOT, nhà đầu tư phải quản lý chặt chẽ, khắt khe hơn nhiều so với các dự án ngân sách mới có thể có lãi. Vì mỗi dự án BOT đều được các cơ quan thanh, kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ nên không thể thất thoát.

Thực tế, trong những năm qua dù dự án giao thông sử dụng vốn gì, cũng được ngành GTVT quản lý chặt như vốn ngân sách. Lãnh đạo Bộ GTVT nhiều lần khẳng định, BOT không phải của nhà đầu tư mà do người dân đóng phí nên suy cho cùng cũng là tiền của dân. Vì vậy, tất cả các khâu từ lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu thi công, quản lý tiến độ, chất lượng đến quyết toán, nghiệm thu công trình đều phải làm chặt như dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Nói riêng công tác thanh quyết toán, không ít người vẫn nhầm lẫn giữa tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu với giá trị quyết toán công trình. Thực tế, theo quy định trong các hợp đồng BOT, sau khi dự án hoàn thành, giá trị quyết toán mới là giá trị để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư ký kết hợp đồng xác định thời gian hoàn vốn cho dự án. Bởi trong cơ cấu tổng mức đầu tư, bao giờ cũng có phần chi phí dự phòng, gồm dự phòng về trượt giá và dự phòng khối lượng. Giá trị đầu tư chỉ xác định được khi công trình đã hoàn thành. Thời gian qua, sau khi các dự án BOT hoàn thành, tiến hành quyết toán, đồng thời Bộ GTVT chủ động lập các đoàn thanh, kiểm tra, hàng chục dự án đã giảm được tổng mức đầu tư và giảm trừ thời gian thu phí. Trong số đó, có cả các dự án nằm trong danh mục 27 dự án được truyền thông đăng tải sau kiểm toán nêu trên.

Có một câu nói nổi tiếng: “Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật”. Nếu thông tin một chiều, hoặc thiếu khách quan sẽ dẫn đến sự thật bị bóp méo. Nhiều nhà đầu tư kêu trời khi hàng loạt báo vẫn đăng rải rác những thông tin kiểu “một nửa sự thật” đó. “Chúng tôi đầu tư ngoài tìm kiếm lợi nhuận còn góp phần xây dựng đất nước. Đọc những thông tin đó, chúng tôi thấy mình bị coi như những tội đồ. Như vậy ai còn dám đầu tư !?”, một nhà đầu tư chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.