Thi viết về GTVT

Mót từng viên đá mở đường 21A chi viện miền Nam

01/12/2022, 06:30

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, QL1A chi viện cho miền Nam bị máy bay đánh phá ác liệt. Trung ương quyết định mở thêm tuyến 21A để “chia lửa”..

Mở đường mới chi viện chiến trường

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Hà Tĩnh nằm trong “tọa độ chết” trên tuyến giao thông Bắc - Nam. Nơi đây phải gánh chịu hàng vạn tấn bom do máy may Mỹ oanh tạc suốt ngày đêm.

Máu của nhiều thanh niên xung phong, người dân nơi đây đã đổ xuống để tuyến đường được thông suốt cho những chuyến xe cứu trợ miền Nam.

img

Ông Võ Tá Lý kể lại nhiều chiến tích cũng như sự mất mát hi sinh của lớp TNXP tỉnh Hà Tĩnh

Theo tính toán, chỉ tính riêng trong 3 tháng thời kì đầu của chiến tranh, từ 10/4/1965 - 7/7/1965, dọc theo các tuyến đường mòn trong hệ thống Trường Sơn Đông qua địa bàn Hà Tĩnh đã bị máy bay Mỹ đánh phá tới 194 trận, với 1.715 lượt chiếc, ném xuống 20.107 quả bom các loại, chưa kể hàng ngàn quả đạn rốc-két và đạn pháo ca-nông bắn từ Biển Đông lên.

Trong đó, có nhiều «tọa độ chết» như: Cầu La Khê tại xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, đoạn tiếp giáp với huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) bị đánh 194 lần, với 2.133 quả bom; Cầu Rác trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên bị đánh 152 lần, với 670 quả bom; Đèo Ngang tiếp giáp với huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) bị đánh tới 135 lần, với 1.380 quả bom...

Năm nay đã 81 tuổi, song ông Võ Tá Lý (trú tại xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh), vẫn nhớ như in ký ức khi còn là TNXP tham gia mở tuyến đường 21A, đoạn từ Ngã ba Khe Giao (Hà Tĩnh) đến La Khê sang Tân Ấp (Quảng Bình), với chiều dài hơn 54km.

Ông Lý nhớ lại, thời điểm đó, đế quốc Mỹ đánh phá rất rát tuyến đường QL1A. Để đảm bảo chi viện vũ khí, đạn dược, lương thực cho chiến trường miền Nam bắt buộc phải mở thêm những tuyến đường mới để “chia lửa” cho tuyến QL1A. Hàng nghìn cán bộ, TNXP, bộ đội khắp nơi được điều động làm nhiệm vụ mở đường 21A.

Thời điểm đó, ông Lý đang là giáo viên dạy ở trường làng Thạch Trung. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ngày 10/7/1965 ông gia nhập vào Đại đội TNXP 534, nhận nhiệm vụ cùng với các đại đội TNXP khác như Đội N35 Hà Nam (có 8 đại đội với 1.600 người, đến năm 1968 được bổ sung thêm 8 đại đội của tỉnh Thái Bình); Đội N37 Nam Định; Đội N43 Hà Nội và Đội N41 Hải Phòng hỗ trợ cho Cục Công trình I (Bộ GTVT) do ông Phạm Diêu làm Giám đốc thi công tuyến đường.

Ăn quả rừng chống đói

img

Những chuyến xe vận tải chở hàng chi viện cho miền Nam trên những cung đường chiến lược

“Nhiệm vụ của chúng tôi bấy giờ là chặt cây, phá đá, bạt taluy để máy móc của đơn vị Cục Công trình I tiến vào san ủi làm đường. Có những đoạn TNXP phải khai thác đá theo cách tìm bới, moi móc những hòn đá đơn độc nằm rải rác lộ thiên một phần trên các triền đồi, khe suối theo tinh thần “mổ bụng đồi, moi gan suối” lấy đá làm tràn để xe vượt ngầm qua các con suối”, ông Lý nhớ lại.

Các đơn vị phải mót nhặt, phá những tảng đá to thành đá hộc, chắt chiu từng hòn đá nhỏ, đan rọ thép B40 để giữ cho đá khỏi trôi mỗi khi lũ về.

Đến cuối năm 1966, tuyến đường 21A thông suốt, hòa vào hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Đội 534 TNXP Hà Tĩnh tiếp tục được giao nhiệm vụ bảo vệ thông đường cho từng chuyến xe qua.

Ông Lý kể, thời bấy giờ, tiêu chuẩn gạo ăn của TNXP là 21kg/tháng nhưng tuổi thanh niên, lại làm việc nặng suốt ngày đêm nên lúc nào cũng thấy đói. Và rất may là thời đó, quả sim chín trên các sườn núi chính là cứu cánh cho những cơn đói cồn cào của lứa thanh niên đang ở độ tuổi “ăn không biết no”. Sim thời đó ra quả kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm.

“Vào thời điểm tháng 6/1966, khu vực tuyến đường 21 mới mở có rất nhiều voi, có đàn tới 10 - 15 con đủ loại to nhỏ. Có tiểu đội TNXP ra tuyến sớm ăn sim chín bị một đàn voi vây lấy dưới chân đồi, phải ngồi chờ hàng tiếng đồng hồ, khi voi di chuyển đi nơi khác mới xuống đi làm được. Gà rừng thì nhiều lắm, cả trâu rừng, lợn rừng đi hàng đàn ngay trên đường tuyến mới mở”, ông Lý nhớ lại.

Thanh xuân gửi lại

Đang hứng khởi kể lại thời oanh liệt thì giọng ông Lý như chùng xuống. Ông kể, để thông các tuyến đường cho đoàn xe từ miền Bắc chi viện vào chiến trường miền Nam, có rất nhiều đồng chí, đồng đội của ông tuổi đời mười tám, đôi mươi đã vĩnh viễn nằm lại vì bom đạn quân thù.

“Trong quá trình làm đường và sau này là đảm bảo thông đường thì máy bay địch quần thảo, rải bom không biết bao nhiêu lần mà kể. Vào ngày 30/6/1966, khi đang đảm bảo thông tuyến thì máy bay Mỹ thả bom toàn tuyến, đại đội lúc đó có 6 người hi sinh không tìm thấy thi thể… Khi đó, tôi mới 23 tuổi, được bầu làm Đại đội phó, Bí thư chi đoàn. Tôi lãnh nhiệm vụ đứng ra làm khâm liệm, chôn cất cho cả 6 người”, giọng ông Lý như nghẹn lại.

Kinh hoàng nhất là sự kiện ngày 7/1/1973. Địch tập trung hàng loạt máy bay B52 rải bom xuống đoạn Km10 - Km17 gây thương vong cho quân dân ta hơn 400 người…

Ông Lê Văn Liêm, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Hà Tĩnh cho biết, trong 10 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh có 14.970 nam nữ TNXP biên chế vào 7 đội gồm 59 đại đội, trong đó có 3 đại đội độc lập đã hoạt động trên các tuyến đường, các tọa độ lửa suốt từ Hà Tĩnh vào Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế - đường 9 Nam Lào.

“Kết thúc chiến tranh, 382 người đã hy sinh, trong đó 283 người được công nhận liệt sỹ, 4.505 người là thương binh, 4 tập thể, 3 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng”, ông Liêm thông tin.

Đường 21 từ Khe Giao qua ngã ba Thình Thình dọc theo hữu ngạn sông Ngàn Sâu vào Tân Ấp, Quảng Bình với chiều dài 53km và đến cuối năm 1966, tiếp tục mở đường 22 với chiều dài 29km, vượt qua hơn 10 con suối khe sâu. Đây là tuyến đường mà địch đã đánh phá rất ác liệt.

Ngày nay, tuy các tuyến đường 21, 22 chỉ còn những dấu tích nhưng cứ mỗi lần đến các ngày lễ, Hội cựu TNXP Hà Tĩnh lại cùng với các đoàn thể đều tìm đến để thắp hương, tri ân tưởng nhớ các thế hệ đã ngã xuống.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.