Thời sự

MTTQ có giám sát hoạt động của tổ chức Đảng?

22/10/2014, 14:19

Đây là nội dung được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết còn nhiều ý kiến khác nhau khi trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) sáng nay (22/10).

Ban giám sát cộng đồng xã Hải Dương (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) tham gia giám sát công trình xây dựng đê chống lũ - ảnh báo Quảng Trị
Ban giám sát cộng đồng xã Hải Dương (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) tham gia giám sát công trình xây dựng đê chống lũ - ảnh: Báo Quảng Trị

Theo ông Phan Trung Lý, qua thảo luận, đa số ý kiến thành viên Uỷ ban pháp luật tán thành với dự thảo Luật không quy định việc Mặt trận tổ quốc VN tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên, phản biện xã hội đối với dự thảo đường lối, chính sách của Đảng.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, một trong những điểm mới của Hiến pháp vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2013 là ghi nhận chức năng của Mặt trận trong việc “giám sát và phản biện xã hội”, đồng thời quy định Đảng “chịu sự giám sát của nhân dân”.

Như vậy, việc giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước của Mặt trận tổ quốc Việt Nam (MTTQ) được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, áp dụng với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cả tổ chức Đảng, đảng viên cũng như đường lối, chính sách của Đảng.

Do đó, ý kiến này đề nghị dự thảo Luật cần được bổ sung quy định về việc MTTQ tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với cả dự thảo đường lối, chính sách của Đảng.

Liên quan đến một số vấn đề cụ thể, về cơ bản, Ủy ban pháp luật tán thành việc dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định cụ thể về nhiệm vụ của MTTQ trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và được thể hiện tại Chương III của dự thảo Luật.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân của MTTQ cần phải được thể hiện rõ hơn.

Trong khi đó, về hoạt động giám sát của MTTQ, Ủy ban pháp luật nhận thấy, so với Luật hiện hành, Chương V của dự thảo Luật quy định về hoạt động giám sát đã mở rộng hơn phạm vi giám sát, đối tượng giám sát nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp.

"Tuy nhiên, cần phân định rõ giám sát của MTTQ với giám sát của cơ quan dân cử mang tính quyền lực nhà nước để từ đó xác định đúng tính chất, quy mô giám sát, giá trị pháp lý của kết luận giám sát do MTTQ thực hiện; mối quan hệ giữa giám sát của MTTQ với các hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết.

Còn về hoạt động phản biện xã hội của MTTQ, theo Ủy ban pháp luật, nhiều ý kiến tán thành quy định của dự thảo Luật về đối tượng và nội dung phản biện xã hội và cho rằng, trong điều kiện hiện nay thì phải chăng chỉ nên giới hạn phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án của cơ quan Nhà nước cùng cấp có liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền và trách nhiệm của MTTQ như quy định tại Điều 34 của dự thảo Luật là phù hợp.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, mục tiêu của phản biện xã hội là để tham gia xây dựng Nhà nước, do đó không nên chỉ giới hạn phản biện đối với dự thảo văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án của cơ quan Nhà nước mà phản biện cả những văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án đã được ban hành, phê duyệt. Bởi vì, chính trong quá trình tổ chức thực hiện các văn bản, chương trình, dự án này mới bộc lộ những hạn chế, bất cập, từ đó đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung để làm tốt hơn.

Bình Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.