Xã hội

Mù Cang Chải đứng dậy sau lũ dữ

21/08/2017, 07:23

Những lỗ thủng to bằng chiếc giường trên tường phòng học như nhắc nhở về sự tàn phá kinh hoàng của cơn lũ.

19

Người dân Mù Cang Chải tranh thủ lượm những khúc gỗ to mang về dựng nhà

Sau nửa tháng từ ngày cơn lũ ống kinh hoàng ập đến, mặc những tảng đá lớn vẫn nằm ngổn ngang bên dòng suối cuồn cuộn chảy và mưa vẫn nặng hạt, người dân Mù Cang Chải bắt đầu trở lại nhịp sống hàng ngày, trẻ em vui cười đến trường, người lớn chung tay khắc phục hậu quả, ổn định đời sống.

Vượt 60km mỗi ngày để tìm chồng

Trở lại Mù Cang Chải sau 15 ngày cơn lũ dữ đi qua, dòng suối Nậm Kim đục ngầu vẫn cuồn cuộn chảy. Phía bên kia bờ, trường tiểu học và THCS Mù Cang Chải đã được lực lượng dân quân và người dân dọn sạch bùn đất. Nhưng những lỗ thủng to bằng chiếc giường trên tường phòng học tầng 1 vẫn còn đó, như nhắc nhở về sự tàn phá kinh hoàng của cơn lũ.

Chị Khà Thị Kim (SN 1988, xã Mường Cang, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) ngồi thất thần bên đống đổ nát ở tổ 8, đưa tay vuốt sợi tóc xòa xuống gương mặt hốc hác, tâm sự, chồng chị là anh Nùng Văn Do (SN 1985) bị mất tích khi lũ ống tràn về, đến giờ chưa được tìm thấy.

“Anh ấy chịu khó lắm. Ai thuê gì cũng làm, từ lắp hộp điện đến đi xe ôm, chở đồ,… miễn sao có tiền phụ vợ chăm con. Cách đây 4 tháng, anh cùng em trai ra Mù Cang Chải mở quán bán điện thoại. Ngày 1/8, anh ấy về qua nhà đến 10h sáng 2/8 trở lại cửa hàng, tiện đường chở đàn vịt đi bán. Vậy mà chỉ sáng hôm sau, mẹ con tôi đã không được thấy anh nữa”, chị Kim đưa tay chấm mắt nói.

Từ lúc nhận tin chồng gặp nạn, chị Kim nhờ bà ngoại từ Hòa Bình lên trông con, xin nghỉ dạy rồi đều đặn mỗi sáng lại đi xe máy vượt 60km đường đèo núi từ Than Uyên sang Mù Cang Chải, theo chân lực lượng chức năng tìm chồng.

Được biết, sau ngày 18/8, lực lượng cứu hộ sẽ ngừng tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Chị Kim nói: “Dù không được hỗ trợ tìm chồng nữa, tôi cũng không bỏ cuộc. Sang tuần tôi sẽ trở lại trường, đi làm để lo cho các con, những ngày nghỉ, tôi sẽ lại đi tìm anh”, chị Kim nói.

Em Giàng Thiều Liên (SN 2001, trú tại tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải) thay mẹ đến UBND huyện nhận quà hỗ trợ cho biết, Liên là con gái lớn của anh Giàng A Hù (cán bộ đài PTTH huyện) đã mất sau trận lũ ống, cả căn nhà và tài sản cũng bị lũ cuốn trôi. “Sau lễ tang của bố, em cùng mẹ và em trai đến ở nhờ trong căn phòng của cơ quan bố. Nhập học rồi nhưng em xin phép trở lại lớp muộn một chút để phụ mẹ, chờ mọi thứ ổn định hơn em sẽ đến trường”, Liên tâm sự.

20

Nỗi lo lắng đã vợi bớt trên khuôn mặt những người dân bị thiệt hại sau lũ ống

Cùng nhau đứng dậy sau lũ

Cùng PV trở lại trường tiểu học và trung học Mù Cang Chải, nơi cơn lũ tàn phá nặng nề nhất, bà Lương Thị Xuyến, Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, lãnh đạo nhà trường đã phối hợp cùng lực lượng dân quân chuyển toàn bộ 18 lớp học với gần 600 học sinh về cơ sở mới ở tổ 3 thị trấn. Các hạng mục còn lại bao gồm 12 phòng học mới đang được đẩy nhanh tiến độ để có thể bàn giao trước ngày nhập học chính thức (21/8).

Sáng 17/8, Ủy ban ATGT Quốc gia đã phối hợp cùng Công ty Honda Việt Nam, Công ty Yamaha Motor Việt Nam, doanh nghiệp vận tải hành khách Thiên Thảo Nguyên đã tổ chức thăm hỏi và trao tặng xe mô tô, trao quà hỗ trợ người dân bị thiệt hại sau trận lũ ống xảy ra rạng sáng 3/8 tại huyện Mù Cang Chải.
Đoàn Công tác do Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng đã trao tặng 10 xe máy cho 10 gia đình bị mất toàn bộ nhà cửa, tài sản và phương tiện do mưa lũ; hỗ trợ 446 triệu đồng cho các gia đình có người mất, người bị thương và có nhà bị hư hỏng hoàn toàn.

Tính đến ngày 16/8, huyện Mù Cang Chải đã đón 376 đoàn từ thiện với tổng số tiền hỗ trợ gần 12 tỷ đồng và nhiều nhu yếu phẩm như gạo, mỳ tôm, sữa; vật dụng thiết yếu như đồ dùng gia đình, bàn ghế, thuốc men...

Cũng theo bà Xuyến, hiện các trường trên địa bàn đang thiếu khoảng 500 bộ bàn ghế học sinh. Mới đây, một tổ chức xã hội đã trao tặng 100 bộ bàn ghế, chính quyền huyện đã ưu tiên bàn giao cho trường tiểu học và đang kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ số bàn ghế còn thiếu dành cho học sinh cấp 2, cấp 3. "Bằng mọi cách chúng tôi không để các em thiếu thốn trang thiết bị học tập", bà Xuyến khẳng định.

Những ngày qua, chính quyền địa phương cũng đã phối hợp cùng nhà trường và phụ huynh tích cực vận động, hỗ trợ các em đến trường. “Tính đến nay, 90% học sinh trên địa bàn đã trở lại lớp. Số khác, chúng tôi vẫn đang tích cực vận động”, bà Xuyến nói.

Tại xã Dế Xu Phình, sáng 17/8, không khí lao động diễn ra hăng say, người cuốc đất, người san gạt, tiếng gọi nhau, trò chuyện không ngớt. Được biết, từ ngày 10/8, tỉnh Yên Bái đã điều động lực lượng quân đội cùng lực lượng tại chỗ giúp nhân dân san nền, dựng nhà cho 30 hộ dân có nhà bị sập đổ hoàn toàn và các hộ thuộc diện phải di dời khẩn cấp.

Anh Mùa A Tông (tổ 8 thị trấn Mù Cang Chải) cho biết, nhà bị lũ cuốn, anh cùng vợ con đang ở nhờ anh trai. “Chính quyền huyện đang tích cực tìm đất cho gia đình tôi chuyển đến để dựng nhà. Ruộng vườn bị lũ cuốn trôi hết, không còn đất canh tác, cũng may được các tổ chức xã hội giúp đỡ, chính quyền quan tâm, người dân chúng tôi không bị đói rét, cuộc sống cũng dần ổn định”.

Đầu giờ chiều 17/8, dọc con đường đến chợ trung tâm thị trấn, chúng tôi bắt gặp những người dân tộc Mông đang gùi rau, dưa mèo, măng tre, quần áo thổ cẩm,… xuống chợ bán. Tiếng người chào nhau, hỏi thăm tình hình sức khỏe xen lẫn tiếng cười đùa của trẻ nhỏ từ trường mầm non Hoa Lan bên kia suối Nậm Kim vọng đến. Dường như sức sống đã quay trở lại với cuộc sống và người dân khốn khó nơi đây.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.