Bất động sản

Mua bán cổ phần dự án BĐS, chiêu lách luật chiếm hữu quyền sử dụng đất

14/10/2021, 09:15

Theo Phó chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, mua bán cổ phần dự án BĐS là "chiêu trò" lách luật để bán dự án khi chưa đủ điều kiện.

Chuyển nhượng dự án phải đáp ứng điều kiện hạ tầng

Trao đổi với PV Báo Giao thông về việc dự án bất động sản (BĐS) hàng trăm, nghìn tỷ được chào bán trên thị trường, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc, Công Ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội cho biết, nhằm mục đích tạo điều kiện linh hoạt cho các nhà đầu tư, Pháp luật Việt Nam cho phép nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án do mình thực hiện cho nhà đầu tư khác.

img

Dự án Nhà ở Sài Đồng, Long Biên đang rao bán

Tuy nhiên, để chuyển nhượng, cần phải đáp ứng các điều kiện quy định. Đơn cử như: Dự án đầu tư hoặc phần dự án đầu tư chuyển nhượng không bị cơ quan chức năng chấm dứt hoạt động; bảo đảm điều kiện về quốc phòng, an ninh; quy định pháp luật về đất đai như có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất không có tranh chấp, quyền sử dụng đất không bị kê biên ....

Bên cạnh đó, việc chuyển nhượng phải tuân thủ theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS 2014 như: Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đã có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng được phê duyệt. Dự án, phần dự án chuyển nhượng đã hoàn thành xong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.

"Đối với trường hợp chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thì phải xây dựng xong các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt", vị luật sư cho hay.

Mua bán cổ phần, "lách luật" để chiếm hữu dự án

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch CLB BĐS Hà Nội cho biết, hoạt động mua bán cổ phần, nguyên nhân chủ quan có thể do doanh nghiệp ôm đất, giữ đất chờ tăng giá. Nhưng thực tế cũng tồn tại những nguyên nhân khách quan, đó là nhiều dự án được giao cho chủ đầu tư thiếu năng lực, dẫn đến chậm triển khai, thiếu vốn... không triển khai được dự án. Thay vì trả lại, doanh nghiệp bản sang tên cho một doanh nghiệp khác dưới hình thức bán cổ phần, chuyển nhượng toàn bộ công ty nhưng về bản chất là bán doanh nghiệp kèm tài sản, dự án, quyền sở hữu về đất.

Doanh nghiệp mới có thể sử dụng quyền sử dụng đất để xây dựng dự án nhà ở mà không phải làm quy trình đấu giá lại từ đầu theo quy định đất đai hiện hành. Do đó, cơ quan chức năng nhà nước cần có cơ chế giám sát, quản lý để không bị thất thoát ngân sách.

Trước đó Báo Giao thông đã đưa tin, nhiều dự án BĐS nghìn, trăm tỷ trên địa bàn thành phố Hà Nội "rao bán như rau". Cụ thể: Dự án Đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp và nhà ở, địa chỉ ngõ 64 Sài Đồng, quận Long Biên; Dự án Khu nhà ở thương mại thấp tầng tại phường Minh Khai, Bắc Từ Liêm; Dự án toà nhà hỗn hợp thương mại, văn phòng, nhà ở tại Quốc Oai chào bán dưới hình thức chuyển nhượng cổ phần với giá 460 tỷ; Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và siêu thị tại Gia Thuỵ, quận Long Biên; Dự án xây dựng trụ sở văn phòng làm việc tại Mỹ Đình, Nam Từ Liêm chào bán 70 tỷ, Dự án Tổ hợp đa năng 63 Nguyễn Huy Tưởng chào bán 1.200 tỷ...

Theo UBND TP Hà Nội, trên địa bàn tồn tại 383 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai. Trong đó, 295 dự án đã được giao đất, cho thuê đất; 88 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; 161 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai.

Trước tình trạng nhiều lô đất bỏ hoang, chưa đưa vào sử dụng, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông ký văn bản thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành rà soát, lập hồ sơ xử lý đối với các dự án đã được gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định của Luật Đất đai nhưng vẫn chưa đưa vào sử dụng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.