Xã hội

Mưa lũ lịch sử, Phó Thủ tướng họp khẩn trong đêm

16/10/2016, 05:54
image

Mưa lũ, ngập lụt tại miền Trung, Phó Thủ tướng họp khẩn trong đêm, hiện đường sắt Bắc - Nam vẫn tê liệt.

Mua-lu-lich-su-Pho-Thu-tuong-chu-tri-hop-khan-tron

Đêm 15/10, sau khi kiểm tra trực tiếp công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì họp khẩn về mưa lũ tới 12h đêm tại Quảng Bình

Tối 15/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trực tiếp tới Quảng Bình kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và chủ trì cuộc họp khẩn trong đêm tại UBND tỉnh.

Cuộc họp kéo dài đến 12h đêm.

Báo cáo Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, trong ngày 13, 14 và sáng 15/10, tại Quảng Bình đã xảy ra mưa lớn kéo dài. Mưa phổ biến 600-900mm, một số nơi như Đồng Hới, Hàm Ninh trên 950 mm. Mưa lớn làm hầu hết các địa bàn rơi vào tình trạng ngập lụt, nhiều nơi như Bố Trạch, Tx. Ba Đồn, Tp. Đồng Hới, Lệ Thuỷ, Minh Hoá... nước lũ nhấn chìm nhà cửa, cô lập làng bản.

Mua-lu-lich-su-Pho-Thu-tuong-chu-tri-hop-khan-tron

Trận mưa lũ lịch sử khiến Thị xã Ba Đồn ngập sâu trong nước, người dân chỉ còn cách chèo thuyền để đi lại

 >>> Cận cảnh giải cứu hành khách trên tàu SE19 bị kẹt do mưa lũ

Trước tình hình lũ lụt diễn biến khó lường, lực lượng chức năng đã tiến hành sơ tán gần 2.000 hộ dân đến nơi an toàn. Toàn tỉnh có khoảng 56.618 nhà dân bị ngập, 56 nhà bị tốc mái, 500ha hoa màu, 600 ha cây trồng bị thiệt hại do nước lũ, 2000 tấn lương thực bị hư hỏng, 2.000 gia súc và 100.000 gia cầm chết, bị cuốn trôi, các tuyến đường giao thông bị tê liệt hoàn toàn.

Trong đợt lũ lụt lần này, Quảng Bình đã xảy ra liên tiếp các vụ người qua suối, khe tràn bị nước lũ cuốn trôi. Có 9 người chết trong quá trình chằng chống nhà cửa, di rời tài sản và phòng chống lũ; 10 người mất tích do chìm tàu, lật đò, nước lũ cuốn trôi

Mua-lu-lich-su-Pho-Thu-tuong-chu-tri-hop-khan-tron

Nước lũ dâng cao gây ngập đường, cuốn trôi dải phân cách, khiến QL1 qua Quảng Bình bị chia cắt hoàn toàn

Các lực lượng chức năng đang huy động tối đa nhân lực, phương tiện để khẩn trương giúp dân phòng chống và khắc phục hậu quả mưa lũ. Trên biển, lực lượng Bộ đội biên phòng và cảng vụ hàng hải đã tổ chức ứng cứu 5 tàu chở hàng bị trôi và mắc cạn, cứu sống 6 thuyền viên, cứu 5 tàu cá và toàn bộ ngư dân trên tàu đưa về nơi neo đậu an toàn; tổ chức cứu nạn, chuyển tải thành công 132 hành khách trên tàu SE19 bị mắc kẹt tại ga Lệ Sơn, Minh Hóa. Đồng thời, giúp hỗ trợ thức ăn, nước uống, đồ dùng sinh hoạt cho 366 hành khách lưu lại trên các đoàn tàu khách ở các ga Mỹ Đức, Đồng Hới, Lệ Sơn.

Video mưa lũ lịch sử tại miền Trung (nguồn: VTC):

>>> Nghệ An: Mưa lớn bản làng chia cắt, học sinh nghỉ học

Đáng nói, mặc dù giao thông đường bộ đường sắt bị chia cắt, cô lập ở nhiều nơi, nhưng với sự chủ động trong công tác ứng phó lũ lụt và tổ chức giao thông, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình không xảy ra các vụ việc đáng tiếc do xe đi vào vùng ngập. Số lượng phương tiện bị ngập nước, hư hỏng cũng được hạn chế đến mức tối đa.

"Thiệt hại toàn tỉnh Quảng Bình sau trận lụt lịch sử lên đến hàng nghìn tỷ đồng, đề nghị TƯ quan tâm hỗ trợ khẩn cấp khoảng 5.000 tấn gạo cứu đói cho người dân, hỗ trợ cây con giống cho người dân tái nuôi trồng, sản xuất, thuốc phòng dịch; hỗ trợ tỉnh khoảng 1.000 tỷ đồng để sửa chữa khôi phục lại cơ sở hạ tầng và hạ tầng giao thông và hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống", ông Hoài đề xuất.

Về giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhìn nhận, Quảng Bình thiệt hại rất nặng nề, trong đó nặng nhất là khoảng 90 km đường sắt. Hiện toàn bộ tuyến đường sắt Bắc - Nam vẫn đang tê liệt. Các tuyến quốc lộ và đường tỉnh qua Quảng Bình cũng bị hư hỏng nặng nề. "Qua đợt lũ lụt này có thể thấy nhiều đoạn tuyến thường xuyên xảy ra ngập gây chia cắt đường cần phải được nâng cấp như đoạn Km909 -912 đường Hồ Chí Minh nhánh Đông; một số vị trí trên QL1, dải phân cách trở thành vật cản ngăn nước, vì vậy sắp tới Bộ sẽ yêu cầu các đơn vị liên quan lên phương án thay thế bằng hệ thống dải phân cách mềm dễ tiêu thoát nước", Thứ trưởng Thọ nói.

Sau khi nghe các báo cáo, Phó Thủ tướng cho biết, đây là trận mưa lũ lịch sử; các địa phương đã chủ động, triển khai phòng chống, tuy nhiên do lũ lớn, có nhiều yếu tố bất ngờ nên các tỉnh vẫn bị thiệt hại nặng nề. Phó Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao tinh thần chủ động, sự nỗ lực của các lực lượng chức năng trong quá trình phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ.

"Chính quyền địa phương cần quan tâm kịp thời tới các hộ bị thiệt hại do mưa lũ, nhất là các gia đình có người chết người bị thương. Phấn đấu thông nhanh nhất tuyến đường sắt Bắc - Nam, đảm bảo an toàn quá trình phương tiện lưu thông trên QL1, đường Hồ Chí Minh khi nước lũ rút. Chính phủ và các bộ ngành sẽ vào tiếp tục sát cánh cùng các lực lượng chức năng và nhân dân địa phương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ này", Phó Thủ tướng cam kết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.