Xã hội

Mưa lũ miền Trung: Đường vùng rốn lũ ngập sâu 3-4m, giao thông tê liệt

09/10/2020, 15:00
image

Sáng 9/10, mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp ở miền Trung gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tuyến giao thông.

img
Đường vào xã Lộc Yên, bị ngập sâu

Hà Tĩnh: Giao thông chia cắt, sạt taluy dương

Trưa 9/10, ghi nhận của PV Báo Giao thông, khu vực “rốn lũ” Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh vẫn có mưa to từng đợt.

Mưa lớn kéo dài, cùng với lũ trên các sông vẫn tiếp tục dâng khiến cho nhiều tuyến đường bị ngập, gây chia cắt cục bộ giữa các địa phương.

Điển hình, tại Km434+600, QL15A bị ngập từ sáng sớm cùng ngày. Một công nhân Hạt trưởng Hạt giao thông số 4 (thuộc Công ty Cổ phần QL&XDCT giao thông Hà Tĩnh) đang gác tại đây cho biết: Khoảng lúc 5h30 sáng hôm nay, mực nước ngập sâu đến khoảng 40cm.

“Ngay sau khi phát hiện, hạt đã tiến hành rào đường và cắt cử công nhân cảnh giới để điều tiết giao thông”, công nhân này cho biết thêm.

Trên tuyến đường tỉnh 553 cũng có nhiều điểm bị ngập cục bộ, như các đoạn Km48+750 - Km48+850 và đoạn Km50+700. Trong đó, có những đoạn nước ngập sâu 50 - 60cm.

Trong khi đó, các tuyến đường huyện, đường xã, tình trạng ngập cục bộ diễn ra nghiêm trọng hơn.

Điển hình là tuyến đường Lê Hữu Trác đoạn cuối thị trấn Hương Khê đi sang xã Lộc Yên bị ngập sâu trong nước. Một người dân sống ở đây cho biết: Đoạn đường bị ngập sâu khoảng 3 - 4m, giao thông tê liệt hoàn toàn.

Video nhiều tuyến đường ở "rốn lũ" Hương Khê bị ngập và sạt lở do mưa lũ

Ngược lại, tuyến đường từ xã Phúc Trạch vào xã Hương Liên từ hai ngày hôm nay lại bị sạt lở taluy dương nghiêm trọng. Khoảng hơn 200m đường bị đất, đá từ trên núi sạt lở xuống đường gây chia cắt hoàn toàn.

Ông Nguyễn Văn Dương (ở xóm 3, xã Hương Liên) cho biết: Sáng hôm nay, vợ chồng ông đưa một số giấy tờ ra cho con ngoài thị trấn để vào Huế nhập học. Khi đến đoạn đường này thì bị đất đá sạt lở chắn ngang đường nên vợ chồng ông phải gửi xe máy ở phía bên kia và cuộc bộ đi sang bên này.

“Tuyến đường này mới được thi công, trước đây đã bị sạt lở nhưng được khắc phục tạm thời, giờ mưa lại sạt tiếp. Rất mong các cấp chính quyền địa phương có phương án khắc phục triệt để, lâu dài để người dân đi lại, nhất là những ngày mưa lũ”, ông Dương nói.

Một tuyến đường khác vào xã Hương Liên là đi qua cầu tràn xã Hương Lâm nhưng cầu tràn này cũng đang bị nước dâng ngập nên xã Hương Liên đang bị chia cắt với bên ngoài.

Ngoài ra, nhiều điểm, cầu tràn ở trên các tuyến đường ở các xã Phúc Đồng, Hương Đô, Hương Lâm cũng bị ngập nước gây chia cắt cục bộ.

Bên cạnh đường giao thông, nhiều vùng trồng cây ăn quả, cây lâu năm cũng bị nước ngập sâu gây nguy cơ hư hỏng rất cao.

Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi lại trong sáng ngày 9/10:

img
Đường tỉnh 553 ngập sâu trong nước
img
Tuyến đường vào xã Phúc Đồng bị ngập sâu trong nước
img
Các phương tiện phải quay đầu khi đi đến Km434+600, QL15A
img
Theo một người dân địa phương, tuyến đường Lê Hữu Trác đoạn cuối thị trấn Hương Khê đi sang xã Lộc Yên ngập sâu tới 3 - 4m
img
Tuyến đường từ xã Phúc Trạch vào xã Hương Liên bị sạt lở taluy dương lấp hoàn toàn khoảng hơn 200m đường
img
Giao thông từ xã Phúc Trạch về xã Hương Liên qua đoạn này bị chia cắt hoàn toàn, các phương tiện phải quay đầu
img
Nhiều vùng cây ăn quả của người dân Hương Khê cũng bị nước ngập sâu
img
Các đơn vị chức năng đang phối hợp khắc phục đoạn nền đá đường sắt Bắc - Nam bị trôi đến tà vẹt trong đêm

Thừa Thiên - Huế: Nước ngập đến thân ray, nền đá bị trôi

Ghi nhận của PV Báo Giao thông sáng 9/10, tại Thừa Thiên - Huế mưa to, hàng chục cán bộ, công nhân đường sắt vẫn đang tiếp tục khắc phục vị trí nền đá đường tàu bị trôi tại đoạn Km 656 tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, đoạn qua xã Phong Thu (huyện Phong Điền).

Trước đó, vào tối 8/10, do mưa lớn và nước lũ đã làm đoạn đường sắt Bắc Nam tại Km 656 (phía Bắc ga Phò Trạch), nước ngập đến thân ray, nền đá bị trôi đến tà vẹt với độ sâu khoảng 3,5m, rộng gần 4m làm ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu, lập tức đã được các lực lượng chức năng phong tỏa để phối hợp khắc phục.

Clip: Các lực lượng chức năng đang xếp đá gia cố vị trí đường sắt Bắc Nam bị nước ngập đến thân ray, nền đá bị trôi đến tà vẹt

Đồng thời, tàu SE2 trên hành trình từ Nam ra Bắc phải dừng tại ga Phò Trạch (thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), chuyển tải 270 hành khách bằng ô tô ra ga Mỹ Chánh (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) và đón khoảng 300 hành khách từ ga Mỹ Chánh vào ga Huế tiếp tục hành trình ngay trong đêm.

Hàng chục cán bộ, công nhân cùng thiết bị máy móc được huy động vận chuyển đá đến khẩn trương gia cố. Máy phát điện cũng được huy động đến hiện trường để đội sửa chữa xếp rọ đá tiếp gia cố đoạn đường sắt bị hư hỏng do mưa lũ.

CLIP: Các đơn vị khẩn trương xếp rọ đá gia cố vị trí đường sắt bị hư hỏng do mưa lũ

Đến 3h45 sáng 9/10, đường sắt đoạn qua Km 656 tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế cơ bản được sửa chữa khắc phục xong, thông tàu 5km/h.

Đến hơn 8h sáng cùng ngày (9/10), mực nước tại đoạn đường sắt Bắc - Nam trên đã rút xuống, nhưng vẫn còn khá cao và trời tiếp tục mưa to. Các đoàn tàu lưu thông qua đoạn này với vận tốc 5km/h.

Hàng chục cán bộ, công nhân Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên vẫn đang tiếp tục khẩn trương khắc phục vị trí đường sắt này để đảm bảo tốc độ lưu thông trên tuyến.

img
Đến hơn 8h sáng 9/10, nước đã rút xuống nhưng vẫn còn khá cao, trời tiếp tục mưa to

Cũng tại Thừa Thiên - Huế, một số đoạn QL1 qua huyện Phong Điền… bị ngập khá sâu do nước không thoát kịp. Hàng loạt xe ô tô chạy qua với tốc độ cao tạt nước vào người đi đường tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

img
Hàng loạt nhà dân gần QL1 phía thượng lưu cầu Phò Trạch (huyện Phong Điền) đang bị ngập sâu trưa 9/10

Trong khi đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế biết, căn cứ tình hình diễn biến lũ, sáng 9/10, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu Công ty CP thủy điện Hương Điền tiếp tục vận hành điều tiết hồ Hương Điền.

Clip: Mưa xối xả trưa 9/10, đoạn QL1 qua thị trấn Phong Điền bị ngập do nước không thoát kịp

Do tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế đã có thông báo khẩn cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học ngày 9/10.

img
Người đi xe máy bị ngã trên QL1 đoạn qua thị trấn Phong Điền trưa 9/10

Trước đó, chủ động ứng phó với mưa lũ, huyện Phong Điền đã tổ chức di dời 296 hộ, 857 khẩu tại các xã Phong Mỹ, Phong Hòa, Phong Bình, Phong Thu và một số hộ dân tại thị trấn Phong Điền đến nơi an toàn. Huyện A Lưới đã di dời 26 hộ dân tại các xã Hồng Thượng, Đông Sơn, A Ngo và Phú Vinh; thị xã Hương Trà di dời 11 hộ/ 44 khẩu đến nơi an toàn.

Mưa lũ khiến 1 nhà dân tại thôn Hiền Lương (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền) bị sập, 1.100 nhà dân thuộc các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Thu (huyện Phong Điền) và phường An Tây (TP Huế) bị ngập từ 0,3- 0,8m; 1 người mất tích và 4 người bị thương...

Quảng Nam: Nhiều tuyến đường trọng yếu bị sạt lở

img
Những núi đất đá vùi lấp mặt đường được hót dọn, chất thành đống cao quá đầu người trên tuyến QL14B

Sáng 9/10, Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cho hay, nhiều tuyến đường trọng yếu trên địa bàn đang bị sạt lở, đất đá, bùn đất vùi lấp nghiêm trọng, nhiều vị trí còn ngập sâu trong nước. Các đơn vị, lực lượng quản lý các tuyến đường đang nỗ lực khắc phục, xử lý nhằm đảm bảo ATGT.

Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, cho biết: Đến thời điểm này, mưa lũ gây sạt lở, đất đá vùi lấp mặt đường, cống thoát nước, rãnh dọc các tuyến QL khoảng 7.350m3. Tuyến ĐT 606 bị hư hỏng do đất đát sạt lở, rãnh dọc bị bồi lấp, cây cối ngã đổ ngang đường nghiêm trọng. Hiện đơn vị quản lý đang tập trung lực lượng đảm bảo giao thông bước 1. Tuyến ĐH11ĐG bị sạt mái taluy âm ước tính khoảng 17.000m3; tuyến ĐH15ĐG sạt lở mái taluy âm ước khoảng 540m3.

"Nhằm đảm bảo giao thông, các đơn vị, lực lượng quản lý đã huy động tối đa nhân lực, phương tiện không quản ngày đêm di chuyển đất đá, khơi thông mặt đường, nối lại các huyết mặc giao thông trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, nhiều vị trí tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng, ngập sâu trong nước lũ, khiến giao thông vẫn còn chia cắt", ông Văn Anh Tuấn thông tin.

Theo ghi nhận của PV, vào lúc 15h15 chiều 8/9, tại km 68+500, km68+700 (đoạn qua thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) tuyến QL14B đã thông xe bước 1 sau khi lực lượng chức năng triển khai khắc phục hót dọn khối lượng đất đá tràn lấp mặt đường, khơi thông cống rãnh.

Trên tuyến QL14D, tại km13+27 đã thông xe trở lại sau khi bị đất đá vùi lấp; tại km23+900 vẫn còn tắc đường do đất đá sạt lở, tràn lấp mặt đường. Hiện các lực lượng quản lý đang nỗ lực khắc phục, thông tuyến.

Trên QL14E, nước lũ đã bắt đầu rút, vị trí ngập sâu tại km25+130, km65+400 điểm cầu Khe Rinh nước đã rút và đã thông xe trở lại. Giao thông trên các tuyến QL40B, QL24C… đã thông xe bình thường.

Đến sáng nay (9/10), các tuyến đường tỉnh lộ: ĐT615, ĐT609, ĐT609B, ĐT606 nhiều vị trí còn ngập sâu, gây chia cắt giao thông. Cụ thể, tại km7+700, km8+100 trên tuyến ĐT615 nước lụt còn gây ngập sâu hơn 0,5m. Trên tuyến ĐT609, các điểm km 20+500, km25+400, km31+400 nước lũ đã rút, cơ bản thông xe; tuy nhiên tại km33+100 nước lũ còn ngập sâu hơn 0,5m, giao thông còn ách tắc.

Nghiêm trọng hơn, tại ngầm tràn xã Lăng lý trình km17+650 tuyến đường ĐT606 nước còn ngập sâu hơn 1m, gây tắc đường; từ km12-km64 trên tuyến ĐT 606 đi xã Axan, Ch’ơm (huyện biên giới Tây Giang) nhiều vị trí bị sạt lở nghiêm trọng, gây tắc đường, chia cắt các vùng dân cư.

Hiện nay, hoạt động giao thông đường thủy trên địa bàn Quảng Nam bị hạn chế. Mực nước các sông Thu Bồn tại trạm Thu Bồn ở mức cao 5,3m (ở mức báo động I), sông Vu Gia tại trạm Vu Gia là 6,35m (trên mức báo động I), sông Thu Bồn tại trạm Ngọc thành là 1,4m (dưới mức báo động II).

img
Một điểm sạt lở hoàn toàn mặt, nền đường khiến tuyến ĐH11ĐG (địa bàn xã Ka Dăng-Axờ, xã Ma Cooih, huyện Đông Giang) bị đứt gãy, giao thông chia cắt.

Theo ông Văn Anh Tuấn, đáng lo nhất, giao thông trên nhiều tuyến đường huyện, giao thông nông thôn bị thiệt hại nặng nề.

Cụ thể, trên tuyến ĐH11ĐG (địa bàn xã Ka Dăng-Axờ, xã Ma Cooih, huyện Đông Giang) bị sạt lở hoàn toàn nền đường gây đứt đường. Tuyến ĐH15ĐG (địa bàn A Dinh, thị trấn Prao, huyện Đông Giang) vào thôn A Duông 2 bị sạt lở nghiêm trọng gây chia cắt giao thông.

Ông Tuấn cho hay: Đối với các vị trí ngập lụt gây ách tắt giao thông, Sở GTVT tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các lực lượng quản lý đặt biển cảnh báo trước vị trí ngập lụt, đồng thời tổ chức chốt chặn không cho lưu thông. Đối với các vị trí bị sụt trượt, sạt lở, tràn lấp mương dọc, mặt đường, các lực lượng thực hiện cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông; Hót đất sạt lở, sụt trượt, khơi thông rảnh thoát nước dọc, đảm bảo nước thoát không chảy tràn ra mặt đường nhằm kịp thời bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

"Để đảm bảo ATGT trên các tuyến đường bị ảnh hưởng, Sở GTVT tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Thanh tra Sở GTVT phối hợp với lực lượng CSGT và các địa phương phân luồng giao thông từ xa và lưu thông đảm bảo an toàn; các đơn vị bảo trì đường bộ, đường thủy nội địa tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ, dọn dẹp đảm bảo giao thông bước 1. Đồng thời, chuẩn bị nhân lực, máy móc để sẵn sàng xử lý, khắc phục khi có sự cố sạt lở xảy ra; các biện pháp khắc phục để đảm bảo giao thông đi lại được an toàn, thông suốt sau khi kết thúc đợt mưa lũ", ông Tuấn cho biết.

>>> Những hình ảnh về công tác khắc phục sạt lở, đảm bảo giao thông trên các tuyến đường ở Quảng Nam:

img
Nhân lực, phương tiện máy móc làm việc hết công suất nhằm đảm bảo giao thông thông suất
img
Khắc phục các điểm xung yếu trên tuyến QL
img
Phương tiện khơi thông cầu cống đảm bảo thoát nước lũ, bảo vệ công trình cầu
img
Nhiều vị trí tại các tuyến giao thông trọng yếu ở Quảng Nam còn bị ngập sâu, đất đá vùi lấp, khiến giao thông bị chia cắt
img
Công tác khắc phục được thực hiện gấp rút, chạy đua với thời tiết khắc nghiệt

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.