Y tế

Mùa xuân vẫn bên ngoài cánh cửa buồng bệnh Covid-19

29/01/2022, 10:30

Với các y bác sĩ nơi tuyến đầu điều trị bệnh nhân Covid-19, mùa xuân vẫn đang ở phía bên ngoài cánh cửa của buồng bệnh.

Những ngày áp Tết, khi nhà nhà chộn rộn sắm sửa chuẩn bị cho ngày đoàn tụ với gia đình, thì ở các khu điều trị Covid-19, các y bác sĩ vẫn lặng lẽ, miệt mài chăm sóc, điều trị bệnh nhân.

Điều buồn nhất là tiếp nhận sản phụ F0 chưa tiêm vaccine

Cũng cành đào, cây quất nhưng không khí Tết trong Trung tâm điều trị sản phụ mắc Covid-19 thuộc BV Phụ sản Hà Nội không háo hức, chỉ có những bước chân vội vã của các y bác sĩ khi xuất hiện các ca trở nặng, tiếng thở dài của các sản phụ nhớ nhà và tiếng khóc chào đời của các bé sơ sinh phải xa mẹ ngay khi lọt lòng...

Hiện ở đây lúc nào cũng kín giường với con số khoảng 140 bệnh nhân, trong đó có nhiều sản phụ mắc Covid-19 chuyển nặng.

img

Các y bác sĩ vẫn miệt mài chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ

Là một trong gần 50 y bác sĩ vào ca trực vòng trong xuyên Tết điều trị bệnh nhân là sản phụ mắc Covid-19, BS. Tạ Việt Cường, BV Phụ sản Hà Nội cho biết: “Ở trong Trung tâm điều trị Covid-19 này, chúng tôi không còn khái niệm về ngày 26, 27 hay 30, mùng 1 Tết nữa. Mỗi ngày là một vòng xoay quanh các bệnh nhân Covid-19”.

Nhiều năm trực Tết nhưng với bác sĩ Cường, đây là 1 năm đặc biệt khi dịch bệnh bùng phát khắp các tỉnh thành và đặc biệt là tại Hà Nội, với lượng bệnh nhân là các sản phụ rất lớn. Đáng nói, hệ lụy của Covid-19 với các sản phụ rất khó lường.

“Với chúng tôi, điều buồn nhất là khi tiếp nhận các sản phụ Covid-19 chưa tiêm vaccine phòng bệnh. Bởi đa phần sản phụ trở nặng đều do chưa tiêm vaccine, và đều phải chỉ định đình chỉ thai kỳ để mang lại cơ hội sống cho cả mẹ và con. Đáng tiếc là với các thai phụ đang ở tuần thai thứ 26, 27 trở nặng rất nhanh, xuất hiện suy hô hấp, khó thở với hình ảnh 1 bên phổi trắng xóa, để cứu mẹ, chúng tôi phải hội chẩn với quyết định cuối cùng là đình chỉ thai kỳ và không có hi vọng cứu được thai nhi”, BS. Cường chia sẻ.

Theo BS. Cường, ở đây cũng có những mẹ bầu nhập viện với triệu chứng khá nhẹ, và âm tính sau ít ngày nhập viện. Nhiều mẹ bầu năn nỉ với bác sĩ cho ra viện để về nhà đón Tết bên gia đình “nhưng với các trường hợp chúng tôi phải khuyên bệnh nhân, nếu có được xuất viện cũng vẫn phải về theo dõi sức khỏe tại các trạm y tế xã phường. Vậy tốt nhất nên ở lại, vì sức khỏe bản thân và thai nhi”.

“Điều chúng tôi mong mỏi nhất là các sản phụ nên chủ động tiêm phòng vaccine khi thai kỳ đã bước qua tuần thứ 13. Hệ lụy vì không tiêm vaccine khi mắc Covid-19 đối với sản phụ là rất lớn, nhất là khi Hà Nội vẫn liên tục ghi nhận gần 3 nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Rất có thể số sản phụ mắc Covid-19 còn tăng cao hơn nữa khi nhu cầu giao lưu trong dịp Tết nguyên đán này”, BS. Cường cho biết.

Sẽ đón Tết cùng gia đình qua smartphone

BS. Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở đón nhận điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng lớn nhất phía Bắc) trong những ngày này vẫn chạy ngược xuôi điều hành theo dõi điều trị cho những F0 nặng, nguy kịch.

Theo BS. Khiêm, khoảng 2 tháng gần đây, số ca nặng trong khoa Hồi sức tích cực luôn cao nhất từ trước tới nay. Khoa phải triển khai, mở rộng quy mô đến 200% công suất giường so với kế hoạch.

Nếu như mọi năm, anh em cố gắng phân chia nhau trực để đón Tết cổ truyền ở nhà với gia đình năm nay tại khoa chỉ có một nhóm rất nhỏ, khoảng 10 người đã trực chiến trong bệnh viện trong khoảng thời gian 3 tháng trở lên được nghỉ Tết. Số cán bộ y tế còn lại sẽ trực chiến suốt thời gian Tết. Năm nay các anh em sẽ đón thời khắc giao thừa với người thân qua smartphone.

Còn theo BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, hiện, cơ sở 2 Đông Anh mỗi ngày 500 giường này đều kín chỗ. Trong tình huống bệnh nhân quá nặng tăng nhanh, bệnh viện sẽ tận dụng mọi vị trí, điều kiện, để tăng lên thành 600 giường ICU.

“Với chúng tôi, Tết cũng như ngày thường, phải duy trì đủ nhân lực để đảm bảo điều trị cho bệnh nhân. Khoảng 2 tháng nay số lượng bệnh nhân Covid-19 tăng mạnh, bệnh viện thường xuyên quá tải. Nếu như trước đây, thứ Bảy, Chủ nhật nhân viên y tế được nghỉ thì giờ mọi người làm việc không có ngày nghỉ. Hiện tại số lượng bệnh nhân nặng rất lớn”, ông Cấp cho hay.

Chia sẻ về vất vả của đội ngũ y bác sĩ nơi đây, BS. Cấp cho hay, về lý thuyết, một bệnh nhân bình thường nếu thở máy cần ít nhất 1 điều dưỡng chăm sóc, 1 ca ECMO thì cần tới 3-5 người hỗ trợ. Một bác sĩ nếu chỉ phụ trách 2-3 ca ECMO là đã quay cuồng hết nguyên ca trực. Để đáp ứng lượng lớn bệnh nhân nặng, nguy kịch, cán bộ y tế thường xuyên phải làm việc gấp đôi, thậm chí gấp 3 công suất.

"Vào ca trực, nhân viên y tế hoàn toàn không có khái niệm ngày đêm, ngày nghỉ hay lễ Tết, làm việc liên tục các ngày trong tuần. Không chỉ thế, cường độ làm việc trong ca trực điều trị Covid-19 cũng cao hơn rất nhiều so với các bệnh lý thông thường", BS. Cấp thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.