Kinh tế

Mừng hay lo khi ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất?

11/07/2017, 07:21

Kể từ 10/7, theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đồng loạt các ngân hàng đều hạ lãi suất cho vay.

Minh Tuấn.

Từ 10/7, các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất cho vay từ 0,25 - 0,5%.

Chênh lệch giữa cung-cầu vốn vay

Tại buổi công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý II/2017 chiều 10/7, các chuyên gia nhận định: Kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực với mức tăng trưởng 6,17%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (5,78%). Tuy nhiên, mức tăng trưởng này được cho là không bền vững, để duy trì trong giai đoạn tiếp theo đòi hỏi nền kinh tế cần phải có sự nỗ lực lớn. Theo đó, lực cản trước hết đến từ nhiều yếu tố thách thức trên thế giới như: Khuynh hướng bảo hộ thương mại của một số quốc gia, lộ trình tăng lãi suất của Fed; những bất định từ tiến trình Brexit tại châu Âu; dấu hiệu giảm tốc của Trung Quốc... Tất cả đều sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Đối với trong nước, chính sách tài chính và tiền tệ cũng đang là tâm điểm được bàn luận nhiều nhất. Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết: Trái ngược với năm 2016, tín dụng trong nửa đầu năm 2017 tăng trưởng nhanh khiến chênh lệch huy động-tín dụng bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, thanh khoản trên thị trường vẫn dồi dào giúp giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất. Cụ thể, tính tới 20/6, tăng trưởng tín dụng đạt mức 7,54% so với tháng 12/2016, cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Trong khi đó, tăng trưởng huy động giảm mạnh chỉ đạt 5,89% (cùng kỳ năm 2016 đạt 8,23%). “Tín dụng tăng nhanh chủ yếu trong những tháng quý II cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng. Ngoài ra, đây cũng là một tín hiệu cho thấy sự cải thiện trong khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tín dụng tăng nhanh trong khi huy động thấp tạo ra tình trạng chênh lệch giữa cung và cầu vốn vay”, ông Thành phân tích.

Dù tín dụng tăng trưởng nhanh song mặt bằng lãi suất cho vay lại không có nhiều biến động, phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với các gói vay kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm đối với các gói vay trung và dài hạn. Theo ông Thành, chính những lý do trên kết hợp với mức lạm phát thấp khiến NHNN đã quyết định hạ lãi suất điều hành kể từ ngày 10/7. Theo đó, các loại lãi suất điều hành đồng loạt hạ 0,25% và trần lãi suất cho vay cũng giảm 0,5%. “Tín dụng tăng trưởng ở mức cao đưa tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam cao hơn so với các quốc gia trong khu vực và xấp xỉ giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2009. Đây là một thực tế cần theo dõi chặt chẽ, vì nó hàm chứa nhiều rủi ro trên thị trường vốn. Nếu vốn ngân sách được đẩy mạnh giải ngân vào cuối năm, có thể gây sức ép mới về thanh khoản và lãi suất. Để bình ổn, NHNN có thể phải bổ sung lượng phương tiện thanh toán về cuối năm. Điều này, trong bối cảnh tín dụng đang tăng trưởng cao hơn tiền gửi, có thể dẫn tới khả năng lạm phát cao hơn trong năm 2018”, ông Thành dẫn giải.

Ngoài ra, theo Viện trưởng VEPR, tình trạng nhiều ngân hàng nước ngoài thoái vốn và thu hẹp hoạt động ở Việt Nam trong thời gian vừa qua cho thấy tính hấp dẫn của hoạt động kinh doanh ngân hàng của Việt Nam đang suy giảm, có thể do những rủi ro tiềm tàng từ nợ xấu và hạn chế tồn tại trong công tác quản trị.

"Chúng tôi cũng lưu ý khả năng những rủi ro lớn có thể xuất hiện trên thị trường tài sản (bất động sản, chứng khoán) khi tín dụng đang tăng nhanh một cách bất thường, dẫn tới những thay đổi không đồng đều trên các thị trường này. Cụ thể, thị trường chứng khoán tăng nhanh, trong khi thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại”.

Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứukinh tế và chính sách

Tín dụng có tăng trưởng nóng?

Nhận định về quyết định hạ lãi suất, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, động thái này thể hiện rõ nét thông điệp của ngành Ngân hàng đó là đồng hành cùng doanh nghiệp. Theo ông Lực, việc giảm lãi suất về cơ bản là có cơ sở khi lạm phát 6 tháng đầu năm nay khá thấp. Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa mới công bố cho thấy, lạm phát toàn phần của Việt Nam giảm sâu trong quý II, trái ngược với xu hướng gia tăng kể từ cuối năm 2015. Đáng lưu ý, ông Lực cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay nhưng giữ nguyên trần lãi suất huy động là cách làm thận trọng và đúng đắn. Lý giải thêm về điều này, ông Lực cho rằng, nếu giảm lãi suất huy động sẽ khiến dòng tiền “chảy” sang nhiều các kênh khác thay vì gửi ngân hàng. Nếu việc huy động vốn gặp khó khăn thì không thể giảm lãi suất hay duy trì lãi suất ở mức thấp.

Nói lý do vì sao lại chọn mức 0,25% chứ không phải cao hơn, ông Lực chia sẻ: Trước khi có quyết định này, NHNN và các tổ chức tín dụng đã có những họp bàn rất kỹ và đánh giá đây là mức phù hợp. “Nếu giảm sâu hơn nữa thì doanh nghiệp hài lòng nhưng đối với các ngân hàng sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là đối với những lĩnh vực ưu tiên vì lợi nhuận quá eo hẹp”, ông Lực nhận định. Theo ông Lực, hiện đầu vào - đầu ra lãi suất ngân hàng chênh lệch khoảng 2%, trong khi các nước khác con số này cao hơn nhiều. Nếu giảm tiếp, ông Lực lo ngại hệ thống ngân hàng khó có thể chịu được.

Trước câu hỏi vì sao không để thị trường tự giảm mà cần phải dùng mệnh lệnh hành chính, ông Lực bình luận: “Bản thân tôi đã có rất nhiều lần đề xuất bỏ trần lãi suất nhưng thực tế, nền kinh tế của chúng ta vẫn còn rủi ro phức tạp. Do vậy, một số trường hợp vẫn phải sử dụng mệnh lệnh hành chính. Một số trường hợp như dự án tốt, doanh nghiệp tốt vẫn luôn có nguồn vốn tốt, đó chính là câu chuyện thị trường”.

Ông Lực cũng cho biết thêm, nhiều ý kiến lo ngại việc giảm lãi suất sẽ khiến tín dụng tăng trưởng “nóng”. Tuy nhiên, theo ông Lực, với mức giảm như hiện nay thì tín dụng cũng sẽ không tăng quá nhanh và chỉ giảm ở một số lĩnh vực. Hiện, những lĩnh vực ưu tiên này chỉ có mức tăng khoảng 12-14%, do vậy vẫn còn dư địa để tăng tiếp.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.