Chất lượng sống

Muốn có lương hưu, lao động tự do vẫn “ngại” đóng BHXH

16/10/2017, 07:30

Dù đã triển khai được hơn 9 năm, song nỗ lực đưa chính sách BHXH tự nguyện đến khu vực phi chính thức...

16

BHXH tự nguyện vẫn chưa hút được lao động tự do tham gia

Tính tới hiện tại, mới chỉ khoảng 1,9% lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện.

Lao động tự do làm gì có lương hưu?

Khi được hỏi, nhiều người vẫn còn rất mơ hồ khái niệm đóng BHXH  được hưởng lương hưu. Mưu sinh bằng quán trà đá vỉa hè, bà Tạ Bích Nga (58 tuổi, trú tại 75 Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội) chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi, chỉ có người làm việc trong cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp lớn mới được đóng bảo hiểm, mới có lương hưu, chứ bán nước như tôi thì làm sao mơ được? Gần 60 tuổi, đáng ra tuổi này người ta về hưu an nhàn rồi, nhưng tôi ngày nào cũng phải lao động. Nắng 410C hay mưa như trút, tôi vẫn phải ngồi đây. Có hai đứa con mà tới giờ vẫn phải lo cho một đứa 19 tuổi, nên tôi phải cố gắng”. Khi được hỏi tại sao không đóng BHXH để được hưởng lương hưu lúc về già, bà Nga thở dài: “Không được hiểu biết về luật thì phải chịu thiệt thòi thôi, giờ có đóng thì cũng muộn. Ước gì mình có đồng lương hưu như người ta thì cuộc sống cũng đỡ hơn một chút…”.

Từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định của Luật BHXH được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH như sau: Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm; Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Theo Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam có hơn 54 triệu lao động, trong đó có gần 40 triệu lao động phi chính thức, làm nghề tự do. Đáng báo động là hầu hết lao động phi chính thức không có BHXH, chiếm tới gần 98%. Chỉ 0,2% số lao động trong nhóm này được đóng BHXH bắt buộc, còn lại 1,9% đóng BHXH tự nguyện. Lý giải về tình trạng này, bà Nguyễn Thu Nga, Giám đốc Trung tâm Nâng cao dân số, lao động việc làm (Viện Khoa học lao động và xã hội) cho biết: Ngay cả khi được tiếp cận, nhiều người lao động tự do vẫn cho rằng thủ tục chất lượng dịch vụ, tư vấn chế độ của BHXH tự nguyện còn chưa tốt bằng các loại bảo hiểm khác…”. Kết quả nghiên cứu khảo sát lao động phi chính thức tại Hà Nội và Nghệ An mới đây cho thấy, có khoảng 10% người lao động mong muốn điều chỉnh mức đóng, thời gian đóng hay tăng chế độ hưởng BHXH tự nguyện chứ không chỉ dừng ở 2 chế độ hưu trí, tử tuất như hiện nay. Mặt khác, nhiều người kỳ vọng về mức đóng cao hơn gấp 3 lần, trung bình hơn 400.000 đồng/tháng (thay vì 154.000 đồng/tháng). “Quan trọng nhất, khâu tuyên truyền chưa thuyết phục nên những lao động không hiểu chưa tham gia. Đặc biệt, có khoảng 56% lao động không tham gia BHXH kể cả khi có thay đổi về chính sách thực hiện. Nguyên nhân bởi họ có tuổi đời khá cao, không đủ thời gian đóng, cũng như các chế độ hưởng BHXH quá ít”, bà Nga nhận định.

Cần hỗ trợ kinh phí đóng BHXH tự nguyện

Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Xuân Mai (Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê) cho biết: Hiện nay, mức đóng BHXH cũng linh hoạt, phù hợp với kinh tế của người lao động. Đặc biệt, lao động thuộc diện hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 30%, người cận nghèo được hỗ trợ 35% và đối tượng khác được hỗ trợ 10%. Tuy nhiên, vẫn có quá nhiều rào cản để mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện trong nhóm lao động phi chính thức tại Việt Nam.  “Những khó khăn trong việc mở rộng diện tham gia BHXH tự nguyện có nhiều nguyên nhân, như khả năng chi trả, thu nhập không ổn định, nhận thức…”, bà Mai nói và kiến nghị: “Nên bổ sung thêm các chế độ của BHXH tự nguyện như: Thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất. Bên cạnh đó, đổi mới nâng cao chất lượng tiếp cận đối tượng trong việc thu - chi BHXH tự nguyện, học tập mô hình bảo hiểm thương mại”.

Theo các chuyên gia, Nhà nước có thể hình thành các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ một phần kinh phí để người lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện cũng như sự linh hoạt trong mức đóng, phương thức đóng. Riêng lao động phi chính thức làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cần phải được đưa vào diện bao phủ của pháp luật về lao động và an sinh xã hội. “Cần phải tính toán các khoản thu phù hợp với hoàn cảnh của lao động nông nghiệp, nông thôn do tính chất công việc có thu nhập thấp và không thường xuyên nên tiền công lao động thấp. Từ đó đưa ra mức đóng và chế độ hưởng BHXH tự nguyện tương thích”, bà Mai nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.