Chuyện dọc đường

Muộn còn hơn không

19/03/2014, 06:10

Chưa bao giờ cầu treo lại được nhắc nhiều đến thế như thời điểm này. Đầu tiên là vụ lật cầu treo Chu Va 6 ở Lai Châu và công tác khắc phục khẩn trương của Chính phủ, Bộ GTVT...

Chưa bao giờ cầu treo lại được nhắc nhiều đến thế như thời điểm này. Đầu tiên là vụ lật cầu treo Chu Va 6 ở Lai Châu và công tác khắc phục khẩn trương của Chính phủ, Bộ GTVT, Y tế và các ngành liên quan, giờ đây là chỉ đạo của người đứng đầu ngành GTVT về việc phải làm ngay cây cầu treo ở bản Sam Lang của tỉnh Điện Biên.

Nói đến cầu treo, người ta nghĩ đến những mặt lợi ích mà nó mang lại nhiều hơn. Loại cầu này có sức cơ động cao, giá trị đầu tư không lớn, thi công nhanh gọn, phù hợp với nhiều loại địa hình nhất là địa hình đồi núi, sức chịu tải có thể đến hàng trăm tấn. Nhưng loại cầu này chỉ phù hợp với những phương tiện nhỏ đi qua.

Đã là cầu, yếu tố chất lượng, đảm bảo an toàn bao giờ cũng phải được đặt lên hàng đầu. Bởi lẽ, cầu dù có giá trị đầu tư không nhiều nhưng khi xảy ra tai nạn lại gây ra hậu quả rất lớn cho người dân, làm mất lòng tin vào các cơ quan quản lý Nhà nước. Vụ cầu Chu Va 6 là một ví dụ điển hình. Sau khi cầu này bị lật hồi cuối tháng 2, các địa phương và bộ, ngành chức năng mới giật mình rà soát lại chất lượng toàn bộ các cầu treo. Phần nhiều cầu đã xuống cấp, cũ kĩ, ọp ẹp... Có cầu được thiết kế đàng hoàng, nhưng không ít cây cầu được làm tạm bợ, sơ sài chỉ là mấy thanh gỗ đan lại với nhau và gác ván lên. Tất nhiên, với những cây cầu như thế, người dân chỉ có thể dò dẫm qua cầu mà không thể đi xe máy hay các phương tiện khác.

Mới đây, một loạt cầu treo ở Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bình Định được đưa vào danh sách buộc phải nâng cấp, sửa chữa. Có cầu buộc phải đình chỉ không cho người dân qua lại để đảm bảo an toàn. Đây là hành động quyết liệt dù muộn còn hơn không, để đảm bảo an toàn cho người dân, tránh được tai nạn đáng tiếc như vụ lật cầu treo Chu Va 6.

Vấn đề cần đặt ra là khi những cây cầu bị đình chỉ thì người dân sẽ qua sông bằng gì? Đây không chỉ là việc đi lại, mà là vấn đề dân sinh. An sinh tốt, thì việc đi lại giao thương trước hết phải thuận tiện, an toàn. Những cây cầu treo không thuộc diện bị đình chỉ, thì phải thường xuyên được bảo dưỡng theo quy trình, tiêu chuẩn như thế nào? Điều này cũng cần sớm được hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện.

Thiện Anh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.