Quản lý

Muốn Đồng bằng sông Cửu Long phát triển phải đột phá hạ tầng giao thông

06/04/2019, 07:13

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để vùng ĐBSCL phát triển, phải tạo đột phá về nhiều lĩnh vực, trong đó có hạ tầng giao thông.

img
Tham dự buổi làm việc còn có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Bộ Trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và các bộ, ngành TW.

Chiều 5/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đông Nam Bộ nhân dịp về dự mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2019 tại TP Cần Thơ.

Báo cáo tình hình giao thông của khu vực ĐBSCL, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, được Đảng và Nhà nước tập trung nhiều nguồn lực, nhưng thời điểm này giao thông vận tải của ĐBSCL vẫn là điểm yếu so với các khu vực khác, ảnh hưởng đến sự phát triển của cả khu vực. "Do khu vực này chủ yếu là vùng đất yếu, phải đầu tư kinh phí, lớn song kết quả thực hiện lại chưa cao, nên giao thông vận tải đang là điểm nghẽn của vùng", Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, về đường bộ, ĐBSCL có 5 trục dọc như: QL1 từ TP.HCM qua Cần T đến Cà Mau, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ... và 6 trục ngang kết nối: Hành lang ven biển phía Đông, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, QL91... Các trục này khi hoàn thành sẽ giúp kết nối cả khu vực với TP.HCM một cách tốt nhất.

Về đường thủy, hàng hải, hàng không, Bộ trưởng Thể cho rằng, khu vực ĐBSCL cũng chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế. Điển hình như hàng hải có nhiều cảng, nhưng chỉ có Cái Cui là lớn nhất, nhưng cũng chỉ cho tàu 10.000 DWT đầy tải, 15.000 tấn giảm tải ra vào. Do đó, ĐBSCL cần có một cảng lớn kết hợp với sân bay Cần Thơ, khi đó cả khu vực mới có thể phát triển đột phá công nghiệp. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ tham mưu cho Chính phủ để có cơ chế tạo đột phá giao thông khu vực ĐBSCL.

Về các dự án giao thông trọng điểm của khu vực Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, đối với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Chính phủ đã ban hành kết luận và quyết định hỗ trợ cho dự án này 2.186 tỉ, trong đó 500 tỉ từ vốn trung hạn, và hơn 1.500 tỉ từ vốn tự thu. Dự kiến cuối năm 2020 sẽ thông được từ Trung Lương - Mỹ Thuận. Nếu không thảm được toàn bộ, sẽ thảm một số đoạn và hoàn chỉnh kết cấu đá để thông tuyến.

img
Bộ Trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thông tin về tình hình giao thông khu vực ĐBSCL

Đối với Cầu Mỹ Thuận 2, Bộ trưởng cho biết hiện đã phê duyệt dự án. Theo kế hoạch, dự kiến dự án sẽ chính thức khởi công vào tháng 12/2019, hoàn thành vào 2023. Còn tuyến cao tốc Mỹ Thuận Cần Thơ, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính bố trí 932 tỉ. Hiện Bộ GTVT đang cho điều chỉnh lại hồ sơ để trong năm 2019 có thể tiến hành mở thầu, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Riêng cầu Rạch Miễu 2, Bộ trưởng cho biết sẽ thực hiện bằng vốn ngân sách Nhà nước, vì khu vực này đã có nhiều trạm BOT, nếu làm nữa thì mật độ sẽ quá dầy.

Phát biểu chỉ đạo, tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để vùng ĐBSCL phát triển, cần tạo đột phá về nhiều lĩnh vực, trong đó có hạ tầng giao thông. “Phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng cứng ở ĐBSCL là rất quan trọng. Lộ trình phát triển giao thông mà Bộ trưởng Bộ GTVT nêu trên là cam kết của Chính phủ và Bộ GTVT đối với 20 triệu người dân ĐBSCL. Các bộ, ngành phải tập trung nguồn lực cho phát triển hạ tầng cứng, trước hết là đường bộ”, Thủ tướng chỉ đạo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.