Xã hội

Muốn hút khách, xe buýt phải “lột xác”

25/05/2017, 09:25

Một trong những lý do chính khiến xe buýt chưa hút khách là do chưa “lột xác” về chất lượng dịch vụ.

10

Thông tin tuyến buýt, vị trí xe, lượng người trên xe... nếu có thể dễ dàng tra cứu trên smartphone sẽ giúp ích rất nhiều cho hành khách - Ảnh: Dương Linh

Lập phần mềm để khách tra cứu trên smartphone

Việc đầu tiên cần làm để cải thiện chất lượng xe buýt là phải lập phần mềm để khách tra cứu trên smartphone và dễ dàng lựa chọn các tuyến buýt phù hợp với nơi mình mong muốn đến, vị trí của các xe buýt. Các thông số có thể cập nhật thêm là hệ số lấp đầy (xe có quá đông khách hay không) để khách lựa chọn.

Tôi xin nói thêm sự cấp thiết của việc làm này. Hàng ngày có một số lượng khách “vãng lai” đến các thành phố lớn. Họ là những người ở quê ra thành phố thăm con cái, họ hàng. Họ là những người đưa người nhà ra thành phố khám chữa bệnh, đưa con đi thi, cũng có thể là khách đi công tác, khách du lịch,… Những người này không sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, không thông thuộc đường và đặc biệt là không biết các tuyến xe buýt, số xe buýt gắn với tuyến, giờ chạy, tần suất chuyến. Việc xây dựng phần mềm sử dụng trên smartphone sẽ giúp họ dễ dàng sử dụng phương tiện giao thông công cộng hơn. Phần mềm này sẽ được tích hợp vào chung với phần mềm được viết cho hệ thống taxi nội vùng.

Bài tham dự Diễn đàn chống ùn tắc giao thông đô thị do Báo Giao thông, Otofun phối hợp tổ chức, Tập đoàn Hyundai Thành Công đồng hành tài trợ. Ý kiến đóng góp xin gửi về: Chonguntac@baogiaothong.vn và news@otv.vn...

Căn cứ vào lượng khách hiện có ở từng mức độ khác nhau, lái xe sẽ chọn mức độ, phần mềm cho phép người sử dụng nên chờ hay chuyển sang sử dụng phương tiện khác khi xe đã quá đầy. Thực tế, người ta có thể đặt các cảm biến tại cửa lên và cửa xuống để biết lượng khách có trên xe nhiều hay ít, thậm chí có thiết bị như camera gắn cảm biến có thể nhận biết lượng khách trên xe… Cảm biến khi khách lên và xuống thì phần mềm hoàn toàn tự động tính được số lượng khách trên xe. Còn camera không thể tự động. Cơ chế của cảm biến dựa vào tác động cơ học để nhận biết. Camera hiện nay đều không có tích hợp cảm biến. Thực tế nếu muốn vẫn được nhưng không khả thi nên các nhà sản xuất đa số không tích hợp vào.

Giảm chi phí vận hành buýt bằng công nghệ vân tay

Việc thứ hai cần làm là áp dụng công nghệ vân tay. Một số nước trên thế giới còn thanh toán cước đi xe buýt bằng thẻ quét ngay khi lên xe. Cách thanh toán này rất thuận tiện. Tuy nhiên, việc này chỉ có thể áp dụng khi nhận thức của người sử dụng nghiêm túc và tự giác. Do ý thức người dân tại nước ta chưa cao, nếu dùng thẻ đi vé tháng sẽ mượn của nhau. Nếu người dân mua vé từng chặng nếu dùng thẻ, chi phí phát hành thẻ không thể bù được chi phí.

Một việc nữa cần làm để cải thiện chất lượng buýt là lắp camera phía ngoài, trên cửa lên xe buýt. Thời gian qua, hiện tượng móc túi, trộm cắp, các hành vi không lành mạnh tại các bến xe buýt và đặc biệt là tại cửa lên xe buýt diễn ra phổ biến. Việc lắp camera phía ngoài và phía trên cửa lên xe buýt (thậm chí, khi camera không hoạt động) sẽ hạn chế tệ nạn trên, người đi xe sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi sử dụng phương tiện xe buýt. Khi tập quán đi xe buýt đi vào nền nếp, xe buýt sẽ không cần phải lắp camera.

Công nghệ và thiết bị ứng dụng công nghệ càng ngày càng phát triển, độ chính xác tăng, mạng 4G xuất hiện, khả năng truyền tải tín hiệu nhanh gấp nhiều lần so với hiện nay. Do vậy, tôi đề xuất tới đây các thành phố lớn cần áp dụng mua vé, kiểm soát vé qua dấu vân tay.

Người đi xe đến các đại lý cạnh các trạm xe buýt để mua vé tháng, tuần, ngày, vé lượt, mua card trừ tiền dần trong các lần đi,… các thông tin mua được người bán lưu lại (trừ trường hợp mua vé lượt), đồng thời người mua phải quét vân tay của mình sau khi trả tiền. Máy quét được trang bị tại các đại lý (các đại lý hoạt động như các địa điểm bán thẻ cào, card điện thoại hiện nay). Các thông tin và vân tay (được mã hóa) được chuyển về trung tâm.

Trên xe buýt cũng trang bị máy quét vân tay kết nối với trung tâm. Khi bước lên xe, khách đi xe sẽ quét vân tay đã đăng ký trước đó, tín hiệu được mã hóa chuyển về trung tâm xử lý sau đó phản hồi để xác nhận, đồng thời báo cho người quản lý xe khách đã hợp lệ hay chưa (đã mua vé hay chưa). Hệ thống sẽ tự động xóa mã vân tay đối với vé lượt, vé tháng, tuần, ngày đã hết hạn, card đã hết tiền. Khi người dân tự giác, xe không quá đông, việc sử dụng phương án này rất hiệu quả, có thể không cần phụ xe để giảm chi phí vận hành.

Khoảng 5-7 năm nữa, mức sống (thu nhập) của người Việt cao lên, chi phí vận hành xe buýt sẽ tăng. Khi đó, nếu ý thức của người đi xe buýt được nâng cao kết hợp với việc thanh toán giá cước bằng vân tay có thể không cần phụ xe để bán vé như hiện nay.

Dương Bá Khánh
Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn kỹ thuật CSC

banner-dien-dan

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.