Kinh tế

Muôn kiểu chuyển lậu ngoại tệ ra nước ngoài

07/09/2020, 06:28

Theo các chuyên gia, muốn ngăn chặn dòng tiền chảy ra nước ngoài bất hợp pháp cần có những quy định về việc kiểm soát dòng tiền trong nước.

img
Dịch vụ chuyển tiền nước ngoài được quảng cáo hấp dẫn (Ảnh chụp màn hình lúc 10h19’05’’ ngày 3/9/2020)

101 cách để chuyển ngoại tệ ra nước ngoài

Hoạt động chuyển lậu ngoại tệ ra nước ngoài vẫn âm ỉ diễn ra bất chấp các quy định của pháp luật.

Trong vai một khách hàng muốn mua nhà ở Mỹ để chuẩn bị cho con sang du học, PV Báo Giao thông được một nhân viên môi giới BĐS tên T. giới thiệu: “Tại bang Orlando - khu vực PV có nhu cầu đầu tư - mỗi căn nhà 3 - 4 phòng ngủ có giá trên 100.000USD tuỳ vị trí. Sau khi khách đã “chốt” được hàng, chỉ cần chuẩn bị sẵn tiền mặt, phía T. sẽ chỉ định người tại Việt Nam nhận số ngoại tệ này. Song song đó, bên Mỹ sẽ có người mang tiền tới cho chủ nhà và ký hợp đồng mua bán nhà thông qua VP luật sư, công chứng. “Rất nhanh gọn, còn nhanh hơn cả mua nhà ở Việt Nam. Giá còn rẻ hơn mua nhà tại TP HCM hay Hà Nội”, nhân viên T. nói.

Đây chỉ là một trong vô vàn hình thức chuyển “lậu” ngoại tệ ra nước ngoài. Theo tìm hiểu của PV, hầu hết các giao dịch chuyển tiền theo dạng trao tay đều phải thông các “đầu nậu”. Nhưng không phải ai cũng gặp được đầu nậu vì tất cả các giao dịch đều phải có người thân giới thiệu.

Một đại gia ở TP HCM đang đầu tư vài căn nhà tại Mỹ cho hay, quanh khu quận 5 có một số tiệm vàng, nhưng ngay cả người quen dẫn đến cũng phải qua nhiều vòng thử thách.

Việc chuyển tiền sang tay, nói đơn giản là kết nối giữa người ở nước ngoài có nhu cầu chuyển về Việt Nam, với người Việt có nhu cầu chuyển ra nước ngoài. Hai bên gặp được nhau thông qua đầu nậu và phải trả một phần chi phí từ 1-1,5% cho bên trung gian.

Trong khi đó, chị Mai nhà ở quận 2 cho hay, chị được người quen giới thiệu nhờ qua công ty xuất nhập khẩu để làm. Các công ty xuất nhập khẩu luôn có hạn mức về ngoại tệ để trả tiền mua nguyên liệu ở nước ngoài.

Khách hàng đưa tiền cho công ty tại Việt Nam, số tiền chuyển đi một phần doanh nghiệp để thanh toán mua bán, nhưng một phần được tách ra. Cách này cũng khá an toàn vì doanh nghiệp vẫn tiến hành giao dịch qua ngân hàng thương mại bình thường.

Một cách chuyển tiền khác nghe có vẻ hoang đường nhưng lại có thật, được một đại gia tại TP HCM tiết lộ là qua đầu tư… trang sức. Với những tay tài phiệt giàu có, bỏ tiền mua một chiếc nhẫn kim cương thương hiệu quốc tế có giá lên tới cả triệu USD và có thể đeo đi khắp nơi.

Vì là trang sức thương hiệu quốc tế, nên sau đó có thể mang tới đúng cửa hàng của thương hiệu đó bán. Tất nhiên, trong trường hợp này, khi bán đi, món đồ sẽ mất khoảng 10-15% giá trị ban đầu. “Còn để dễ hơn nữa là mở tài khoản ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và nộp tiền vào đó. Sau đó ký giấy cho tặng số tiền đó là xong”, vị đại gia nói.

Đầy rẫy dịch vụ trên mạng

img
Tìm kiếm dịch vụ chuyển tiền qua mạng trên Google ra 120.000.000 kết quả

Tại Hà Nội, PV Báo Giao thông khảo sát tại phố Hà Trung (quận Hoàn Kiếm) - tụ điểm giao dịch ngoại tệ “đen” có tiếng. Trong vai một khách hàng, PV đặt vấn đề chuyển hơn 20 tỷ đồng tiền Việt sang cho em gái ở Canada với mục đích mua nhà.

Ông chủ một cửa hàng được giới thiệu là có tên tuổi, uy tín nhất “chợ”, sau vài cuộc điện thoại ra nước ngoài, kiểm tra địa chỉ nhận do PV cung cấp là có thật mới đồng ý nhận lời giao dịch.

Ông chủ này cho biết, giao dịch ở đây dựa trên uy tín là chính, không có hình thức đảm bảo nào ngoài giấy biên nhận. Phí được tính trên dưới 1% số tiền chuyển. “Sau hai ngày làm việc sẽ có người ở nước ngoài chuyển tiền vào số tài khoản người nhận. Khi nào gửi thì mang tiền mặt đến tại cửa hàng. Cửa hàng sẽ nhận tiền và viết phiếu nhận tiền”, ông chủ cửa hàng nói.

Với nhu cầu tương tự của PV, một vài cửa hàng bên cạnh có quy mô kinh doanh và giao dịch nhỏ hơn, phí chuyển được báo cao hơn, dao động từ 1-1,5% tổng giá trị giao dịch.

Dễ dàng hơn, PV chỉ cần mở điện thoại, vào Google tìm kiếm từ khoá “Dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài” lập tức cho 120 triệu kết quả liên quan đến dịch vụ này. Trong đó 13 kết quả của trang đầu tiên là quảng cáo của các ngân hàng thương mại, còn sau đó phần lớn là website của dịch vụ “chui”.

PV liên hệ vào một website giới thiệu có cả trụ sở tại Hà Nội và TP HCM đã được một người tên N.H.T. báo giá, phí chuyển tiền ra nước ngoài được tính 2% trên 1 lệnh chuyển. Chị T. tư vấn, với số tiền lớn vài chục tỷ đồng và chuyển vào tài khoản cá nhân thì phải chia nhỏ làm nhiều lần, không thể chuyển một lần hết số tiền.

Một ngày chuyển tối đa khoảng 30.000USD (tương ứng gần 700 triệu đồng - PV). Làm như vậy sẽ không phải chịu thuế. “Chuyển vào tài khoản công ty cũng được nhưng đầu nhận sẽ phải chịu thuế theo quy định của pháp luật và giải trình khoản nhận”, chị T. nói.

Phải kiểm soát được dòng tiền trong nước

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, Nhà nước chỉ cho phép đầu tư ra nước ngoài đối với các hoạt động đầu tư có vai trò cần thiết cho quốc gia. Việc đầu tư phải được thẩm định, cấp phép của các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính, Kế hoạch và đầu tư...

Riêng đầu tư bất động sản thì không được phép bởi tiền đầu tư bị chuyển ra nước ngoài, tài sản đặt ở nước ngoài và không tạo ra công ăn việc làm cho lao động người Việt.

Theo Điều 7, Nghị định 70/2014/NĐ-CP, hạn mức cá nhân chuyển tiền ra nước ngoài với mục đích học tập hạn mức tối đa không quá 25.000 USD/người/năm; Cá nhân đi chữa bệnh thì hạn mức sẽ dựa trên tổng số tiền trên hóa đơn. Nếu không có chứng từ chứng minh thì cá nhân trong nước có thể chuyển với hạn mức không quá 25.000 USD/người/năm. Cá nhân đi công tác hoặc du lịch thì có thể mua ngoại tệ và mang theo khoảng 7.000 USD/người/lần…


Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều cách chuyển tiền chui, hình thức bù trừ là hình thức được sử dụng điển hình nhất. Ông Hiếu đưa ví dụ: Có ông A và ông B là họ hàng bà con với nhau. Ông A ở trong nước nhận dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài. Ông B ở nước ngoài chịu trách nhiệm giao tiền cho người nhận ở nước đó. Ông C ở trong nước có nhu cầu chuyển tiền cho ông D ở nước ngoài, ông C sẽ mang tiền đưa cho ông A.

Khi ông A nhận đủ tiền gọi điện báo cho ông B mang số tiền ngoại tệ tương ứng đến giao cho ông D. Như vậy giao dịch giữa ông A và ông C vẫn là trong nước, giao dịch giữa ông B và D ở nước ngoài. Nhưng thực chất đã có một giao dịch chuyển tiền từ ông C trong nước sang ông D ở nước ngoài thông qua trung gian là ông A và B.

Bên cạnh đó còn có hình thức mở tài khoản tín dụng và chuyển tiền thông qua hoạt động mua bán, xuất nhập khẩu. Ví dụ: Ông A ở Việt Nam làm xuất nhập khẩu với ông B ở Mỹ. Ông A mở 2 tài khoản, một tài khoản ở Việt Nam và một tài khoản ở Mỹ.

Khi ông B bên Mỹ chuyển hàng về Việt Nam, ông A mở một tín dụng thư yêu cầu ngân hàng chuyển tiền cho ông B bằng USD. Khi ông B nhận được tiền sẽ chuyển tiền này vào tài khoản của ông A ở bên Mỹ. Vậy thông qua hoạt động xuất nhập khẩu ông A đã chuyển được tiền của mình từ trong nước sang tài khoản của chính mình ở nước ngoài.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico cho rằng, quy định pháp luật hiện nay khá tù mù, gần như giao hoàn toàn cho các ngân hàng thương mại tự quyết định trong nhận chuyển tiền ra nước ngoài.

Chỉ cần một cá nhân hay doanh nghiệp có đủ chứng từ như: Hợp đồng dưới dạng vay trả nợ, tặng, cho... (dù chỉ là chứng từ giả, hay thật đã được nâng khống giá trị) là đã có thể chuyển hàng triệu, hàng tỷ USD một cách hợp pháp từ Việt Nam sang nước ngoài.

Hơn nữa, tình trạng sử dụng tiền mặt không kiểm soát ở Việt Nam đang còn rất nhiều vấn đề, lỏng lẻo. “Chúng ta có thể mang hàng chục tỷ đồng tiền mặt để đi mua bất động sản, góp vốn hay cho tặng mà không ai quản lý, không bị truy xuất nguồn gốc ở đâu.

Đây là kẽ hở tồn tại từ lâu mà không thể kiểm soát”, luật sư Đức nói và cho rằng, muốn ngăn chặn dòng tiền chảy ra nước ngoài bất hợp pháp cần có những quy định về việc kiểm soát dòng tiền trong nước.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP HCM, theo Thông tư 12/2016 hướng dẫn về quản lý ngoại hối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, cá nhân và tổ chức muốn chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài cần phải có giấy phép đầu tư ra nước ngoài của Bộ KH&ĐT, sau đó Ngân hàng Nhà nước sẽ xác nhận tiến độ chuyển tiền và ngân hàng thương mại căn cứ theo đó thực hiện. Với cá nhân đầu tư bất động sản, đến nay chưa có cơ chế chuyển ngoại tệ.

Riêng với việc cá nhân chuyển tiền đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, cũng chỉ có thể thực hiện được trong trường hợp có dự án đầu tư ở Mỹ và cũng phải tiến hành làm thủ tục xin Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cấp phép, sau đó trình tiếp lên Ngân hàng Nhà nước, sau đó ngân hàng thương mại chuyển tiền theo đúng mục đích đầu tư. “Với trường hợp thông qua đơn vị xuất nhập khẩu, đến nay chúng tôi chưa nhận được bất cứ thông tin nào. Nhưng nếu có việc chuyển tiền không đúng mục đích là vi phạm quy định, khách hàng cũng gặp rủi ro khi thực hiện các hành vi phi chính thức”, ông Minh nói.

Nguyễn Hùng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.