Vận tải

Muôn kiểu coi thường khách hàng của Grab

13/09/2022, 07:30

Tắt app, không nhận chuyến khi thời tiết xấu, giá cước thay đổi theo phút, cò kè, mặc cả giá… Grab đang ngày càng thể hiện sự coi thường khách.

Giá cước “trên trời”, nhận rồi hủy chuyến

Ngày 8/9, PV Báo Giao thông đặt GrabCar từ Nguyễn Công Hoan về Giảng Võ, Hà Nội, tuy nhiên đặt gần 10 lần vẫn không có tài xế nào nhận chuyến. App liên tục báo “Rất tiếc các tài xế gần đây đều đang bận”.

Anh Nguyễn Tuấn (quận Nam Từ Liêm) cho biết, anh có tài khoản trong ứng dụng Grab từ năm 2014, đã lên hạng khách hàng Bạch kim, tích gần 20.000 điểm nhưng cách đây vài hôm, anh đặt một chuyến ô tô của Grab mà đặt 10 lần cũng không tài xế nào nhận.

img

Không quản lý được đối tác là tài xế, Grab ngày càng coi thường khách hàng (Ảnh minh họa)

Đáng nói, cả 2 thời điểm PV và anh Tuấn đặt xe, trời đều đang mưa. Theo tìm hiểu, đây là tình trạng thường gặp của khách hàng sử dụng xe công nghệ Grab, nhất là khi thời tiết xấu (mưa bão) và quãng đường di chuyển ngắn. Nguyên do là tài xế tránh mất thời gian và tiêu hao nhiên liệu, chi phí do tắc đường.

Chị Nguyễn Hà (Hà Nội) cho biết, có lần chị đặt xe Grab đi xa, giá cước 500.000 đồng, đứng sẵn ở sảnh chung cư chờ tài xế nhưng lúc sau thấy tài xế báo hủy chuyến với lý do “Chờ 5 phút không thấy xuống”, trong khi chị không nhận được cuộc điện thoại nào từ lái xe.

Tương tự, đặt GrabCar cần đi gấp nhưng anh Trịnh Sơn chờ đến 15 phút vẫn chưa thấy tài xế đến, lúc sau nhận được tin nhắn qua app: “Em đặt xe khác đi. Xa”, cũng đành phải “nuốt cơn giận vào trong” để đặt xe khác.

Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Thắng (quận Cầu Giấy) cho biết, anh vừa xóa hết các app gồm cả di chuyển và giao hàng, trong đó có cả Grab vì giá cước “nhảy” theo thời điểm và giá “trên trời”.

Chị Minh Anh cho hay, chị đặt GrabBike quãng đường đi 6,3km app báo 82.000 đồng, tính ra hơn 12.000 đồng/km, tưởng chọn nhầm sang GrabCar nhưng không, nếu đặt GrabCar, mức cước nhảy vọt lên đến 175.000 đồng. “Với mức cước này, tôi đành chuyển sang đi taxi truyền thống”, chị Anh nói.

Quả thật như thế, quãng đường từ Nguyễn Công Hoan về Giảng Võ mà PV đặt ngày 8/9, Grab báo giá cước 57.000 đồng nhưng không tài xế nào nhận, khi PV đặt taxi, khoảng 5 phút sau, tài xế có mặt và giá tiền cước chỉ 32.000 đồng (thấp hơn 25.000 đồng so với Grab).

Trước đó, chị Phạm Mai (trú tại quận Nam Từ Liêm) cho biết, vừa qua, chị đặt xe từ Nguyễn Công Hoan về Phạm Hùng với cung đường 4,1km lúc 11h, trên app Grab báo giá cước GrabCar (loại xe 4 chỗ) 97.000 đồng. Nhưng đến 14h chiều cùng ngày, cũng với cung đường này, chị đặt GrabCar, giá cước là 105.000 đồng(?!).

Tài xế cò kè, mặc cả với khách hàng

Ngày 10/9, mạng xã hội facebook xôn xao vì những dòng chia sẻ của người dùng Martin Phùng khi đặt Grab giao hàng (giá cước 82.000 đồng với cung đường khoảng 9km) từ Hà Đông đến Mỹ Đình nhưng chờ đến 30 phút vẫn thấy tài xế chạy lòng vòng trên bản đồ, ngày càng đi xa vị trí anh đang chờ để đưa hàng.

Chờ đợi quá lâu, anh Martin nhắn tin hỏi thì tài xế Grab liền “cò kè” xin thêm tiền cước vì tài xế này cho biết, cước thực tế nhận về chỉ 50.000 đồng.

Chia sẻ với PV, anh Martin cho biết, đây không phải lần đầu tiên anh bị tài xế Grab “xin” thêm tiền cước, nhiều đơn hàng trước đó, các tài xế đều xin cước theo kiểu làm tròn, từ vài nghìn đến hơn chục nghìn đồng.

Cần phải “khép” Grab vào đơn vị kinh doanh vận tải. Bản chất của Grab là taxi, ai cũng hiểu bởi hoạt động như taxi truyền thống chỉ là phương thức khác nhau: không gắn đèn, tính tiền, đặt chuyến, huỷ chuyến bằng phần mềm. Để từ đó, yêu cầu Grab phải đăng ký và kê khai giá tại địa phương hoạt động làm cơ sở quản lý.
“Grab “đẻ” ra nhiều loại phí và phụ phí, nhưng phần hỗ trợ cho tài xế từ nguồn phí đó rất ít, mỗi chuyến đi lại chiết khấu đến 35% giá cước của tài xế.

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam


“Hôm qua vì rất vội gửi hàng đi mà phải chờ đợi lâu nên tôi bức xúc mới đăng lên mạng xã hội để cảnh báo những người khác. Sau vụ hôm qua, tôi cũng xoá app Grab không sử dụng nữa. Các tài xế Grab ngày càng không coi khách hàng ra gì”, anh nói.

Chị Vũ Hoà An (quận Thanh Xuân) cũng cho biết, hôm trước chị đặt đơn Grab giao hàng 92.000 đồng nhưng tài xế gọi điện “đòi” cước 130.000 đồng do chị ở ngoại thành, sau khi ship hàng, tài xế không có đơn chiều về.

Tương tự, chị Lan Anh (trú tại Dịch Vọng) chia sẻ chị cũng từng bị tài xế “làm tròn cước” từ 33.000 đồng lên 40.000 đồng mà không có lời giải thích trước.

“Tôi không tiếc gì chục nghìn đồng nhưng phải đúng và chuẩn. Đáng nói, khi tôi thắc mắc giá cước cao hơn app báo, tài xế còn cáu”, chị Lan Anh nói.

Theo một số tài xế Grab, thời điểm giá xăng tăng cao hoặc tắc đường, nhiều người “xin” thêm tiền cước khách hàng vì sau khi “trích” lại cho Grab từ 28-35% tiền cước thì thành “làm không công”. Và đây là chuyện “cực chẳng đã”(?!).

Một tài xế tên L.Q.L cho biết, chạy Grab hiện nay lương không được bao nhiêu vì tỷ lệ chiết khấu ngày càng cao so với trước đây. Nhiều tài xế thậm chí phải gom đơn gần nhau để giao nhằm tiết kiệm chi phí nên sẽ gặp tình trạng đơn giao nhanh, giao chậm.

Thông cảm với lý do này, anh Nguyễn Quốc Tùng (Cầu Giấy) cho biết, với chiết khấu 28% gửi lại Grab, nhận chuyến giao hàng 9km với cước 82.000 đồng, thực tế tài xế nhận về chưa được 60.000 đồng.

Nếu chiều về không có đơn, sẽ phải di chuyển quãng đường 18km chỉ với giá cước 60.000 đồng thì quá thiệt.

Tuy nhiên, điều anh Tùng băn khoăn là trước đây các tài xế Grab rất sợ khách hàng đánh giá thấp nên chất lượng phục vụ khá tốt so với taxi truyền thống nhưng gần đây đã có chuyện tài xế hủy chuyến, đôi co với khách. Không biết do chính sách của Grab thay đổi, chất lượng quản lý đi xuống hay vì lý do gì khác?

Cần quản lý Grab như đơn vị kinh doanh vận tải

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, nguyên nhân của tất cả những bất cập trên là do Grab không quản lý được các đối tác bởi tài xế Grab là những chủ xe độc lập.

Các nước phát triển thường không cho cá nhân kinh doanh vận tải mà phải gia nhập các tổ chức hợp tác xã hoặc mở hộ kinh doanh tập thể, phải có bộ phận đào tạo về ATGT và xử lý các khiếu nại của khách hàng.

“Thực hiện tổ chức định đoạt giá cước, thu tiền nhưng Grab lại không đăng ký là đơn vị kinh doanh vận tải. Nghị định 10 quy định rất rõ doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động ở địa phương nào phải xin cấp phép ở địa phương đó nhưng đến nay, Grab mới chỉ được cấp phép hoạt động ở TP.HCM nhưng lại “vươn” ra nhiều tỉnh, thành khác. Trong khi, cơ quan quản lý nhà nước lại chưa có chế tài xử lý Grab về việc này”, ông Hùng nói và cho rằng, từ đó, dẫn đến hành động ngang nhiên đặt ra và thu hàng loạt phụ phí “trên trời” như: Phụ phí 2/9, trời mưa bão, giờ cao điểm, nắng nóng… theo kiểu một chiều bằng cách thông báo và thu tiền, khách hàng buộc phải chấp nhận.

Đây cũng được coi là nguyên do khiến giá cước của Grab thay đổi liên tục, “nhảy múa” khiến nhiều khách hàng bức xúc.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, về bản chất, việc một số hãng xe công nghệ “đẻ” thêm loại phí và tăng phí là hình thức tăng giá dịch vụ và cần phải được cơ quan chức năng giám sát, thanh tra với những khoản tăng không minh bạch, có dấu hiệu trục lợi.

Taxi công nghệ sẽ phải kê khai giá cước

Đại diện Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, chính vì có sự tương đồng trong cách thức hoạt động của xe taxi và xe hợp đồng (trong đó có Grab) nên dự thảo Luật GTĐB sửa đổi đã ghép xe hợp đồng dưới 9 chỗ vào taxi để đưa về cùng một điều kiện kinh doanh.

Từ đó, sẽ khắc phục được các bất cập trong quản lý giá cước, điều kiện gia nhập thị trường. Khi đó, taxi công nghệ sẽ phải kê khai giá cước, đảm bảo công bằng trong kinh doanh vận tải.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.