Xã hội

Muôn kiểu lách luật xây nhà nuôi yến trong khu dân cư, vì sao khó xử phạt?

01/06/2022, 14:11

Nhiều hộ nuôi yến có thu nhập cao nên phong trào nuôi yến phát triển rầm rộ, gây phiền hà. Khi quy định cấm xây nhà yến, thì họ lách.

Khổ vì nhà yến

Sóc Trăng là địa phương có 72km bờ biển và có nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến. Tuy nhiên, thời gian qua, nghề nuôi chim yến ở tỉnh này đang có nhiều vấn đề cần được giải quyết, trong đó có tình trạng lách luật, gây khó khăn cho địa phương trong xử lý…

img

Một nhà nuôi yến trong khu dân cư ở Sóc Trăng.

Theo đó, hiện nay nhiều nhà nuôi yến được xây dựng ở khu dân cư, khu vực đô thị, chưa phù hợp với quy định và điều kiện vệ sinh thú y cũng như quy hoạch chăn nuôi, dẫn đến mất cân bằng giữa tốc độ tăng nhà yến và tốc độ tăng trưởng đàn chim yến.

Nhiều người nuôi yến chưa nắm bắt được quy trình kỹ thuật, công nghệ nuôi chim yến, đầu tư xây nhà nuôi yến ở những vị trí không thuận lợi cho sự sinh tồn, phát triển của chim yến nên hiệu quả kinh tế thấp. Ngoài ra, còn có những tác động xấu đến môi trường, quản lý thú y…

Một cán bộ ngành thú y Sóc Trăng chia sẻ: “Ở Sóc Trăng có nhiều hộ nuôi yến nhưng chủ yếu bà con nuôi theo kiểu tự phát, thậm chí không xây nhà nuôi yến mà chỉ cải tạo lại nhà cũ, kho, xưởng thành nơi nuôi yến. Có người dùng nhà ở, khách sạn để vừa ở, vừa kinh doanh phần dưới, nuôi yến ở tầng trên.

Các hộ này đều mở thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến khiến người dân bị ảnh hưởng bởi âm thanh réo rắt suốt ngày. Bên cạnh đó, môi trường cũng bị ảnh hưởng vì lông, phân chim yến rơi vãi, bay tứ tung… Nhưng chính quyền và ngành chức năng không xử lý được”.

img

Nhà yến ngay trung tâm TP Sóc Trăng.

Một người dân phản ánh: “Theo tìm hiểu của chúng tôi, thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70 dba (đơn vị đo độ ồn âm thanh), thời gian phát loa dẫn dụ chim yến từ 5h - 11h30 và từ 13h30 - 19h mỗi ngày.

Nhưng nhà yến của hộ dân đó lại phát loa cường độ rất lớn, phát suốt ngày khiến chúng tôi rất khổ sở”.

“Từ ngày nhà nuôi yến vào hoạt động, chủ hộ cho gắn loa dẫn dụ chim yến phát suốt ngày khiến bà con chúng tôi - có nhiều trẻ em, mất ăn mất ngủ, nhức đầu. Cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn, chất thải từ nhà yến văng lên mái nhà, tường nhà, khu vực sân nhà, quần áo phơi ngoài sân bị dính đầy phân yến.

Đặc biệt, vào mùa mưa, bà con chúng tôi phải dự trữ nước mưa phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt trong những tháng mùa khô. Nhưng chất thải từ nhà nuôi yến của họ đã làm ô nhiễm mái nhà nên chúng tôi không thể hứng nước mưa như trước đây được.

Để có nước sử dụng, chúng tôi phải mua nước đóng chai, đóng bình, tốn thêm rất nhiều tiền, trong khi đó bà con chúng tôi cũng khó khăn lắm”, một người dân gần nhà nuôi yến bức xúc.

Tại kỳ họp chuyên đề ngày 28/2/2022, các Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã biểu quyết đồng ý thông qua dự thảo nghị quyết liên quan đến khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến.

Theo quyết nghị, khu vực không được phép chăn nuôi là các phường, thị trấn thuốc huyện, thị xã và thành phố trong toàn tỉnh Sóc Trăng. Khu dân cư hiện hữu, khu dân cư theo quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt cũng là nơi không được chăn nuôi.

Vùng nuôi chim yến là vùng nằm ngoài khu vực không được phép chăn nuôi như quy định ở trên. Nhà yến phải có khoảng cách tối thiểu 300 mét tính từ ranh giới hành chính của khu vực không được phép chăn nuôi, khu dân cư hiện hữu, khu dân cư theo quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Đối với những tổ chức, cá nhân đã xây dựng chuồng, trại để chăn nuôi trước ngày nghị quyết có hiệu lực, cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng cho thời gian di dời ra khỏi khu vực cấm trước ngày 1/1/2025.

Đối với nhà nuôi chim yến hoạt động trước ngày nghị quyết có hiệu lực thì được phép tồn tại nhưng phải giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới và không sử dụng loa phóng, phát âm thanh...

Cấm, thì lách!

Ông Châu Hoàng Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề cho biết: “Ở địa phương có hộ xin phép xây nhà ở nhưng cuối cùng lại thành… nhà nuôi yến”.

Kiểm tra công trình xây dựng của hộ này, giấy tờ thể hiện công trình này được UBND huyện Trần Đề cấp phép xây dựng nhà ở, tổng diện tích 418m2, quy mô 3 tầng và 1 tầng thượng, tum che buồng thang nhưng hộ này đã chuyển đổi công năng so với hồ sơ xin phép xây dựng ban đầu (chuyển đổi từ nhà ở riêng lẻ thành nhà dẫn dụ chim yến).

img

Một hộ ở ấp Đầu Giồng, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề xin phép xây nhà ở nhưng cuối cùng lại thành nhà nuôi yến mà không có quy định xử phạt chỉ vì chuyển đổi công năng.

Tuy nhiên, huyện không xử phạt được vì quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng tại Nghị định số 139/2017 của Chính phủ không quy định xử phạt đối với hành vi này mà chỉ xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi với số tiền 7,5 triệu đồng.

Cũng có trường hợp người dân xin phép xây nhà ở nhưng thực chất là xây nhà nuôi yến, địa phương kiểm tra phát hiện nhưng không xử lý được vì khi kiểm tra họ nói xây nhà ở nhưng chưa hoàn thiện nên không thể xử lý. Có hộ xây xong, không làm thủ tục hoàn công nên không xử lý được.

Có trường hợp xây xong, nuôi chim yến rồi nhưng địa phương không thể xử lý vì chủ nhà nói họ thuê chuyên gia ở tỉnh khác xây và có hợp đồng về lắp trang thiết bị, kỹ thuật nuôi yến. Do đó không thể cho chính quyền vào kiểm tra vì “đang trong thời kỳ thực hiện hợp đồng, nếu chủ nhà vi phạm sẽ bị bên xây nhà phạt và họ không chịu trách nhiệm về chất lượng đàn yến”.

img

Một nhà nuôi yến tại trung tâm thành phố Sóc Trăng.jpg

Ông Châu Hoàng Tú chia sẻ: “Những gì bà con phản ánh, chúng tôi đã kiểm tra nhưng rất khó vì địa phương không có thiết bị đo âm thanh nên không thể kết luận cường độ âm thanh có vượt quá 70 dba hay không.

Chúng tôi chỉ yêu cầu hộ dân này phát loa dẫn dụ chim yến đúng cường độ cho phép và mở máy phát trong khung giờ quy định (từ 11-14 giờ và sau 20h) nhằm đảm bảo không gây ảnh hưởng đến giờ giấc sinh hoạt, nghỉ ngơi đến các hộ dân xung quanh.

Ngoài ra, hộ nuôi phải đảm bảo vệ sinh thú y trong quá trình nuôi, dọn dẹp khu vực nhà nuôi chim yến để đảm bảo tốt vệ sinh môi trường”.

Khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng gồm:

Tại TP Sóc Trăng gồm phường 1 và khu vực trung tâm các phường còn lại theo quy hoạch được phê duyệt.

Thị xã Ngã Năm gồm trung tâm thị xã Ngã Năm và trung tâm phường 2, phường 3 theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Thị xã Vĩnh Châu gồm trung tâm thị xã Vĩnh Châu và trung tâm phường 2, phường Khánh Hòa, phường Vĩnh Phước theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Huyện Long Phú gồm trung tâm thị trấn Long Phú và trung tâm thị trấn Đại Ngãi. Huyện Kế Sách gồm trung tâm thị trấn Kế Sách và trung tâm thị trấn An Lạc Thôn.

Huyện Mỹ Xuyên gồm trung tâm thị trấn Mỹ Xuyên và trung tâm vùng quy hoạch thị trấn mới (xã Hòa Tú 1).

Huyện Châu Thành là trung tâm thị trấn Châu Thành; huyện Mỹ Tú là trung tâm thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa.

Huyện Thạnh Trị gồm trung tâm thị trấn Phú Lộc và trung tâm thị trấn Hưng Lợi. Huyện Cù Lao Dung là trung tâm thị trấn Cù Lao Dung. Huyện Trần Đề gồm trung tâm thị trấn Trần Đề và trung tâm thị trấn Lịch Hội Thượng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.